Minh họa
Lúc đó là giữa buổi chiều một ngày cuối năm, trong cái sân nhỏ trồng một luống hoa mạc-gơ-rít đang nở trắng, Nguyên đang đứng ngắm chậu hoa đào. Chỉ còn vài ngày nữa là tới tết, thời gian dường như trôi nhanh hơn bỏ lại sau lưng nó đống tro tàn được gọi là dĩ vãng hay quá khứ. Lòng bỗng thấy trống không, Nguyên chợt nhận ra mình tự nhiên lại lẩm cẩm triết lý như một cụ già. Thật ra đó là mấy ý nghĩ vụn trong đầu khi chợt nhìn một cô gái đẹp bước vội trên đường. Cô gái có nước da trắng, đôi chân thon thả trong cái quần thun bó đen, đôi gò ngực phập phồng trong cái áo kiểu trễ vai. Trời hơi lạnh, điều đó không làm nản lòng con gái. Vẻ đẹp cần được phô phang là bản năng không cần nhận thức của họ. Đẹp, vâng nàng đẹp lắm, đẹp khiến lòng Nguyên chợt nẩy lên một cảm giác bất an mà anh không hiểu tại sao. Cái đẹp thường mong manh, dễ vỡ?
Cây đào đã bung hoa, lác đác vài nụ hoa hé nở hứa hẹn kịp đến ngày xuân. Tết đến nơi rồi, sáng nay gió dường như cũng dịu đi và nắng cũng hồng hơn mà anh lại quên mang chậu hoa ra phơi nắng. Nguyên đẩy chậu đào ra chỗ vệt nắng chiều mong rằng chút nắng hồng muộn sẽ kích thích hoa mau nở đón tết.
- Chào anh Nguyên, anh đang làm gì mà thẫn thờ vậy ạ?
Nguyên quay mặt về phía cổng, khuôn mặt Lan đỏ hồng lấp ló dưới lá hoàng anh, mấy đóa hoàng anh vàng tươi như nở trên đầu Lan khiến Nguyên ngây ngất. Anh cười:
- Lan mới tới, mời em vào nhà chơi?
Lan từ chối:
- Em đang vội hẹn dịp khác. Bố em mời anh chiều nay qua nhà dự tất niên cùng gia đình!
Lan về đã lâu mà Nguyên còn nhìn qua cánh cổng, ngoài kia xe cộ vẫn ồn ào vội vã với nhịp điệu hối hả cuối năm. Nghĩ đến đó Nguyên vội vào nhà, anh phải chạy ra phố mua chai rượu biếu bác Mười.
Ông Văn đón Nguyên với nụ cười vui, ông cầm chai rượu Nguyên biếu càm ràm:
- Cháu đến dự bữa cơm tất niên với nhà bác là được rồi, bày đặt quà cáp làm gì không biết!
Trong bữa cơm Lan ít khi nhìn qua Nguyên. Anh kín đáo dò xét gương mặt thân quen của Lan nhưng không nhận ra một chút biểu hiện gì khác lạ ngoài vẻ dửng dưng gần như cố ý. Còn Nhật chồng Lan thì vẫn ra vẻ bỗ bã và mãn nguyện lộ rõ trên khuôn mặt. Hắn luôn miệng mời rượu Nguyên, anh chỉ nhấp môi và đặt ly rượu xuống khiến Nhật không hài lòng. Cuối cùng Nhật cũng tìm được người uống rượu cùng nên tha cho Nguyên không bắt bẻ nữa. Ông Văn kéo Nguyên ra phòng khách uống trà, dường như ông nhận ra vẻ gượng ép của Nguyên trong bữa cơm tất niên.
- Cháu à, bác muốn nói với cháu vài câu chuyện cuối năm…
Ông Văn mở đầu khi hai bác cháu vừa cạn ly trà thứ nhất. Nguyên đoán bác Mười sẽ nhắc chuyện vợ con như mọi năm nhưng anh bất ngờ khi nghe ông hỏi chuyện chậu đào ông biếu anh năm ngoái. Nguyên trả lời bác Mười, lòng anh gợn lên một cảm giác khó tả. Quả nhiên khi uống xong ly trà thứ hai, ông Văn nói tiếp:
- Nguyên à, chậu đào nhà cháu là cây con của một cây đào già ở Đất Mới, cây đào này liên quan đến cha cháu đó!
Nguyên ngạc nhiên, anh ngồi thẳng người lên nghe ông Văn kể chuyện: “Cha cháu hồi trước làm công tác an ninh, chú Sáu thường cải trang thành nhiều loại người khác nhau đến gốc đào nhận tài liệu của cơ sở gửi trong một cái tút đạn đại bác Mỹ mà hồi đó người ta kêu là hộp thơ. Một lần chú ấy bị lộ, bị bắt rồi bị tù ở Phú Quốc. Năm 73 chú Sáu được trao trả tù binh ra Bắc gặp bác mới kết làm anh em như cháu đã biết. Ở ngoài Bắc mỗi lần tết đến xuân về nhà nào dù khó khăn đến mấy cũng cố mua bằng được một cành đào chơi tết. Mỗi lần đến nhà bác chơi chú ấy đều trầm ngâm và kể chuyện gốc đào già hộp thơ cho bác nghe, nhưng bác biết tại nơi ấy không chỉ là kỷ niệm của cha cháu”.
Nguyên thầm nghĩ trong đầu, chuyện của cha anh không biết một chút nào, vả chăng thời gian gần bên cha của anh rất ít, tổng cộng lại số tháng cha mẹ và anh bên nhau có lẽ chỉ trên đầu hai bàn tay. Cái nhói lòng trong anh chính là mẹ, người đàn bà lầm lũi lăn xả vào đời làm lụng nuôi anh. Cha xuất hiện khi anh đã biết chút ít về cuộc đời và ông cũng không gây chút ấn tượng nào ngoài việc đám bạn trẻ thơ của anh hết còn chọc anh là đứa “không cha”. Bây giờ nghe chuyện của cha, Nguyên có chút ân hận vì lâu nay mình không quan tâm đến đấng sinh thành!
“Trước khi bị bắt chừng ba tháng, cha mẹ cháu hẹn nhau dưới gốc đào đó. Và cháu ra đời trong một đêm trăng như thế! Khi ở trong nhà lao chừng một năm, trước khi bị đưa ra Phú Quốc, cha cháu mới được biết mẹ cháu sinh ra cháu qua một nhân mối… Cháu ạ, cái chính là chú ấy bị dằn vặt vì để mẹ cháu một mình vò võ nuôi con. Rồi hòa bình lập lại, phải năm năm sau chú ấy mới được phép về thăm nhà trong khi chờ tổ chức xác minh vì chú hoạt động đơn tuyến. Mà thôi, chúng ta không thể xét chuyện quá khứ được, cái gì qua thì cũng qua rồi”.
Nguyên im lặng nghe ông Văn kể chuyện mà trong lòng như có bão. Giá như Nguyên giống mọi người có cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ từ ngày ấu thơ thì có lẽ mẹ Nguyên không chết sớm vì chứng lao lực quá độ và anh không phải bỏ học nửa chừng…
“Khi cha cháu nhận công tác ở tổng cục, bác với cha cháu làm cùng cơ quan nhưng khác nhiệm vụ. Hồi ấy ở K tình hình rất phức tạp, bác và cha cháu được điều qua bên đó cùng một đợt. Công tác gian khổ và nguy hiểm nhưng bác và cha cháu có điều kiện ở bên nhau nên dễ bề tâm sự. Nguyên à, trong thời gian này bác mới hiểu hết con người của cha cháu, cháu có một người cha xứng đáng!”.
Nguyên vẫn im lặng lắng nghe, chuyện của cha anh mơ hồ nhưng chuyện của mẹ con anh đến bây giờ vẫn còn ám ảnh. Lúc ấy “tập đoàn nông nghiệp” tan rã, đất được giao lại cho nông dân nhưng mẹ con Nguyên làm gì có đất mà được “giao lại”? Mẹ phải đi nhổ cỏ thuê và làm bất cứ việc gì miễn có tiền nuôi Nguyên. Nguyên vẫn nhớ như in cái quần ga-bạc-đin màu xanh bị rách khi Nguyên đùa giỡn với chúng bạn. Buổi tối hôm đó dưới ánh đèn dầu hỏa tù mù, mẹ cặm cụi sang sợi. Khi hoàn thành nhìn cái quần nguyên vẹn, Nguyên vừa vui vừa thương mẹ đến độ muốn ứa nước mắt…
“Cha cháu lọt vào ổ phục kích của bọn Pôn Pốt, khi đưa về Quân y viện 75 chú Sáu sống thêm được năm ngày. Trước hôm cha cháu chết, hôm ấy bác vào thăm, chú Sáu rất tỉnh táo và dặn bác rằng khi về Đà Lạt cố tìm đến gốc đào ấy xin vài hạt ươm thành cây con để mà gây giống. Bác hứa với chú ấy nhưng lại quên bẵng đi cháu ạ, bác ân hận lắm. Hình như tuổi già làm người ta nhớ lại chuyện ngày xưa, khi nghỉ hưu bác mới nhớ lại chuyện cây đào và lời hứa với cha cháu. May mắn cho bác cây đào ngày ấy vẫn còn khi bác tìm về Đất Mới. Bác xin được mấy quả đào và về ươm lên được hai cây. Bác trồng ra đất, khi cây đủ lớn năm ngoái bác mới cho cháu một cây đã vào chậu”.
Bây giờ Nguyên mới rõ nguồn gốc cây đào, dè đâu cây đào cũng tiềm ẩn một câu chuyện gắn với một đời người!
“Thôi thì dù sao bác cũng mãn nguyện với mình và người quá cố. Hôm nay bác mời cháu qua nhà lại là điều khác…”. Nguyên ngạc nhiên nhìn bác Mười, ông Văn lấy cái điện thoại iphone 6 ra, ông cười:
“Bác thì dùng điện thoại nào chả được nhưng cái Lan lại không chịu, nó mua cho bác đó”.
Cô ấy vẫn như xưa, vẫn nghĩ đến bố mẹ dù đã có một gia đình riêng, Nguyên nghĩ. Ông Văn lọ mọ tìm nút thư viện, mải một hồi mới tìm ra bức ảnh ông cần. Ông đưa điện thoại cho Nguyên:
“Cháu xem con bé Đào này có được không, để bác giới thiệu cho hai đứa với nhau nhé?”.
Nguyên giật nẩy mình, cô gái trong điện thoại chính là cô gái chiều nay đi ngang nhà anh, sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế? Trong lòng Nguyên bất chợt nhớ đến lời của thầy Minh An: mọi chuyện đều do duyên khởi…
“Cháu ạ, thôi thì cháu với cái Lan nhà bác không có duyên với nhau, cháu cũng đừng để trong lòng lâu như vậy, nó phá hỏng đời cháu mất. Cháu phải nhìn về phía trước, xây dựng cho mình một gia đình để thỏa lòng cha mẹ cháu…”.
Nguyên mím môi, từng lời của ông Văn như xát muối vào vết thương ngày cũ. Giá như ngày ấy…
“Cái gì đã xảy ra rồi ta không nên nói giá như cháu ạ. Bác bây giờ cũng có tuổi bác mong cháu lập gia đình để khi về bên kia gặp chú Sáu bác không phải ân hận điều gì…”.
Nguyên chỉ cười khổ không biết trả lời bác Mười thế nào cho phải. Ngôi nhà của anh hàng năm đóng cửa, Nguyên không bán vì nơi ấy gắn với kỷ niệm của hai mẹ con, nơi ấy còn là nơi lễ tết để đi về…
“Nguyên này, thế hệ bác và cha cháu cầm súng không nghĩ gì đến bản thân mình, bây giờ thấy nhiều chuyện chướng tai gai mắt, vun vén cá nhân nhưng bác vẫn tin đó chỉ là số ít… mà thôi. Cái chính là bác cần cháu có gia đình để bác còn làm tròn trách nhiệm với cha cháu chứ?”.
Nguyên vẫn im lặng, trong lòng anh dâng lên một cảm giác biết ơn bác Mười nhưng anh vẫn không biết nói gì với bác. Ông Văn bỗng cười khà khà rồi nói tiếp:
“Bác lại nói chuyện đường dài rồi. Cái Đào là cháu họ của bác gái mày đấy. Nó đang làm ngân hàng cùng ngành với cháu, cùng ở Sài Gòn như cháu thế mới thuận lợi chứ. Cái Đào mới về ăn tết mấy ngày nay. Bác đã coi ngày rồi, mùng một tết cháu đến nhà, bác đã hẹn với nó…”.
Chào ông Mười ra về mà trong lòng Nguyên thấy vui vui. Đêm ấy Nguyên nằm mơ thấy lại cảnh hồi chiều, cô gái áo trễ vai mỉm cười với Nguyên và xưng tên mình là Xuân Nữ khi Nguyên vô tình gặp cô ấy tại Vườn hoa. Lúc Nguyên thức giấc là nửa đêm, anh mở messenger khi nghe âm báo “Tết này em theo với mấy đứa bạn du lịch phượt Đà Lạt. Em muốn ghé nhà anh xem mấy bụi mạc-gơ-rit như anh hứa, anh nhắn cho em địa chỉ…”. Trong lòng Nguyên đôi mắt mở lớn và dường như lúc nào cũng nửa như mang dấu hỏi nửa như chứa chút gì đằm thắm của Xuân Nữ hiện ra rõ nét. Nguyên giật mình với tin nhắn, anh sực nhớ đến lời hứa của mình.
Nguyên lại mơ, trong mơ cha mẹ Nguyên về thăm nhà. Hai người chỉ nhìn Nguyên bằng cặp mắt đăm đắm mà không nói gì cả. Thốt nhiên anh như vụt về thời thuở nhỏ, Nguyên vòng tay thưa:
- Thưa cha mẹ, con sẽ cố!
Gương mặt cha mẹ Nguyên hiện rõ vẻ hài lòng. Khi Nguyên ngước lên anh bất ngờ khi không thấy cha mẹ mình đâu nữa, thay vào đó là từ ngoài sân Xuân Nữ vào nhà, trên tay cô cầm bó hoa mạc-gơ-rít tinh khôi!
Nửa đêm hôm ấy chính là thời khắc lập xuân. Xuân đã về!
Võ Anh Cường (baolamdong)/Quehuongonline.vn