Tôi cứ mãi nhớ vòng quay đều của chiếc cối đá xay bột nằm tư lự dưới gốc mít sau vườn. Chiếc cối ấy không biết có từ bao giờ, còn tôi thì biết nó từ khi tôi bắt đầu biết mình. Mỗi dịp tết đến hay cúng giỗ, hàng xóm đến nhờ bà chiếc cối đá rồi ôm thúng gạo nếp ra đó vừa xay, vừa rôm rả nói cười. Gió trời lồng lộng, không gian lặng vắng chỉ có âm thanh lá khô xác xao rơi, tiếng hai mặt cối đá cọ vào nhau lạo xạo làm nhuyễn hết mớ gạo nếp đã ngâm sẵn từ hôm trước để lại những dòng bột mềm mịn, trắng tinh, thoang thoảng hương lúa nếp cuối mùa.

 
Nhớ biết bao những trưa hè lộng gió. Con đường quanh co rợp bóng cây mát rượi tâm hồn. Tôi xách rổ đi hái lá mơ thơm về giã nhuyễn cho bà làm bánh. Thương lắm bà tôi, bờ lưng cong cong, bàn tay gầy gò trổ đầy những nốt đồi mồi run rẩy xay gạo trộn với lá mơ tạo thành một thứ bột đen sì, thơm phức. Bà khéo léo nắn bột thành những phiến dài to bằng bàn tay rồi hấp chúng trong nồi nước sôi reo sùng sục trên bếp. Tôi ngồi chăm chú nhìn bà, chốc chốc lại lấy tay quệt một nhúm bột rồi bôi lên bàn tay của bà để rồi bà lại mắng tôi bằng một câu yêu thương dí dỏm. Đến chừng bánh chín, miếng bánh lá mơ bột nếp trong vắt sực nức mùi gạo thơm lẫn mùi lá mơ dại non mơn mởn, bà khéo léo xếp bánh ra đĩa, chan một lượt nước cốt dừa béo ngậy với đậu phộng rang giòn. Cắn một miếng mà nghe sừn sựt ở đầu lưỡi. Vị thanh của bột, vị béo ngọt của nước cốt dừa khiến lòng tôi xuyến xao khó tả.
 
Bánh quê nhà thì nhiều lắm! Toàn những thứ bánh dân gian được làm từ nguyên liệu dễ tìm, trên đồng hay trong khu vườn nằm nghe mưa nắng. Chỉ mất một buổi là có ngay món bánh thơm nóng hôi hổi ăn vào miệng, vừa ngon vừa bổ, vừa thanh sạch như chính những thức quà quê mỗi dịp gửi về thành phố. Bà tôi thuộc nằm lòng những công thức làm bánh từ đơn giản đến phức tạp. Ngày còn trẻ bà cũng làm bánh rồi gánh đi rong xóm bán buôn, ngoài bãi chợ hay trước cổng trường mỗi lúc học sinh tan học. Tiếng rao ấy đọng mãi vào lòng tôi từ thuở thiếu thời cho đến lúc trưởng thành, cho đến khi tôi rời xa mái nhà tranh yêu thương để về nơi phố thị. Bánh chuối hấp ngọt tận ruột gan, bánh đúc sền sệt thơm mùi lá dứa, bánh ú lá tre nếp dẻo hay bánh tét nhân mỡ thơm lừng mỗi dịp xuân về Tết đến. Bánh của bà làm ngon mà không cần đến bất cứ một chất hóa học nào, bởi thế lũ trẻ con trong xóm rất thích. Khoái chí hơn khi lần nào chúng đến mua bánh cũng được bà tôi… cho thêm. Hàng bánh ấy, bà nuôi tôi trọn những tháng năm đầu đời. Sáng bà gánh hàng đi bán, đêm về tần tảo bên ngọn đèn dầu vừa làm bánh vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích năm nào. 

Cuối thu, tôi trở về quê nội. Con đường quen, xóm làng thân thuộc. Dòng sông xanh uốn lượn muôn đời. Nhà tranh liêu xiêu nép mình dưới hàng dừa thăm thẳm. Bà ra trước nhà, tóc bạc lưng còng ngóng vọng đứa cháu xa về thăm bà sau những tháng ngày lênh đênh đất phố, bận rộn với chuyện công việc, học hành. Bây giờ bà không còn ngồi hàng giờ xay bột, gói bánh được nữa, căn bệnh tim khiến sức khỏe bà tôi ngày một yếu hơn. Cối đá nằm lặng thinh buồn, phủ xanh một màu rêu gió. Nhớ lắm vị bánh ngọt năm nào. Nhớ sao dáng bà nhọc nhằn bên bếp lửa khói bay lơ đãng sương chiều. Nhớ quá tuổi thơ ơi, quê nghèo đơn sơ, bình dị mà thanh yên như mây gió.

Tôi nghe có tiếng gọi quê hương sâu thẳm trong lòng…

Theo Người Hà Nội