Hôm 27/7, nhận được lời nhờ hỗ trợ đưa bệnh nhi từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương về nhà, vợ chồng anh Bình Minh và chị Mai Linh, đồng sáng lập nhóm “Những chuyến xe yêu thương”, lập tức lên đường.

Tới nơi, hai người thấy em Công Minh (15 tuổi, quê Tân Lạc, Hòa Bình) đứng chờ xe với túi nhỏ hành lý trên tay.

Khi được hỏi thăm, Minh nói em bị bệnh tan máu từ lúc 3 tuổi. Lần này, cậu bé lên Hà Nội điều trị một mình, tự lo ăn uống, sinh hoạt vì bố mẹ bận đi làm.

Do dịch bệnh, anh Minh - chị Linh chỉ có thể đưa cậu bé đến nửa đường. Tại chốt kiểm dịch, bố bệnh nhi đứng chờ để đón con về nhà.

                  Bệnh nhi 15 tuổi đi điều trị một mình được vợ chồng anh Bình Minh hỗ trợ chở ra chốt kiểm soát dịch.


Lúc chia tay, anh Minh chỉ kịp dặn: “Từ giờ, con lưu số điện của chú vào, bất cứ khi nào con về chú sẽ giúp”. Nhìn cậu bé bằng tuổi con mình cúi đầu chào, xách chiếc túi đi qua chốt để về, vợ chồng anh không kìm được nước mắt.

Sau đó, anh Minh ra về với tâm trạng khó tả. Người đàn ông 49 tuổi vui vì giúp được cậu bé một đoạn đường. Cùng với đó, anh thấy xót xa vì căn bệnh tan máu sẽ theo em suốt đời. Anh hiểu điều này vì chính cha anh cũng mắc căn bệnh.

Đó chỉ là một trong hàng trăm chuyến xe chở người dân khó khăn mà anh Minh và anh em trong nhóm tiến hành từ đợt giãn cách xã hội. Họ dùng xe cá nhân, tự lo mọi chi phí xăng xe, cầu đường.

San sẻ khó khăn


Chia sẻ với Zing, anh Bình Minh cho biết anh cùng vợ lập nhóm “Những chuyến xe yêu thương” vào tháng 6/2020, xuất phát từ mong muốn làm việc thiện nguyện. Đến nay, nhóm có khoảng 100 thành viên ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.

Đối tượng ưu tiên của nhóm là bệnh nhân ngoại tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, điều trị lâu ngày trong các bệnh viện ở Hà Nội như Bệnh viện Nhi Trung ương hay Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Họ là những người kiệt quệ về sức khỏe, tinh thần lẫn kinh tế.

Hơn 1 năm qua, các thành viên hoạt động đều đặn, dựa trên sự nhiệt tình và cái tâm của mỗi người.

      Nhóm “Những chuyến xe yêu thương” đi vào hoạt động hơn 1 năm qua. Các thành viên tự túc chi phí 100%.


Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17, nhóm kết nối qua phòng Công tác xã hội của các bệnh viện trong thành phố để hỗ trợ đưa bệnh nhân về nhà.

Mỗi ngày, nhóm chở 10-15 trường hợp từ nơi điều trị về quê hoặc đến chốt kiểm soát tại cửa ngõ Hà Nội. Hôm 3/8, số người được giúp đỡ lên tới 23.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, các thành viên nhóm và bệnh nhân đều được hỗ trợ xét nghiệm Covid-19, đồng thời luôn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Phương tiện cũng thường xuyên được khử trùng.

Anh Trần Doãn Hưng, người tiếp nhận hàng chục cuộc điện thoại gọi tới nhóm nhờ giúp đỡ mỗi ngày và chịu trách nhiệm điều phối xe, cho biết hơn một năm qua, các thành viên không nhận hỗ trợ từ bất cứ đâu. Nhờ tôn chỉ hoạt động ý nghĩa, nhóm ngày càng thu hút nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng.

                                   Tài xế, bệnh nhân được hỗ trợ test Covid-19 trước khi lên đường.


Mỗi chuyến xe là một câu chuyện cảm động


Anh Đoàn Văn Khoa (sinh năm 1988) tham gia nhóm “Những chuyến xe yêu thương” từ tháng 9/2020.

Chia sẻ với Zing, anh Khoa cho biết trong lần đưa con tới Bệnh viện ĐH Y Hà Nội chữa trị, anh thấy một số bệnh nhi, người dân tộc thiểu số thiếu chỗ nghỉ, phải ra ghế đá nằm. Qua hỏi thăm, anh được biết họ đều khó khăn, không có xe về quê vì hết tiền. Cảm thấy xót xa, anh hỗ trợ họ chút kinh phí, mong san sẻ phần nào.

Khi biết đến nhóm tài xế chuyên chở bệnh nhân miễn phí, anh Khoa lập tức đăng ký. Dù công việc cá nhân khá bận rộn, anh cố gắng sắp xếp thời gian để đưa nhiều người về nhà an toàn.

Những ngày này, anh Khoa thường xuyên có mặt tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để vừa chở bệnh nhân, vừa động viên tinh thần anh em trong nhóm. Đến nay, anh thực hiện 8 chuyến xe 0 đồng từ bệnh viện ra chốt kiểm soát dịch.

Với anh Khoa, mỗi chuyến đi đều là một câu chuyện cảm động.

Hôm 27/7, anh vô tình chở nam bệnh nhân 50 tuổi, là đồng hương Nam Định. Người đàn ông tâm sự anh bị rối loạn đông máu, vài tháng nay chưa được về quê, cơ thể tiều tụy. Những lần lên Hà Nội điều trị, anh thường đi một mình, chỉ khi phẫu thuật mới có người nhà theo chăm sóc.

Trong lúc chờ bệnh nhân khám bệnh, anh Khoa tranh thủ quay lại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để hiến máu.


Theo thông tin từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, anh Khoa được biết bệnh nhân này bệnh tình khá nặng, phải điều trị đến cuối đời. Xót xa trước hoàn cảnh của đồng hương, anh hứa hỗ trợ chở người này đi lại giữa các bệnh viện ở Hà Nội để trị bệnh và về quê.

Tranh thủ lúc chờ bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, anh Khoa lái xe ngược trở lại điểm xuất phát để hiến máu vì biết kho máu dự trữ đang khan hiếm.

Một chuyến xe khó quên khác với anh Khoa là vào tháng 11/2020, anh chở bệnh nhi 4 tuổi về quê Nghĩa Hưng, Nam Định. Cháu bé bị tim bẩm sinh, u 2 bên thận, nằm viện từ 7 tháng tuổi.

Bố mẹ em bé cho biết bác sĩ nhiều lần nói bệnh viện hết phác đồ điều trị, khuyên gia đình để cháu ở nhà đỡ tốn kém chi phí. Tuy nhiên, vì không đành lòng, cặp vợ chồng trẻ cố gắng đưa con ngược xuôi đi chữa bệnh.

Nghe xong câu chuyện, vợ chồng anh Khoa xúc động, cố gắng giúp đỡ họ trong những lần tiếp theo. Đó cũng là điều các tài xế “Những chuyến xe yêu thương” thường làm: dành thời gian trò chuyện, tâm sự với bệnh nhân và người nhà của họ để đồng cảm hơn.

Với những trường hợp đặc biệt khó khăn, sau khi xác nhận, thành viên sẽ đưa lên nhóm để anh em mỗi người đóng góp một chút.

                                   Các thành viên hỗ trợ nhau để đưa bệnh nhân về tận nhà dù đường sá có xa xôi.


“Khi đã xác định chạy những chuyến xe yêu thương, chúng tôi đều xác định bỏ thời gian, tự lo kinh tế. Đến bữa, anh em cũng sẵn lòng mời bệnh nhân về ăn uống, rồi đưa họ về nhà, mua quà cáp cho các cháu bé. Nhóm đi sâu sát vào từng trường hợp để đồng tiền, công sức bỏ ra đúng nơi, đúng chỗ”, anh Khoa nói.

Người đàn ông 33 tuổi chia sẻ thêm: “Thật lòng, tôi mong công việc thiện nguyện này chấm dứt vì không ai đành lòng chở các bệnh nhân nặng, hoàn cảnh khó khăn. Thực tế, hoàn cảnh khó khăn còn rất nhiều, anh em trong nhóm đều xác định khi nào còn sức khỏe, điều kiện kinh tế sẽ giúp mọi người. Tôi cũng mong nhiều người tham gia, thành lập nhóm tương tự hoặc phát triển thành cộng đồng để hỗ trợ được nhiều bệnh nhân hơn”.

Trong số thành viên của nhóm, anh Khoa trân quý và ngưỡng mộ tất cả, đặc biệt là chị Lê Thị Nhung (sinh năm 1992, quê Thái Bình).

Theo lời anh Khoa, chị Nhung nằm trong số ít tài xế nữ trong nhóm, nhưng có số lượng nhận xe đứng top đầu.

“Nhung làm được những điều mà anh em có thể trong suy nghĩ còn chưa lường tới. Bạn ấy không ngại cầm lái đường xa, lên vùng núi để giúp bệnh nhân về nhà an toàn. Gần đây, trong trường hợp nguy cấp, Nhung chạy 1.200 km xuyên đêm, đưa hai mẹ con bệnh nhi về tận vùng xa xôi của tỉnh Lai Châu. Hôm sau, bạn mệt, định tắt máy nghỉ ngơi nhưng thấy có người cần sự giúp đỡ, bạn lại sẵn sàng lên đường. Nhờ các đồng đội như vậy, chúng tôi được truyền cảm hứng, động lực để nối dài những chuyến xe yêu thương”, anh nói.

Các nữ tài xế của nhóm được khen nhiệt tình và lăn xả, không ngại đường xa để hỗ trợ đưa bệnh nhân nghèo về tận nhà.

Theo Zing