Sáng 5/11 như thường nhật, bà Thuận lại đến Bệnh viện K tập vật lý trị liệu điều trị tình trạng phù tay. Bốn năm chống chọi ba căn bệnh ung thư, truyền nhiều thuốc, toàn bộ ven tay bà đã hỏng hết từ lâu, chân tay tê bì, mất cảm giác, đi đứng loạng choạng.

"Hơn 4 năm qua, tôi chưa được ra viện", bà cho biết. Bà giơ hai cánh tay, một tay to, một tay bé: "Tay bị phù bác sĩ bảo do biến chứng khi điều trị ung thư vú. Còn những cơn ho, khó thở, nhất là khi thời tiết trở lạnh như mấy ngày nay, là ảnh hưởng bởi ung thư phổi".

Đợt hóa trị gần nhất của bà vào cuối tháng 7. Bác sĩ nói kết quả điều trị cả ba bệnh ung thư đến nay vẫn chưa thể nói trước. Giữa tháng 11, bà sẽ tái khám định kỳ để bác sĩ chỉ định hướng điều trị tiếp theo.

Mỗi sáng, bà Thuận dậy sớm, 8h đến bệnh viện tập vật lý trị liệu, ra về khoảng 10h. "Giờ chỉ mong muốn sức khỏe được cải thiện chừng nào hay chừng đó", bà nói.

                                                                                          Bà Phan Thị Thanh Thuận. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Thuận phát hiện ung thư rất tình cờ. Đầu năm 2016, bà đưa bạn đi khám bệnh và tranh thủ nhờ bác sĩ khám cho mình luôn vì thấy một số biểu hiện bất thường ở hệ tiêu hóa. Bác sĩ nội soi phát hiện bà có khối u lớn sần sùi như da cóc, sắp vỡ trong đại tràng, 90% là ác tính. Bà phẫu thuật ngay, kết quả sinh thiết khẳng định ung thư đại tràng giai đoạn 3.

"Khi ấy, mọi thứ quá bất ngờ khiến tôi vô cùng hoảng loạn", bà kể lại.

Cơ thể sau khi phẫu thuật đã yếu, cộng thêm nỗi lo sợ ung thư, nhiều đêm mất ăn mất ngủ, thể trạng bà càng yếu hơn. Về sau được người thân động viên, bà bình tĩnh hơn, lấy lại tinh thần và tập trung chữa trị.

Bà Thuận truyền hóa chất hai tuần một lần. Lần đầu hóa chất vào cơ thể, toàn thân rệu rã, bà không thể bước đi, chồng con dìu hai bên hoặc đẩy bằng xe lăn khi di chuyển. Sau 11 lần truyền hóa chất cơ thể không đáp ứng, bà phải dừng thuốc, đổi phác đồ điều trị.

Giữa năm 2018, tin dữ lần nữa ập đến, bà phát hiện ung thư vú giai đoạn 3, phẫu thuật cắt u kết hợp truyền thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Phác đồ thuốc đích gồm 18 lần truyền, ba tuần một lần. Sau đại phẫu, dịch ở ngực ứ đọng nhiều, bà trải qua hai ca tiểu phẫu để giải quyết vấn đề ứ dịch. Cứ truyền xong một liều hóa chất, bà mất khoảng một tuần nôn ói, suy sụp, phải cố hết sức ăn trở lại để có sức khỏe cho lần truyền tiếp theo.

Chưa hết phác đồ điều trị ung thư vú, cuối năm 2019, bác sĩ bất ngờ phát hiện trên phim chụp phổi của bà có vết mờ. Các xét nghiệm sau đó cho thấy bà Thuận mắc thêm ung thư phổi do di căn từ đại tràng. Khối u kích thước khoảng 1,8 cm.

"Lần thứ ba nghe tin ung thư này, như sét đánh ngang tai, tôi muốn bỏ cuộc", bà chia sẻ. "Sức khỏe kiệt quệ cộng thêm áp lực kinh tế, tôi nghĩ mình không thể trụ nổi".

Người thân là động lực duy nhất để bà tiếp tục cố gắng điều trị. Tổng cộng suốt 4 năm từ phát hiện bệnh ung thư đầu tiên tới khi điều trị ung thư phổi, bà Thuận trải qua 47 lần truyền hóa chất, 25 lần xạ trị.


                                                                                Bà Thuận và con cháu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiện tại, sức khỏe của bà Thuận ổn hơn, nhưng mọi sinh hoạt cá nhân vẫn cần người giúp đỡ do tay chân, các giác quan đều rất yếu. Ngoài những ngày đến bệnh viện, bà tập hát, đi du lịch cùng gia đình và tham gia câu lạc bộ dành cho bệnh nhân ung thư.

Bà chia sẻ: "Những lần tỉnh giấc sau phẫu thuật, tôi lại thấy hình ảnh rất đông người thân, bạn bè đứng chờ tin. Đó là lý do tôi không cho phép mình gục ngã".

Theo vnexpress