Trong nhà gươl (nhà làng) nhỏ do chính tay mình dựng nên giữa sân nhà, già Y Kông (101 tuổi, trú tại thôn Tống Cói, xã Ba, H.Đông Giang, Quảng Nam) bài trí nhiều hiện vật của người Cơ Tu, làm nên một bảo tàng tư nhân có một không hai ở xứ Quảng.
Dốc tiền mua hiện vật
Nhiều năm trước, già Y Kông "vô tình" nổi tiếng khi ông tự mình đẽo chiếc quan tài độc mộc để làm nơi an nghỉ khi Yàng (trời) gọi tên. Từ việc làm những tưởng "chơi ngông" của ông, câu chuyện về nét văn hóa ma chay của người Cơ Tu đã lan truyền rộng rãi. Nhiều người tìm về "mục sở thị". Và khi đứng trước cỗ quan tài độc đáo, họ đã không ngần ngại ra giá đến 70 triệu đồng để được sở hữu. Già quyết không bán mà đem cỗ quan tài ra trưng bày. Nó trở thành một trong những hiện vật giá trị của "bảo tàng Y Kông".
"Năm 2007, tôi chính thức nghỉ hưu. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là làm sao khôi phục những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào mình sau quãng thời gian mai một. Hồi đó, ở khắp H.Đông Giang này, thiết chế văn hóa quan trọng nhất là nhà gươl ở các thôn gần như biến mất. Tôi đã huy động thanh niên vào rừng tìm gỗ, lá lợp… Ròng rã trong nhiều tháng, cuối cùng Tống Cói là thôn đầu tiên của H.Đông Giang có nhà làng", già Y Kông kể và cho biết thêm: "Tôi cũng làm căn nhà này để làm nơi đón khách. Lâu dần hiện vật nhiều lên, căn nhà như một bảo tàng nhỏ về người Cơ Tu vậy…".
Tuy nay đã hơn trăm tuổi nhưng khi giới thiệu về các hiện vật được trưng bày, già Y Kông có thể nói hàng giờ mà không biết mệt. Chỉ tay lên tường nhà gươl treo đầy nhạc cụ, công cụ lao động, vũ khí thô sơ từ xa xưa…, ông say sưa kể về cách chế tác, sử dụng. Bên dưới sàn nhà, bên cạnh cỗ quan tài độc mộc, già Y Kông bày biện nhiều tượng gỗ truyền thống, mô hình nhà mồ… do chính tay ông tạc nên. Cũng bên trong nhà gươl, già Y Kông còn cất giữ nhiều hình ảnh, tài liệu… về lễ hội truyền thống để khách ghé chân có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu.
Nói nhà của già Y Kông như một bảo tàng quả không ngoa bởi không chỉ có vật kiến trúc nhà gươl với nhiều hiện vật, già còn sưu tầm những vật dụng giá trị trong đời sống văn hóa của người Cơ Tu, như: chum ché, cồng chiêng, trang phục thổ cẩm, tràng hạt mã não… "Có được bao nhiêu lương hưu, tôi dành dụm để mua các hiện vật về trưng bày, cất giữ trong nhà để ai muốn tìm hiểu văn hóa Cơ Tu thì có thể tìm đến xem", già Y Kông cười hiền.
"Báu vật" nhân văn sống
Ngoài 100 tuổi, sức khỏe của già Y Kông dần yếu đi theo năm tháng. Tiếng trống, tiếng đàn… dù không còn vút cao như thuở trước nhưng mỗi lần già mang nhạc cụ ra chơi là những cụ già, trẻ nhỏ trong thôn lại rộn ràng tìm đến. Họ thích thú là bởi những màn trình diễn của già lúc nào cũng đậm chất núi rừng. Ở tuổi xưa nay hiếm, có lẽ cũng hiếm ai như già bởi trí tuệ mẫn tiệp. Già vẫn ghi nhớ những câu chuyện cổ của người Cơ Tu, nói chính xác những sự kiện lịch sử của cộng đồng và vanh vách kể về phong tục, tập quán của đồng bào mình…
Nhiều năm qua, "bảo tàng Y Kông" trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách, nhất là những du khách nước ngoài thích đi phượt và trải nghiệm văn hóa bản địa. Lúc tôi đến, già Y Kông vừa tiễn một du khách Anh và phiên dịch viên đi cùng anh ra về sau khoảng 1 giờ đồng hồ tham quan và nghe già kể chuyện. "Du khách nước ngoài đến tìm tôi và thường tỏ ra thích thú với những bức tượng do tôi tạc ra. Họ bảo tượng có hồn vì mang nét đặc trưng của điêu khắc Cơ Tu. Là họ nói vậy, chứ tôi khắc tượng cũng cảm tính, thô mộc lắm…", già Y Kông trải lòng và chia sẻ thêm: "Đến thăm gươl của tôi, du khách cũng rất thích chụp ảnh chung với cỗ quan tài độc mộc. Tôi vui lắm. Rồi những nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu sẽ theo chân du khách ra các nước trên thế giới".
Không chỉ là thợ điêu khắc được nhiều người tìm mua tượng, già Y Kông còn là nghệ nhân được nhiều người tìm gặp khi muốn mua nhạc cụ. Nhờ tài khắc gỗ của mình, già đã làm ra không biết bao chiếc trống truyền thống của đồng bào mình. "Trống của người Cơ Tu có nhiều kích cỡ và được đánh trong những dịp khác nhau nhưng điểm chung là phải đục thủng ruột. Và chỉ để lại phần thân dày 1 cm thì tiếng trống mới hay được. Mỗi chiếc trống làm cả tháng trời. Đời làm trống của mình, tôi cũng chỉ làm được khoảng chừng 100 chiếc", già Y Kông cho hay và nói thêm: "Những loại đàn như abel, pré'h…, tôi cũng làm được nhưng hiện ít người biết chơi nên tôi chỉ làm vài chiếc để trưng bày".
Cuối đời, điều khiến già Y Kông lấy làm vui là mỗi lần cần tham vấn các vấn đề văn hóa của người Cơ Tu, ngành chức năng các cấp lại tìm đến để lắng nghe ý kiến của già. Bảo tàng của già ngoài góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống còn là nơi cho các trường học, thôn bản mượn cồng chiêng, trang phục, trang sức… trong mỗi dịp trình diễn các tiết mục văn nghệ. "Bộ sưu tập trang phục truyền thống của tôi có giá cả trăm triệu đồng chứ không phải ít nhưng tôi sẵn lòng cho mượn để giáo dục truyền thống cho các cháu học sinh. Nay mai, tôi cũng sẽ về với Yàng nhưng cỗ quan tài giờ không còn là của riêng tôi nữa. Tôi sẽ để lại tất cả và đã dặn con cháu rằng, dù có nghèo, có chết cũng không được bán dù chỉ là một hạt mã não…", già Y Kông chia sẻ.
Theo Thanh niên