Theo nhà tâm thần học, tiến sĩ Chua Siew Eng (Singapore), những lời nhận xét của các thành viên trong gia đình thường nhắm vào điểm yếu nào đó của bạn. Nó có thể đặc biệt khó chịu nếu vấn đề đó tồn tại từ lâu và khiến bạn cảm thấy đã không cố gắng thay đổi.
Nhà tâm lý học Kevin Beck, Bệnh viện đa khoa Singapore, cho biết các lý do khiến bạn bực mình có thể do những chuẩn mực văn hóa, giới tính, áp đặt. Bạn cũng có thể nổi "cơn tam bành" khi thấy mình bị so sánh. Đôi khi bạn nghĩ tức giận là phản ứng hợp lý khi bị tổn thương. Một lý do khác bạn cho mình mất bình tĩnh là từng nổi giận như vậy trước gia đình.
Đôi khi đánh giá của họ hàng cũng khiến bạn khó chịu. Đặc biệt, bạn càng lo lắng bị một người nào đó đánh giá thì những lời nhận xét, thái độ của họ sẽ càng ảnh hưởng đến bạn. "Điều đó giải thích tại sao nhận xét của người bác bạn yêu quý về mối quan hệ, tài chính, học thức, công việc... khiến bạn tổn thương hơn một người ít thân khác, trong bữa cơm đoàn viên", tiến sĩ, bác sĩ tâm thần Lim Boon Leng, ở Singapore, nói.
Khi bị "soi" vấn đề càng quan trọng và nhạy cảm với bạn thì cảm xúc của bạn càng dữ dội hơn. Mặc dù bạn không kể ngăn được "cái miệng của dì Ba", "lời châm chích của bố"... nhưng hoàn toàn có thể học cách kiểm soát phản ứng của mình.
Để làm được điều đó, các chuyên gia cho biết hãy để ý đến những "dấu hiệu cảnh báo sớm" ở bạn, bao gồm căng thẳng, trống ngực đánh liên hồi, đổ mồ hôi, mặt đỏ bừng, khó chịu và âm lượng tăng lên. "Đây là những dấu hiệu bạn nên dừng lại, không phản ứng nữa và bình tĩnh" tiến sĩ Chua nói.
Dưới đây là một số mẹo của các chuyên gia, để bạn trải qua một cái Tết suôn sẻ, vui vẻ với đại gia đình.
1. Tương tác ngắn gọn
Nếu đó là bữa ăn đông người, hãy tránh ngồi lâu, rượu ra rượu vào. "Có một vài chủ đề trung lập để đánh lạc hướng và giải trí, đồng thời giúp thời gian trôi qua. Bạn nên nói về các chủ đề này", tiến sĩ Chua nói.
2. Diễn tập trước tình huống
Lường trước tình huống khiến bạn tức giận khi đến thăm gia đình, đó gồm các "ngòi nổ" nào. Hãy học cách xác định những lối suy nghĩ tiêu cực khiến bạn tức giận. Liệu việc bạn tức giận có hợp lý không, cái giá phải trả là gì?
"Hãy lường trước và suy nghĩ cách phản ứng sao cho lành mạnh, tốt cho bạn và cho người thân của bạn", tiến sĩ Chua nói.
3. Đừng để giận mất khôn
Hãy lường trước những dấu hiệu tức giận và đừng để bản thân bị kích hoạt bởi chúng, đặc biệt là những hiềm khích hoặc hành hạ trong quá khứ. "Cố gắng hiểu và nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người khác. Nếu không thể, hãy quyết đoán", tiến sĩ Beck nói.
Ví dụ, hãy nói đây không phải là thời điểm hoặc địa điểm thích hợp cho một cuộc thảo luận như vậy và hoãn cuộc thảo luận sang một thời điểm khác. "Quyết đoán ngay lập tức làm giảm tác nhân gây ra cơn giận dữ. Nếu điều đó không hiệu quả, hãy đi chỗ khác để bình tĩnh lại", tiến sĩ Beck khuyên.
4. Chiến thuật trì hoãn để giảm lo lắng
Hãy hít thở sâu một vài lần và cố gắng giảm bớt lo lắng để đầu óc minh mẫn trở lại, theo giáo sư Ilene Cohen. Nếu người cô yêu quý của bạn hỏi "tại sao vẫn độc thân", hãy nói đùa, hoặc trì hoãn "cháu sẽ nói việc đó sau".
Cách này cho bạn thời gian suy nghĩ. Bạn nên đưa ra câu trả lời trung lập và không cung cấp thông tin, chẳng hạn "Tết nhất đang vui, đừng bàn chuyện này nữa", rồi chuyển hướng sang chủ đề gì đó ít nhạy cảm hơn.
5. Không phải lúc nào bạn cũng nên nhún nhường
Chắc chắn bạn luôn muốn êm cửa êm nhà ngày đầu xuân. "Tuy nhiên không có quy tắc nào buộc bạn phải luôn hòa thuận với mọi người trong nhà. Có quan hệ họ hàng, không có nghĩa bạn chung quan điểm hoặc có thể bầu bạn thân tình với họ", giáo sư Cohen nói.
Lời khuyên của cô là hãy tử tế và tôn trọng, nhưng cũng đừng ép bản thân đi ngược quan điểm của mình vì sợ người khác có ý kiến.
Theo vnexpress