“Chán quá! Hôm nay sếp lại quên mất tiền thưởng như đã hứa!”; “Chán quá! Cứ tưởng sếp mới ngon lành, ai ngờ cũng y sếp cũ!”…

Lần nào gặp tôi, chị cũng không ngừng tuôn ra những câu tiêu cực như thế.

"Thay vì mỗi lần gặp mặt là buông câu than vãn, chán nản, sao chị không thử kể em nghe một câu chuyện nào đó vui vẻ hơn, tích cực hơn mà chị đã nghe, đã gặp? Mỗi ngày đều nói “chán quá” mà mãi chị vẫn không thấy... chán à?". Hôm ấy, tôi nhanh chóng “phủ đầu” ngay khi chị vừa chạm mặt và miệng chị sắp thốt ra câu nói lập trình sẵn.

Chị khựng lại trước thái độ dứt khoát của tôi. Trên đà ấy, tôi bồi thêm: “Nếu chị thấy chán quá thì có thể thay đổi công việc khác kia mà, buôn bán chẳng hạn!”.

Chị thở dài, nói rằng chị không đủ vốn liếng để buôn bán. Vả lại, buôn bán cũng cần có duyên, không phải ai cũng có thể bày ra rồi bán đắt hàng được. Tôi nhắc chị nhìn bé sinh viên trọ học gần nhà tôi đi. Chỉ cần một xe đẩy và một chiếc máy xay sinh tố, vài rổ trái cây, một thùng đá, mỗi chiều tối cô bé chịu khó đứng lề đường gần nhà cũng kiếm được trên dưới trăm ngàn để xoay xở tiền trọ, tiền ăn. “Nhưng con bé còn trẻ, có sức khỏe. Chị đứng bán như vậy chịu sao nổi!”.

Chị đã qua tuổi 40, số lần nhảy việc đã quá 10 ngón tay, hầu hết là do chị không hài lòng với sếp, với đồng nghiệp. Trong mắt chị, chưa bao giờ xuất hiện một người sếp hoàn hảo. Tôi từng khuyên chị nên nhìn nhận lại năng lực bản thân. Nếu chị có năng lực thực sự, chị đã được làm sếp người khác, đâu phải kỳ công nhảy hết công ty này đến công ty nọ chỉ để… tìm sếp cho mình.

Công việc hiện tại của chị là một nhân viên chuyên về PR và sự kiện cho tập đoàn bất động sản. Vài năm trở lại đây, bất động sản đóng băng, tài chính công ty lao đao, công ty buộc phải giảm biên chế. Chị được giữ lại nhưng phải kiêm nhiệm luôn cả việc của nhân viên marketing, việc gấp đôi mà lương không tăng.

Thời gian này, dù việc nhiều, thời gian rảnh rỗi ít nhưng mỗi lần gặp người quen, bạn bè, chị chỉ tranh thủ “xả” nỗi bực dọc về công việc ở công ty. Chị ấm ức vì mình bị “vắt chanh bỏ vỏ”, nhưng chị không có đủ bản lĩnh để nhảy việc lần nữa vì tuổi đã lớn, rất khó tìm việc tương tự.

Tôi cũng đã quá chán việc phải gặp chị, để nghe chị trút những thứ năng lượng xấu lên mình, nhiều khi chị như tạt một gáo nước lạnh ngay lúc tôi đang hứng khởi nhất. Lần này, tôi quyết định chấn chỉnh chị, chị có giận tôi cũng mặc kệ.

Tôi hỏi chị tại sao không cười? Rất lâu rồi, tôi chẳng thấy chị cười khi gặp tôi. Khuôn mặt chị lúc nào cũng nhăn nhó, ủ dột, đầu tóc bù rối, một kiểu người luôn bù đầu lên vì công việc, vì stress. Thỉnh thoảng tôi gặp chị mà còn thấy mệt mỏi, thì những người đồng nghiệp, sếp chị… phải dối diện với chị hàng ngày sẽ thấy tệ đến mức nào.

Chị cũng luôn than phiền về những đứa con “bất hiếu”, chẳng biết san sẻ gì với mẹ. Không cần hỏi tôi cũng biết tại sao con chị ngại chia sẻ với mẹ. Lâu rồi, chị rút khỏi những bữa tiệc vì không có hứng thú, ngại phải đi cùng chồng, ngại chi tiền khi trong nhà có quá nhiều thứ phải lo.

Tôi mua tặng chị một cây son, đúng màu son mà chị thích. Chị tròn mắt, nói tôi phí quá, chị có đi đâu mà cần son. Tôi nói, chị tô son đi làm thử xem. Dân văn phòng, lại làm truyền thông mà không chăm chút cho ngoại hình, có ai như chị không?

Rồi tôi mua tặng chị voucher làm tóc, chăm sóc da mặt. Dĩ nhiên, đó là một khoản không nhỏ. Vì tiếc tiền… của tôi, chị miễn cưỡng đi. Sau lần đó, chị vui vẻ khoe mái tóc đã được tư vấn cắt duỗi phù hợp, khuôn mặt chị trẻ hẳn ra, tươi tắn. Da mặt được tẩy tế bào chết, đắp mặt nạ kỹ lưỡng cũng bừng sáng lên.

Tôi nói mình chỉ tặng chị được nhiêu đó, vẻ đẹp này có lâu bền hay không là tùy thuộc vào chị. Một màu son đẹp nhưng tô trên một đôi môi không biết cười thì... uổng phí cả cây son!

Năng lượng tích cực từ tâm hồn mình mà ra (ảnh minh họa)
Năng lượng tích cực từ tâm hồn mình mà ra (ảnh minh họa)

 

Tôi tặng chị thêm một vài quyển sách, đủ thể loại, từ hạt giống tâm hồn đến sách “khí chất phụ nữ”, văn học, du ký… Tôi nói, thay vì gặp tôi và bạn bè chỉ để than vãn, chị hãy dành thời gian đó đọc sách, xem phim, nấu ăn, chơi cùng con… để tâm hồn mình phong phú hơn, tươi đẹp hơn. Chị mở miệng ra là than vãn vì tâm hồn chị quá nghèo nàn và chật hẹp, nó chỉ đầy nỗi lo tiền nong và công việc, không có thêm gì khác.

Thoạt đầu, chị ngẩn ra, có vẻ giận dỗi, nhưng rồi cũng im lặng mang chồng sách về.

Không rõ chị bỏ công “luyện” thế nào, nhưng hôm vừa rồi chị mới gọi điện khoe với tôi về chuyến đi du lịch sắp tới của cả nhà. Tôi thắc mắc mới vài tuần trước chị còn than kẹt tiền cơ mà. Chị cười vang, khoe sếp mới thưởng cho dự án của phòng chị vì năng suất vượt trội.

Chị nói, không hiểu từ đâu mà chị có một nguồn năng lượng tuyệt vời để làm việc hiệu quả như vậy. Dù việc ngập đầu nhưng chị không biết mệt là gì. Và chuyến đi này là chị quyết định sau khi đọc hết quyển sách du ký tôi tặng, viết về một vùng đất bí ẩn trên thế giới.

Tôi mỉm cười, chúc chị có chuyến đi tuyệt vời. Còn năng lượng ở đâu ra ư? Chỉ cần chị "tháo" những câu than vãn khỏi cửa miệng, môi luôn nở nụ cười, lòng luôn tin tưởng vào sức mạnh bản thân, thì năng lượng ở ngay đó chứ đâu xa.

Theo phụ nữ TPHCM