Minh họa

Vâng, quê tôi nằm trên một dẻo cao của một tỉnh ở tận miền cực Bắc của đất nước, vì thế mà vào mùa đông nhiệt độ thường hạ thấp hơn khá nhiều so với các tỉnh ở miền xuôi. Thậm chí, nhiều khi rét đậm, rét hại khi nhiệt độ xuống tới tận ngưỡng 1-2 độ C, nghĩa là rất lạnh, lạnh tới cắt da thịt, thấu xương... Khi đó, gia cảnh nhà ai cũng nghèo, nên cái quần, tấm áo cũng mỏng manh, chứ không được đủ đầy dày dặn ấm cúng như thời nay. Ðể chống chọi với thời tiết đầy khắc nghiệt của mùa đông lạnh giá, gia đình tôi cũng như các gia đình trong bản, khắp vùng, nhà nào cũng luôn nhen căn bếp cho lửa cháy rực hồng suốt ngày đêm.

Tôi còn nhớ, mọi người trong gia đình tôi, hễ cứ đi khỏi nhà thì thôi, chứ khi trở về là ai cũng nhanh chóng quần tụ vào căn bếp để hơ bàn tay lạnh cóng trên lửa sưởi ấm. Những lúc căn bếp không có ai ở nhà thì mẹ tôi thường giảm không cho lửa cháy to, mà chỉ để than hồng cháy âm ỉ. Khi mọi người có đủ đầy ở nhà, lửa được thổi bùng lên, củi được chất thêm vào để làm sao đó lửa càng cháy to, hơi nóng càng lan tỏa xa càng tốt.

Nhà tôi khi xưa nghèo, vậy nhưng cha tôi thiết kế căn bếp cũng đủ rộng rãi để mọi thành viên trong gia đình có thể vừa ngồi sưởi ấm, vừa ăn cơm ở đó. Suốt 3 tháng mùa đông, ngày 3 bữa thì cả gia đình tôi đều ăn cơm tại gian bếp nơi có ánh lửa hồng. Nói chung là khoảng thời gian mà mọi thành viên trong gia đình ở dưới bếp nhiều hơn trên căn nhà chính, bởi chẳng ai muốn dời xa bếp lửa ấm, chỉ trừ ban đêm đi ngủ thì ai mới về giường của mình mà thôi.

Thậm chí, giai đoạn tôi bắt đầu vào học cấp 2, bữa đó lạnh quá, nhiệt độ hạ xuống nền âm, nghĩa là âm 1 độ C, rồi kéo dài cả mấy hôm liền, chăn nệm không đủ ấm khiến cho giấc ngủ của ai cũng bị trằn trọc vì lạnh giá. Và thế là mẹ đã bàn với cha tôi mang bếp lửa lên căn nhà chính cho ấm. Hôm sau, cha lót một tấm tôn mỏng lên trên ván gỗ của nhà sàn, mang đất sét đắp một ụ bếp đủ dày lên trên tấm tôn để ngăn lửa nóng làm cháy ván sàn gỗ.

Và thế là củi được chất vào, lửa nhen lên, hơi ấm bắt đầu lan tỏa cả căn phòng rộng rãi. Khi cha đã mang bếp lửa lên nhà như vậy, cả gia đình tôi sống, sinh hoạt đều quần tụ quanh bếp lửa giữa nhà. Không chỉ quây quần ăn uống, vui chơi, mà ban đêm đi ngủ, mọi người cũng trải chiếu, nệm quanh bếp lửa để ngủ cho đỡ lạnh giá.

Suốt bao nhiêu năm gắn bó thân thiết với bếp lửa hồng ấm áp như vậy, chính vì vậy mà khi rời quê xuống thành phố học tập, mỗi khi mùa đông với gió lạnh tràn về nỗi nhớ quê, hoài nhớ những kỷ niệm của thời ấu thơ bên bếp lửa nồng ấm là điều dễ hiểu. Mùa đông đã về, và có một điều tôi chắc chắn rằng, cha mẹ tôi, người dân quê tôi, ngoài nhịp sống bên nương rẫy nơi non cao núi thẳm ra thì nhịp sống bên bếp lửa hồng vẫn luôn hiện hữu từ bao đời nay như nét sinh hoạt bình dị đời thường, dẫu bây giờ đã có đủ đầy quần áo, chăn ấm đệm êm...


Nguyễn Thị Hải
 (baodienbienphu)/ Quehuononline.vn