Vợ chồng tôi có 2 con. Bé đầu đang học lớp Hai, cu út thì học mẫu giáo. Các con rất hiếu động, luôn muốn tìm tòi, khám phá và đặt câu hỏi về mọi thứ xung quanh…
|
Với tác giả, việc đưa các con đi loanh quanh, thủ thỉ với các con những điều nhỏ bé là cách giúp các con chạm vào cuộc sống |
Trong gia đình, người hay nói về các phương pháp, mẹo dạy con là chồng tôi. Mỗi lần đi nhà sách, anh thường tha về đủ thứ sách, truyện liên quan đến chủ đề giáo dục rồi nghiền ngẫm và rủ tôi cùng đọc.
Tôi thì năm thì mười họa mới đọc xong 1 cuốn. Tôi luôn biện hộ do mình là phụ nữ phải quán xuyến cả núi việc không tên trong gia đình nên không còn đủ nhẫn nại, nhẹ nhàng để đồng hành với các con.
Chồng biết tính tôi ưa ôm đồm, cáng đáng nhưng lại bộp chộp, thiếu kiên nhẫn nên không có ý kiến gì. Anh xem câu “vợ chăm con, chồng dạy con” như mệnh lệnh.
Hằng ngày, tôi đều dành thời gian bên con nhưng mỗi khi có “biến” như 2 chị em cãi nhau, tị nạnh chuyện này chuyện kia, đòi hỏi những điều vô lý, tôi lại gào lên nhờ chồng “cứu”.
Với cách xử lý nhẹ nhàng, nhẫn nại, lúc nào cũng thấu tình đạt lý của cha, 2 con tôi dù quấn mẹ nhưng lại thích chơi với cha nhiều hơn. Nếu những lúc ở cạnh tôi, các con ồn ào, mè nheo, có lúc mất kiểm soát hành động và ngôn ngữ thì ngược lại, khi các con tương tác với cha, tôi cảm nhận được một nguồn năng lượng hài hòa, bình an khó tả giữa 3 người.
Một hôm, chồng tôi bảo: “Các con bây giờ đã lớn, những nhu cầu cá nhân đều có thể tự làm, tự phục vụ nên em hãy rút bỏ bớt những đầu việc chăm con; thay vào đó, em hãy tìm cái gì đó vui vui mà chơi với con”.
Hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, mỗi ngày, sau khi các con đến trường, tôi lập tức ngồi vào bàn, mở máy tính, tìm đọc, tổng hợp và xử lý hàng trăm nguồn thông tin, tài liệu. Đầu tôi luôn quay mòng vì dữ liệu nên việc chạm mắt vào bốn bức tường thường khiến tôi căng thẳng, bực mình. Tôi muốn rời nhà, đi chơi đâu đó cùng các con ở không gian bên ngoài.
Nghĩ là làm, chiều chiều, giao lại việc cơm nước cho chồng, tôi nhận phần đón con. Chỗ học của các con cùng nằm trên một trục đường nên khá tiện lợi. 4 giờ chiều, đón cu út xong, tôi chạy thẳng tới trường cô chị. Sau khi chở các con về nhà để con trút bỏ bộ đồng phục cho thoải mái, 3 mẹ con lại tót lên xe, vi vu.
Các con tôi rất thích thú với kế hoạch mới này của mẹ. 2 đứa thường đòi đến công viên để có chỗ chạy nhảy; khi khác lại muốn đến bờ sông, tuyến phố đi bộ. Nơi xa nhất chúng tôi từng đến là cánh đồng ngoại ô giáp bên rìa thành phố.
Sau một ngày làm việc bù đầu, tôi được ra ngoài hít thở không khí, các con từ trường về cũng được hòa mình vào cây cỏ, thiên nhiên. 3 mẹ con vừa tung tăng chân sáo vừa vui vẻ chuyện trò.
Cuối ngày cũng là thời điểm dễ dàng bắt gặp những tình huống dấy lên những bài học, ấn tượng trong lòng các con. Khi thì một ông cụ bước đi thất thểu, gương mặt u buồn, trên tay cầm rất nhiều tờ vé số chưa bán hết. Khi thì nơi chân cầu, chúng tôi gặp một bà cụ tóc bạc phơ, miệng cười móm mém, ngồi bán mớ rau nhà trồng được để có thêm tiền ăn trầu. Khi thì trong tiệm bơm xe, tôi chỉ cho các con về đôi dép sứt quai được chủ tiệm tận dụng bằng cách dùng dây cước cột lại…
Sau những cuộc picnic chớp nhoáng gần nhà, tôi nhận ra việc đưa các con đi loanh quanh, thủ thỉ với các con những điều nhỏ bé là cách giúp các con chạm vào cuộc sống. Điều đó mang lại những cảm xúc, trải nghiệm vô cùng đáng nhớ và thiết thực.
Và rồi chính tôi cũng thay đổi. Bây giờ, tôi có thể rành mạch, nhẫn nại trả lời từng câu hỏi, xử lý những mâu thuẫn, bất hòa giữa các con khéo léo hệt như chồng tôi. Tôi vẫn nhớ lời anh dặn: “Nếu thực sự yêu trẻ, mỗi người cha, người mẹ sẽ biết cách gác lại những cáu kỉnh, quát tháo khi bên cạnh con mình”.
Không nơi này thì nơi khác, không lúc này thì lúc khác, mỗi ngày hãy dành ít nhất 30 phút để được chơi cùng con thật vui.
Theo phụ nữ TPHCM