Coi trọng ảo hơn thật - lỗi từ ai?

Khoảng 6 năm trước, giám đốc điều hành một công ty công nghệ lớn nhất nhì Việt Nam đưa con đi du lịch. Cô bé 5 tuổi vốn hiếu động đã ngoan ngoãn suốt mấy tiếng đồng hồ ở sân bay vì có chiếc máy tính bảng ba cho mượn. Dòng chú thích “Nhũ mẫu tuyệt vời nhất” ở bài đăng của anh đã nhận về hơn 1.000 lượt thích. 

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Nhiều bậc cha mẹ thoải mái khi đưa cho con chiếc máy tính bảng đã tải sẵn một số ứng dụng trò chơi kết hợp học ngoại ngữ, vẽ, làm vườn ảo… rồi yên tâm làm việc của mình. Vậy tại sao đến khi con “sập cửa” trong thế giới riêng, không cần giao tiếp với người thân, chỉ cần vui với máy tính và coi chiếc điện thoại thông minh là cả thế giới, cha mẹ lại cảm thấy bất an?

Một bà mẹ có nhiều giờ trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý, luật sư khẳng định sự kiện cuối cùng gây tranh cãi, giọt nước tràn ly khiến cô con gái 16 tuổi quyết định bỏ đi là vì bị mẹ cấm dùng điện thoại. Chị khẳng định đã chăm sóc con rất kỹ, luôn động viên khi con lo lắng, căng thẳng trước các kỳ thi, luôn đưa đón con đến trường cũng như đi học thêm. “Nhưng, về đến nhà, sau bữa ăn, con lập tức về phòng riêng hoặc có ngồi ở phòng khách thì cũng cắm cúi với điện thoại. Khi tôi tịch thu điện thoại, cháu đã đóng sập cửa và hôm sau bỏ đi”. 

Bà mẹ ấy chăm sóc con chu đáo nhưng lại quên rằng với các cô cậu thế hệ Z, chiếc điện thoại thông minh là cả thế giới. Từ công dụng phổ biến như tính toán, dịch thuật, tra cứu thông tin, liên lạc, chụp hình, đến rộng hơn là cập nhật xu hướng, theo dõi thần tượng, nuôi ước mơ, đam mê, luôn cả những việc nhỏ như báo thức… đều nằm trên thiết bị nối chúng với cuộc sống. Thế giới ảo với người từng trải có thể được phân định rạch ròi, cân bằng với cuộc sống thật nhưng với trẻ thì khác. 

Tịch thu điện thoại là mẹ ngắt con ra khỏi thế giới một cách thô bạo. Chăm sóc kỹ lưỡng nhưng không biết con cần gì nghĩa là mẹ đã nhường hoàn toàn sân chia sẻ, gắn kết con cho thế giới ảo. Bỏ nhà ra đi chỉ là một trong những phản ứng tiêu cực phổ biến mà có khi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, đau lòng hơn nhiều. 

Robot, các phần mềm trí tuệ nhân tạo phát triển không chỉ cướp đi công việc của vô số công nhân, kỹ sư, chuyên viên chăm sóc khách hàng, điều dưỡng viên, nhà thiết kế… mà còn dần dần lân la thay thế cả bảo mẫu, gia sư, thậm chí trở thành “bạn tâm giao biết tuốt” như chatbot. Điều đó ngày đáng sợ vì nhiều thành viên trong gia đình coi thế giới ảo quan trọng hơn việc giao tiếp thật với nhau. 

Nhưng, ai là người đặt chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh đầu tiên vào tay các con, nếu không phải là chính chúng ta?

Không thể đổ lỗi cho sự phát triển vì người tạo nên công nghệ, thế giới ảo (nên mới gọi là trí tuệ nhân tạo) nhưng dùng, kiểm soát ra sao để không bị phụ thuộc, không bị chúng lấn lướt, cũng là việc của chúng ta. 

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

"No connect to connect"

Đây là khẩu hiệu được sáng tạo bởi Yên Glamping ( "No connect to connect" tạm dịch là Ngắt kết nối để kết nối) - một khu cắm trại sâu trong rừng ở khu vực Cầu Đất, Đà Lạt (Lâm Đồng).

“Những ngày cha mẹ đi làm, con đến trường, về nhà gặp nhau được vài tiếng buổi tối rồi con phải đi ngủ sớm, cha mẹ luôn mong chờ cuối tuần để cả nhà được đi ăn sáng, uống cà phê, vào nhà sách cùng nhau. Nhưng, email vẫn đến, điện thoại vẫn reo nên cuối tuần cũng khó dứt khỏi công việc hoàn toàn.

Tình cờ đưa gia đình đến cắm trại ở đây khi nơi này còn là một mảnh đất trống, được hưởng trọn vẹn 2 ngày không có sóng điện thoại (thậm chí không có điện) giữa thiên nhiên trong lành, nhìn ánh mắt, nụ cười, vẻ mặt vui sướng, háo hức của các con khi được hái nấm, lội suối, nấu cơm bếp củi cùng cha mẹ…, các bạn tôi nhận ra việc trò chuyện và dạy con từng kỹ năng cơ bản trong đời thật là rất cần. Sự kết nối đầy âu yếm qua giao tiếp gần gũi là trách nhiệm mà cha mẹ càng hiện đại càng nên mang đến cho con.

Điều này cũng quan trọng ngang với tiền, ngang với việc làm quen với công nghệ hiện đại hằng ngày con trẻ đang tiếp nhận. Muốn cân bằng, cần có lúc ngắt kết nối công nghệ để kết nối cùng nhau. Thế là chúng tôi dựng khu cắm trại với khẩu hiệu đó” - chị Minh Nguyệt - điều hành khu cắm trại - chia sẻ. 

“Khách đến đây chủ yếu là các cặp đôi hoặc gia đình có trẻ em. Ở thành phố, hẳn bạn sẽ thấy rất nhiều khó khăn, chật vật, thậm chí “phát điên” vào một ngày cúp điện, đứt cáp, không internet… Vậy nhưng ở đây, tất cả đều coi đó là cơ hội để có những ngày đáng nhớ, đầy tràn năng lượng, cảm xúc thật tươi mới. Tôi tin rằng việc “ngắt kết nối để kết nối” giữa các thành viên trong gia đình sẽ được duy trì thường xuyên và tự nhiên hơn sau khi họ từ Yên trở về nhà. Họ sẽ thấy việc trò chuyện thủ thỉ, cười vui vẻ khi nhìn vào mắt nhau, cùng nhau nấu ăn… thú vị hơn nhiều so với việc chat chít, đừng nói là tâm sự với chatbot.

Với chatbot, ta hỏi thông tin thì được, chứ muốn tâm sự và chia sẻ thì phải ngồi bên nhau, nhìn vào mắt nhau. Không dùng điện thoại, không kiểm tra email, toàn tâm toàn ý khi ở bên nhau dù chỉ vài giờ nên là thói quen trong mỗi gia đình nếu cha mẹ thực sự muốn trở thành bạn thân của con” - chị Lan Anh - người đã chọn Yên Glamping cho gia đình vào một ngày cuối tuần - cho biết.

Bắt đầu từ đâu?

Hãy bắt đầu từ những bữa chiều ấm cúng hoặc bữa tiệc gia đình. Trò chuyện là cách đơn giản nhất để hiểu nhau và thêm gắn bó. Một bữa cơm đầm ấm cũng chính là thời điểm tốt nhất để trò chuyện.

Trong bữa cơm, các thành viên sẽ cập nhật ngày của họ trải qua ra sao; các con kể về bạn bè, thầy cô, những thay đổi trong phương pháp học tập ở trường… Khi được con hỏi về những điều bản thân cha mẹ cũng không có kinh nghiệm, cứ thẳng thắn thừa nhận “cha/mẹ không rõ, để cha/mẹ hỏi thêm rồi sẽ trả lời sau”. Không ai có thể tự tin rằng kiến thức tổng hợp của mình ngang bằng Google nhưng thấu hiểu, được con tin cậy đã là thành công và đáng tự hào. Nếu con có chút ỷ lại, dựa dẫm vào cha mẹ, ta cũng nên vui hơn là nạt ngang: “Tra Google đi, gì cũng hỏi cha/mẹ là sao?” (Câu này hiện đã được đổi thành: “Hỏi chatbot ấy”).

Ngược lại, nhiều cha mẹ cũng chọn bữa tối để kể cho các con nghe những việc xảy ra với mình và hỏi trẻ về quan điểm, cách xử lý… để điều chỉnh, góp ý đồng thời học hỏi và bổ sung cho mình những góc nhìn mới từ vị trí của con. Việc tương tác và giao tiếp trên hiển nhiên giúp cả nhà gần nhau hơn. 

Việc tăng cường kết nối con với xã hội/thế giới thật là một khía cạnh cũng cần thiết không kém. Cho con đi siêu thị, nhà sách; khuyến khích con tham gia các nhóm thiện nguyện, các câu lạc bộ tập luyện, thậm chí khuyến khích con tham gia các cuộc thi cũng là cách để con tăng cường kỹ năng giao tiếp. “Tôi luôn khuyến khích các con thu xếp thời gian tham gia các cuộc thi.

Trong những cuộc thi đó, cách ứng xử của con với ban giám khảo, đối thủ, bạn bè, người thân khi cổ vũ động viên con bất kể thua hay thắng, có giải hay không mới là điều quan trọng hơn cả” - chị Q.H. - mẹ của một nữ sinh tham gia cuộc thi “Nữ sinh thanh lịch” của Trường THPT Phú Nhuận - cho hay. 

Sự chia sẻ, gần gũi cũng giúp ta chạm vào trái tim và cảm xúc, mở ra thế giới yêu thương, tin cậy. Chọn chạm gì là sự chủ động của mỗi chúng ta. 

Theo phụ nữ TPHCM