Việc làm xuất phát từ tình thương giữa con người với nhau, san sẻ khó khăn lúc hoạn nạn khi lũ miền Bắc đang đổ về nhiều địa phương.
"Không thể đứng nhìn"
Chiều 10.9, chị Nguyễn Hoài Anh (31 tuổi) cùng nhiều người từ các ngành nghề khác nhau đã tập trung tại số 351 đường Phan Đình Phùng, TP.Thái Nguyên để nấu cơm gửi vùng lũ. Đội cứu hộ và người dân vùng cô lập đã nhận được những bữa ăn ngon giữa mùa ngập lụt. Mọi người đều làm việc khẩn trương, hy vọng mang lại chút ấm áp cho bà con.
|
|
Người dân chung tay nấu cơm gửi bà con vùng lũ |
"Mọi người đến đây rất đông, nấu cơm từ mấy ngày hôm nay. Mỗi bữa chúng tôi sẽ nấu khoảng 1.400 suất cơm để cho lên xe bán tải chở đến những nơi đang bị ngập lụt. Mọi người cùng quyên góp, ủng hộ để đi chợ mua nguyên liệu hoặc ai có gì cứ mang đến nấu cơm trong thời gian này", chị Hoài Anh cho biết.
Tất cả mọi người đều tham gia với tinh thần tự nguyện, hy vọng bà con ngập lụt có đồ ăn, nước uống trong thời gian này. Với những người ở xa bị ngập lụt, không thể mang cơm đến, nhóm cũng chuẩn bị đồ ăn sẵn.
|
|
Ai nấy đều tất bật hy vọng bà con không bị đói |
"Cơm cũng được gửi đến các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão lũ. Mọi người không thể ăn đồ ăn liền trong nhiều ngày nên chúng tôi nấu cơm, đổi thức ăn cho họ.
Nhóm chúng tôi có khoảng 100 người, bận rộn từ suốt mấy ngày nay. Đây là việc nên làm, mọi người đang gồng mình chống mưa lũ, chúng tôi không thể đứng nhìn", chị Hoài Anh nói.
"Hướng về bà con thân yêu!"
Cơm sau khi nấu xong, nhóm sẽ để vào trong hộp dùng túi nilong buộc kín lại để khi đến tay những bà con ở gần cơm vẫn còn ấm nóng. Mọi người làm việc cật lực từ 4 giờ sáng – 21 giờ tối, không nghỉ giây phút nào. Việc này sẽ diễn ra đến khi nước rút xuống, bà con trở về cuộc sống bình thường.
|
|
Thịt được chuẩn bị sẵn trong từng phần ăn |
"Mọi người đồng lòng, đoàn kết hướng về bà con thân thương đang phải chịu cảnh mưa lũ. Những em học sinh, sinh viên bình thường ở với ba mẹ chẳng bao giờ động tay làm việc gì nhưng đến nay chăm chỉ, nhiệt tình nấu cơm cùng mọi người.
Chị Tô Thị Hồng Thu (37 tuổi, ở P.Phan Đình Phùng, TP.Thái Nguyên) cùng nhân viên của một nhà hàng Nhật Bản cũng dành thời gian đi chợ, nấu cơm gửi bà con vùng ngập lụt. Mỗi bữa chị sẽ nấu khoảng 300 suất ăn gửi cho các đội cứu hộ vì thực tế bản thân cũng không thể đến tận những nơi đang bị cô lập.
|
|
Những phần ăn được chuẩn bị kỹ càng |
"Nếu mọi người ăn đồ ăn sẵn, bánh mì, mì tôm nhiều sẽ rất ngán và khó hơn nữa ở những vùng đó còn rất nhiều người già, trẻ em. Trong lúc mưa lũ, đói bụng, cơm vẫn là món được nhiều người yêu thích và lựa chọn. Tôi kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống nên quen với việc nấu nhiều phần ăn, đảm bảo dinh dưỡng", chị Thu chia sẻ.
|
|
Bánh mì cũng được mọi người chuẩn bị thêm cho bà con |
Cũng theo chị Thu việc mua rau củ, thịt cá ở thời điểm hiện tại cũng không phải là điều dễ dàng. Thực phẩm tăng giá, nhiều nơi thiếu nguyên liệu, không phải mua là có như ngày thường.
"Mẹ và dì tôi cũng tham gia với đầu bếp của nhà hàng, chung tay động viên bà con vùng lũ. Bữa ăn hôm nay có cơm, gà rang, thịt rang, trứng rán, bắp cải luộc… Chúng tôi sẽ tiếp tục nấu và mong những suất ăn đến tận tay sớm nhất cho bà con vùng lũ", chị Thu bày tỏ.
|
|
Một đội nhóm còn chuẩn bị thêm áo mưa, áo phao |
Theo Thanh niên