Tôi đến nhà chị bạn để phụ chị trang hoàng nhà cửa, vì chị sắp gả con gái. Nói “phụ” cho oai vậy thôi, thật ra chị đã thuê dịch vụ cưới lo từ A tới Z. Tôi tới chỉ để góp phần chộn rộn, cho… ra vẻ nhà đang có chuyện vui. 

leftcenterrightdel
 Con gái chị thèm một chiếc cổng cưới kết bằng lá dừa đúng truyền thống (Ảnh minh họa)
Tôi ngạc nhiên khi thấy sân nhà chị chất một đống lá dừa, bông cau, đủng đỉnh… Đây là mấy thứ ở quê hay dùng làm cổng cưới. Cái cổng cưới lá dừa ngày xưa thấy quê mùa, giờ đã trở thành độc lạ, giới trẻ rất muốn có trong ngày vui trọng đại.

Một người đàn ông gầy gò, khắc khổ đang vụng về đan lá dừa. Chị nói nhỏ với tôi: “Ba của bé Quyên mới về phụ chị lo đám cưới. Con nhỏ mong ước trong ngày cưới của nó cổng hoa phải được trang trí bằng lá dừa, chụp hình cho độc lạ. Ổng lặn lội về quê tìm mua lá dừa, bông cau… lọ mọ làm cho vừa lòng con nhỏ”. Bất giác, tôi ngoái nhìn chồng cũ của chị. Tóc anh bạc nhiều, vẻ phong trần hằn lên khuôn mặt chằng chịt vết chân chim. Ngón tay trỏ của anh băng lại bằng băng cá nhân, chắc anh mới cắt vào tay do vội vàng với công việc…

Nhìn anh, chỉ thấy hình ảnh người cha tận tụy vì con gái, không như những gì chị kể với tôi vào mấy năm trước: anh trăng hoa, chạy theo tình mới bỏ rơi mẹ con chị.

Suốt mấy năm đầu anh đi không một lần về thăm con, cũng không chu cấp. Chiều chiều bé Quyên hay đứng ở cổng ngóng ra đường chờ cha. Sau nhiều tháng ngày mỏi mòn, con bé mới thôi trông ngóng. Nhìn con, chị thương bao nhiêu lại hận chồng cũ bấy nhiêu. May là anh Dũng - chồng mới của chị yêu thương Quyên, cho con sự ấm áp của tình cha không trọn vẹn.

Năm Quyên 12 tuổi, chợt chồng cũ gọi điện cho chị, rồi gửi tiền về. Có lẽ khi đã nếm đủ chông chênh đường đời, lương tâm người làm cha trong anh đã được đánh thức. Chị mua đồ dùng học tập, quần áo mới cho con, đợi con bé xài vài lần chị mới nói tiền đó do ba con gửi. Quyên phụng phịu: “Con có ba Dũng thôi, không có ba nào khác!”.

Câu nói đó, Quyên cũng đã hét vào mặt anh khi về thăm con. Nhìn chồng cũ lủi thủi ra cửa, vai rũ xuống, chị chợt mủi lòng. Anh kiên nhẫn gửi tiền, quà. Chị kiên nhẫn nhắc con hồi nhỏ “ba thương con lắm”, “ai mà không có lỗi lầm”…

leftcenterrightdel
 Lương tâm làm cha trong anh đã được đánh thức khi còn kịp (Ảnh minh họa)

Con bé xiêu lòng, đúng hơn là tình cha con trong lòng Quyên đã được đánh thức bởi sự chân thành. Quyên đã có thể gọi anh một tiếng “ba” không còn miễn cưỡng. Anh vui vì biết đã được con tha thứ. Vậy nên khi nghe con gái ao ước  trong ngày cưới được chụp hình với cổng hoa lá, bông trái quê nhà, anh cặm cụi làm bằng được cho con. Ba Dũng của Quyên cũng phụ một tay, người chẻ tre, người đan lá… 

Lúc tôi ra sân chào, anh khoe: “Tôi làm coi cũng được hả cô? Hồi đó ở quê có thấy người ta làm rồi nên giờ bắt chước. Chắc con nhỏ không đến nỗi thất vọng”. Chợt anh nhỏ giọng: “Đời tôi chưa làm được chuyện gì đàng hoàng cho con cô à. Giờ làm được gì thì làm thôi”…

Trong sân chiều nhạt nắng, Quyên và mẹ ngồi bên thềm, mỉm cười nhìn hai người đàn ông của họ chộn rộn kết những niềm vui. Khung cảnh thật bình yên và viên mãn.

Tôi hình dung trong ngày cưới, Quyên sẽ khoác tay chồng đứng cạnh chiếc cổng hoa, rạng rỡ hạnh phúc bên mẹ và hai người cha đã hết mực yêu thương cô. Những buồn đau, mất mát đã thực sự lùi xa. 

Theo phụ nữ TPHCM