Đam mê từ tuổi ấu thơ

Sinh năm 1974, thừa hưởng gen của bố, từ tuổi ấu thơ, Hờ A Thào đã mê mẩn với tiếng khèn Mông. Đến giờ, A Thào không nhớ nổi mình đã theo bố đi qua bao nhiêu bản làng của các huyện, tỉnh thuộc vùng cao Tây Bắc mà chỉ nhớ rằng mỗi khi giai điệu ấy vang lên trong người anh như có một "luồng điện" chạy qua.

Người giữ hồn khèn Mông trên đỉnh Tà Chử- Ảnh 1.

Anh Hờ A Thào say sưa truyền dạy về nghệ thuật thổi khèn Mông. VĂN TUẤN

"Lên 5 - 6 tuổi, bố đã truyền dạy cách thổi khèn cho tôi. Rồi theo bố tham gia nhiều lễ hội và cả đám ma cho người Mông. Theo thời gian, âm thanh, giai điệu của tiếng khèn cứ ăn sâu vào trong tâm trí. Đến 15 tuổi, tôi tự đi thổi khèn cho các đám ma hay các lễ hội ở nhiều thôn bản, không chỉ ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải mà còn cả Sơn La, Lai Châu, Điện Biên", A Thào chia sẻ.

Không giống các dân tộc thiểu số khác, trong văn hóa của người Mông thì chỉ nam giới mới biểu diễn độc tấu khèn. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, không chỉ Hờ A Thào mà hầu hết các chàng trai người Mông đều mày mò học hoặc được người lớn tuổi trong gia đình, dòng họ hướng dẫn cách diễn tấu khèn. Nhưng để có tiếng khèn được đồng bào "ưng cái bụng" thì không phải "chàng trai rừng" nào cũng làm được.

Theo A Thào, nếu học chỉ để biết thổi khèn Mông thì không khó. Nhưng học để hiểu biết về khèn, thành thạo, làm chủ các nốt nhạc, nhất là hơi và thổi thành thạo ở nhiều thể loại thì rất khó.

Nói về "bí quyết" để học nhanh và thổi thành thạo loại khèn này, A Thào cho rằng, trước hết phải có lòng đam mê, yêu khèn và quyết tâm theo đuổi nó.

Nhờ yêu và mê khèn Mông từ bé, giờ đây lúc buồn hay vui, chiếc khèn luôn theo sát bên A Thào. Đặc biệt, mỗi lúc tiếng khèn Mông của anh ngân lên, dù là người khó tính hay ít đam mê nghệ thuật cũng đều được dẫn dụ vào một thế giới, một không gian hoàn toàn khác lạ. Ở đó, họ được cảm nhận cái thanh âm bao la, hùng vĩ của núi rừng nhưng lại có nét chân thành, giản dị trong cuộc sống của con người bản địa vùng cao Trạm Tấu. Chính vì vậy, nhiều gia đình người Mông dù đời sống chưa khá giả cho lắm vẫn quyết tâm gửi con mình cho Hờ A Thào truyền dạy khèn Mông.

"Tiếp lửa" cho thế hệ trẻ

Giờ đây, trên đỉnh Tà Chử, Hờ A Thào không chỉ sáng tạo cho tiếng khèn của mình ngày càng hấp dẫn hơn mà còn mở lớp truyền dạy cho chính con em đồng bào Mông trên địa bàn vùng cao Trạm Tấu.

Người giữ hồn khèn Mông trên đỉnh Tà Chử- Ảnh 2.

Lãnh đạo H.Trạm Tấu thăm và tặng quà lớp học khèn Mông của anh Hờ A Thào. VĂN TUẤN

Khèn Mông thường được biểu diễn ở các hình thức: khèn đơn, khèn đôi và khèn tập thể. Cái khó của việc biểu diễn khèn Mông là không chỉ thổi đơn thuần mà phải biết kết hợp múa với những động tác lắt léo, khó và mang tính nghệ thuật cao. Động tác múa khèn cũng rất phong phú và đa dạng, như múa nhảy đưa chân, quay tại chỗ, lăn nghiêng... Chính vì vậy, thế hệ trẻ hôm nay rất ít người học, nguy cơ mai một rất cao.

Mong muốn bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị cây khèn truyền thống của người Mông, giúp nhiều thanh thiếu nhi hiểu về khèn, biết thổi khèn và nuôi dưỡng niềm đam mê…, Hờ A Thào quyết định mở lớp dạy khèn Mông. Anh mất nhiều năm để biên soạn giáo án bằng tiếng Việt và tiếng Mông.

Nghệ nhân ưu tú Giàng A Su, nguyên Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu, nhìn nhận: "Cá nhân tôi rất am hiểu khèn Mông, đã truyền dạy cho con cháu theo kiểu "cầm tay chỉ việc", song để dạy một cách bài bản, có hệ thống, từ cơ bản đến chuyên nghiệp thì chỉ có Hờ A Thào và ở Việt Nam cũng rất ít người dạy khèn Mông giỏi như cậu ấy".

Là người trẻ yêu nhạc cụ dân tộc mình, Giàng A Chua đến từ xã Pa Lau quyết tâm theo học khèn Mông. A Chua cho biết, ban đầu mới học khó khăn lắm, nhiều lúc muốn bỏ học, nhưng khi được thầy Thào hướng dẫn học thuộc các nốt nhạc, kỹ thuật lấy hơi, rồi mới đến luyện bài và học thổi khèn kết hợp múa thì giờ đây em đã làm chủ được khèn và biết thổi nhiều bài.

Tương tự, Hờ A Thắng ở xã Xà Hồ sau khi tốt nghiệp lớp khèn Mông từ thầy Thào cũng đã tự tin thổi khèn kết hợp với múa.

"Trước đây, tham gia các lễ hội, tôi thường đứng xem các bậc cha, chú thổi và múa khèn. Bây giờ, khi được thầy Thào truyền dạy, tôi đã học được cơ bản và thổi được nhiều điệu, nhiều bài, đặc biệt có thể thổi trong các lễ hội, đám ma nữa", A Thắng chia sẻ.

A Chua, A Thắng là 2 trong hơn 40 người theo học lớp khèn Mông mà Hờ A Thào đã truyền dạy từ năm 2020 đến nay. Anh cho hay: "Để thổi khèn thành bài, thành điệu rất khó, đòi hỏi người học phải kiên trì, tập luyện liên tục. Chính vì vậy, các bạn về học đều ăn ở tập trung trong 90 ngày liên tục. Trong quãng thời gian đó, tôi vừa làm thầy, làm bố, làm mẹ để lo ăn, ngủ, nghỉ cho các em. Quá trình dạy, tôi cũng phải rất kiên trì, tỉ mỉ chỉ cho các em từng nốt nhạc, kỹ thuật lấy hơi, đặc biệt truyền cảm hứng cho các em yêu thích thổi khèn nên các em tiến bộ nhanh".

Theo Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Giàng A Thào, khèn Mông là một loại nhạc cụ giữ vai trò trọng yếu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của dân tộc, thể hiện rõ nhất về tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc Mông. Do vậy, việc làm của Hờ A Thào đã góp phần quan trọng để gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mông.

"Thông qua tiếng khèn, đồng bào Mông thêm gắn kết và hòa quyện văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc khác. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Trạm Tấu thu hút du khách trong và ngoài nước đến với địa phương ngày càng nhiều hơn", ông Giàng A Thào nói.

"Có công mài sắt có ngày nên kim", vượt bao khó khăn vất vả, công sức, mồ hôi để soạn giáo án và dạy khèn Mông cho nhiều bạn trẻ, lớp truyền dạy khèn Mông hôm nay của Hờ A Thào không chỉ thể hiện lòng đam mê, nhiệt huyết mà còn thể hiện trách nhiệm của anh trong giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông. Niềm vui đó được nhân lên khi nghệ thuật khèn của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Thanh niên