Trên tất cả, bố trong trái tim tôi vẫn là người thầy đầu tiên – người thầy vĩ đại truyền cảm hứng mà không một ai có thể thay thế được.

“Con đã được sinh ra

Từ tình yêu của mẹ

Từ tình thương của cha

Ở dưới một mái nhà

Đầy tiếng cười hạnh phúc”…

Đoạn mở đầu bài thơ “Như chú chim non” của tác giả Hoàng Thị Minh Khanh dường như đã miêu tả câu chuyện về gia đình tôi thời thơ bé: có cha chăm sóc, có mẹ vỗ về, vô tư và đầy ắp tiếng cười. Đó cũng là những vần thơ đầu tiên tôi được học về tình yêu cuộc sống. Như một điều hiển nhiên, trí óc non nớt của một đứa bé con ba tuổi sẽ luôn lưu nhớ ấn tượng đầu tiên trong phần ký ức sâu đậm nhất. Và, người dạy cho tôi những lời hay ý đẹp ấy không ai khác chính là bố tôi.

bo la nguoi thay dau tien 2

Bức ảnh chụp chung hiếm hoi của tác giả cùng bố thời thơ bé

Bố tôi có khiếm khuyết về hình thể. Cơ chân ông bị teo bẩm sinh nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Thế mà, vượt qua mọi rào cản, bố vẫn học hành chăm chỉ, lái được xe đạp, trở thành kế toán giỏi của một đơn vị sản xuất có tiếng thời bấy giờ. Khâm phục bố tài hoa, viết đẹp, vẽ đẹp, tốt tính, được mọi người yêu quý nên mẹ tôi đã đem lòng cảm mến. Dì tôi kể, ông bà ngoại xót mẹ tôi nên ban đầu không “ưng” bố. Thế nhưng, bằng sự chu đáo, chân thành, bố đã xây dựng cho mẹ một tổ ấm vẹn tròn và giành trọn cảm tình của mọi thành viên bên nhà ngoại.

Những ngày tháng bố đi lại được rất ít. Ký ức mơ hồ còn sót lại của tôi vẫn lưu giữ hình ảnh hai cha con cùng nắm tay nhau đi bộ về nhà sau đám giỗ buổi tối ở nhà ông nội khi tôi gần ba tuổi. Ánh đèn vàng hiu hắt chiếu xuống mặt đường bê tông bóng hình tôi nhỏ bé được bố chầm chậm dắt tay trên con ngõ vắng dẫn vào sân tập thể. Trên tay tôi lúc ấy còn cầm một mô hình “lâu đài” ba tầng bằng bìa giấy được bố tỉ mẩn làm từ vỏ hộp bánh với đầy đủ cửa sổ mái vòm, khung kính, cầu thang, lối ra vào… vì thời đấy đồ chơi đắt đỏ vô cùng.

Đó là lần hiếm hoi trong trí nhớ tôi được cùng bố bước đi trên đường. Một chứng nhiễm trùng hiếm gặp khiến bốn năm cuối cuộc đời, ông gần như chỉ có thể nằm rồi ngồi tại chỗ và di chuyển rất hạn chế trong phạm vi căn hộ tập thể chưa tới ba chục mét vuông của gia đình tôi.

Anh trai đi học, mẹ đi làm còn tôi ở trường mẫu giáo. Mỗi khi nhớ về những tháng ngày ấy, tôi đều lặng lẽ rơi nước mắt. Không biết bố đã phải loay hoay như thế nào khi không có người ở bên? Sâu thẳm trong tim mình, tôi luôn giữ một niềm tiếc nuối vô hạn vì nhiều lúc mải chơi với đám trẻ cùng khu mà đã không dành nhiều thời gian hơn để ở nhà cùng bố.

bo la nguoi thay dau tien 3
 

Bố khi còn trẻ

Bố không di chuyển được, tôi bé mới ba, bốn tuổi tất nhiên trở thành người bầu bạn thường xuyên với bố khi mọi người đi vắng. Trong nhà, mẹ mua một chiếc bảng trắng viết bút dạ để anh tôi học bài. Những ngày chỉ có hai bố con, chiếc bảng kê trên sàn gạch đỏ ấy đã trở thành bục giảng đầu tiên trong cuộc đời tôi. Bố dạy tôi bài học vỡ lòng về chữ và số, các nét vẽ và hình học. Ông cũng dạy tôi những ca khúc thiếu nhi đơn giản và những bài thơ dễ hiểu. Thời gian quá lâu để trí nhớ của tôi còn ghi lại được chi tiết cụ thể, nhưng trong ký ức, lớp học đặc biệt có hai cha con lúc nào cũng sôi nổi vì bố giảng hay nên tôi ham học lắm.

Thế nhưng, những giờ học cùng bố không kéo dài được lâu. Bệnh bố về sau trở nặng và những ngày tháng thơ ấu êm đềm có đủ cha lẫn mẹ của tôi chỉ kéo dài đến năm bảy tuổi. Sau ngày tôi vào lớp một, mẹ thường xuyên phải đưa bố vào viện, hết Thanh Nhàn lại Đống Đa, vào Xanh Pôn rồi sang Việt Đức. Quãng thời gian cuối đời với chứng thấp khớp hai chân thêm bệnh suy thận làm ông vô cùng đau đớn. Những ngày tháng sức khoẻ suy sụp nhất trước phút lâm chung, một cách khó nhọc qua biết bao ống dẫn và thiết bị quanh mũi, miệng, bố vẫn cố gắng thuyết phục mọi người hãy cho tôi ở lại nằm cạnh giường bệnh với ông “thêm một lúc nữa thôi”.

Bố rời xa ba mẹ con tôi đến giờ đã hơn hai mươi hai năm. Quãng thời gian bên bố chỉ vẻn vẹn vài năm đầu đời, nhưng những ký ức quý báu về ông còn lưu lại được trong trí nhớ của tôi thì vẫn sống mãi đến tận hôm nay, khi tôi đã trở thành một thiếu phụ ngoài ba mươi. Chính những bài học vỡ lòng bố dạy từ khi thơ bé đã mở ra cánh cửa tri thức cho tôi, giúp tôi trở thành một cô bé có tình yêu hết sức tự nhiên với văn học và sự đam mê với câu chữ, ngôn từ. Đó là nền tảng để sau này học cấp hai tôi đã có nhiều bài đăng trên những trang báo lớn, lên trung học phổ thông đủ khả năng đỗ vào lớp chuyên văn ngôi trường Chu Văn An danh tiếng của thủ đô Hà Nội và về sau bước vào cánh cổng Học viện Báo chí và Tuyên truyền – hai ngôi trường là mơ ước và cũng là niềm tự hào đối với tôi.

Trong suốt tuổi thơ ngắn ngủi có bố, tôi chưa một lần nào nghe bố to tiếng chứ đừng nói là đánh mắng các con, vậy mà tôi vẫn ngoan ngoãn nghe lời ông răm rắp. Dường như ở bố luôn tồn tại một quyền năng đặc biệt của sự kiên trì, ân cần và lòng nhân hậu. Không chỉ mang đến cho con kiến thức bằng những phương pháp sáng tạo và minh hoạ sống động, những việc bố làm với gia đình và mọi người xung quanh còn là bài học thực tế nhất anh em tôi được dạy về đối nhân xử thế.

Bố luôn chu đáo, hiếu kính với ông bà nội ngoại, ngày lễ tết đều dẫn anh trai tôi chọn mua những đồ lưu niệm xinh xinh cho mẹ, qua đó dặn dò: “Mẹ vất vả vì cả nhà, các con phải thể hiện sự biết ơn trân trọng những công lao của mẹ”.

Nhìn lại, bản thân bố cũng là minh chứng chân thật nhất cho các con bài học về ý chí vượt lên khó khăn của số phận. Khiếm khuyết bẩm sinh không ngăn cản được bố quyết tâm xây dựng sự nghiệp, kiếm tìm hạnh phúc và chăm lo cho những người thân yêu. Đến khi bệnh tật bủa vây, từng giờ khắc còn lại trên cõi đời, bố vẫn không ngừng cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất cho gia đình. Dù chỉ có thể ngồi một chỗ, bố vẫn giữ nếp sinh hoạt và làm việc điều độ, nấu những bữa ăn ngon chờ ba mẹ con đi học, đi làm về, vẫn nỗ lực dạy con gái bé bỏng những kiến thức giá trị cũng như những bài học nhân văn làm nền tảng cho sự trưởng thành của tôi về sau.

William Arthur Ward – nhà giáo dục người Mỹ từng để lại câu danh ngôn nổi tiếng mà ắt hẳn nhiều người trong chúng ta đều quen thuộc: "Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất sắc biết minh họa. Và người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng". Tôi nhận ra, bố chính là một người thầy vĩ đại và thầm lặng như thế. Nhìn về hình bóng bố để học tập, đó là di sản lớn nhất người để lại cho tôi trên thế gian này.

Theo giadinhonline.vn