Khắp Trung Quốc, cuộc sống vẫn chưa thể trở lại bình thường khi nhiều cửa hàng, doanh nghiệp vẫn đóng cửa nhiều tuần sau kỳ nghỉ Tết, do lệnh phong tỏa nhằm ngăn dịch viêm phổi corona (Covid-19) lây lan. Để đảm bảo an toàn, chính quyền nhiều địa phương yêu cầu người dân không ra ngoài.

Salon của nhà tạo mẫu tóc Du Zeyu ở huyện Diêm Đình, tỉnh Tứ Xuyên thường đông nghịt khách tới làm đẹp trước Tết. Tuy nhiên, năm nay, tất cả salon nơi anh sinh sống đều đã đóng cửa từ ngày 21/1, sau khi ca nhiễm virus corona đầu tiên được ghi nhận tại tỉnh này.

"Chúng tôi đã tính đến chuyện mở cửa salon để quay lại làm việc, nhưng cần đặt sức khỏe và an toàn của khách hàng cũng như bản thân lên trước hết", Du nói.

Trong hoàn cảnh đó, nhà tạo mẫu 43 tuổi quyết định cùng hai đồng nghiệp khác đeo khẩu trang, mang đồ nghề đến trụ sở công an huyện Diêm Đình hôm 11/2 và cắt tóc miễn phí cho 30 cảnh sát.

"Chúng tôi đã cắt tóc cho họ trong phòng họp ở trụ sở công an huyện, vì thế không có gương", Du nói. "Chúng tôi có thể không cắt được đẹp nhất, nhưng họ rất cảm kích và hài lòng với những kiểu đầu mới".

Nhà tạo mẫu tóc Du Zeyu cắt tóc miễn phí cho cảnh sát ở tỉnh tây nam Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Nhà tạo mẫu tóc Du Zeyu cắt tóc miễn phí cho cảnh sát ở tỉnh tây nam Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh:SCMP

Tết thường là khoảng thời gian bận rộn với cảnh sát ở Trung Quốc, kể cả khi không có dịch bệnh, vì hàng triệu người đổ về quê đoàn tụ với gia đình. Du cho hay nhiều cảnh sát đã rất lâu không cắt tóc. Anh cũng lên kế hoạch cắt tóc miễn phí cho những người khác có nhu cầu, miễn là không có ca nhiễm bệnh nào trong khu vực của họ.

Trong khi đó, tại tỉnh Giang Tây, cô giáo dạy môn khoa học Liao Xiaolan, 40 tuổi, bị mắc kẹt ở quê nhà xa xôi. Khi dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, giới chức quê nhà Giang Tây và cả Chiết Giang, nơi Liao sinh sống, yêu cầu mọi người không di chuyển, khiến cô bị kẹt lại ở ngôi làng nhỏ trên núi, nơi cha mẹ cô là những cư dân duy nhất.

Tuy nhiên, ngôi trường cấp hai mà cô dạy ở Hàng Châu đang khuyến khích học sinh trở lại lớp và tuần trước, các giáo viên được hướng dẫn dạy học từ xa qua mạng.

Liao quyết tâm tham gia, dù cô gặp khó khăn về công nghệ. Cô và bố mẹ đã mất nguyên một ngày để tìm địa điểm có tín hiệu điện thoại ổn định nhất trong vùng. Sau đó, Liao và chồng lắp đặt cột thu phát tín hiệu tự chế bằng cột tre và ăng-ten.

Thứ hai hàng tuần, cô ngồi trên ghế tre, sử dụng laptop và bộ thu phát tín hiệu để giảng bài trực tuyến cho học sinh. "Mọi thứ bây giờ đã tốt đẹp như dự kiến", cô nói. "Học sinh có thể quay lại học tập. Tôi rất nhẹ nhõm".

Liao Xiaolan dạy học qua mạng tại một địa điểm gần nhà bố mẹ ở tỉnh Giang Tây. Ảnh: SCMP

Liao Xiaolan dạy học qua mạng tại một địa điểm gần nhà bố mẹ ở tỉnh Giang Tây. Ảnh:SCMP

Những người Trung Quốc khác cũng cố gắng làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ cộng đồng. Shen Weihong, 47 tuổi, người làm việc ở một trại dưỡng lão tại Chiết Giang, cảm thấy cần phải hành động khi cô nhìn thấy một thông báo từ ngân hàng máu kêu gọi mọi người hiến máu.

Lần gần nhất Shen hiến máu là từ 6 tháng trước và hôm 12/2 là ngày đầu tiên cô hiến máu trở lại.

"Tôi không thể lưỡng lự sau khi nhìn thấy thông báo", Shen nói. "Tôi đã không nói cho chồng biết chuyện này, nếu không anh ấy sẽ lo lắng cho tôi. Anh ấy nói rằng tôi không đủ khỏe trong khoảng thời gian đáng sợ này".

Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đến nay đã làm hơn 1.770 người tử vong, hơn 71.000 người lây nhiễm. Hơn 1.100 ca nhiễm đã được ghi nhận tại Chiết Giang và dù số ca nhiễm mới đã giảm vào tuần qua, người dân vẫn ở trong tình trạng cảnh giác cao. Hơn 11.000 người đang được theo dõi trong bệnh viện, nhiều người khác tự cách ly tại nhà.

Shen đã hiến máu 12 lần, kể từ năm 2015. "Tôi nhất định sẽ làm điều đó khi có rất ít người hiến máu", cô nói.

Theo vnexpress