Những chiếc hộp đựng giày chứa đầy kỷ niệm

Có bao giờ bạn từng nghĩ sẽ vui đến rơi nước mắt khi xem lại những bức ảnh của bản thân? Đó là câu chuyện của ông Kent German (49 tuổi, Mỹ) khi tình cờ tìm thấy “một phần cuộc đời” được nhét vào 3 chiếc hộp đựng giày, để trong gara của cha mẹ ông và cất dưới gầm giường.

Kent German hạnh phúc nhìn ngắm hàng trăm bức ảnh chụp bằng máy ảnh phim đời cũ đã được số hóa - Ảnh: Kent German
Kent German hạnh phúc nhìn ngắm hàng trăm bức ảnh chụp bằng máy ảnh phim đời cũ đã được số hóa - Ảnh: Kent German

 

Hàng trăm bức ảnh của ông trong nhiều giai đoạn cuộc đời, từ ngày đầu tiên đến trường, lúc ngồi trên những bậc thềm căn hộ đầu tiên mà ông mua được… đều nằm trong chiếc máy ảnh phim đời cũ.

Với Kent, những bức ảnh dù cũ kỹ, đầy khuyết điểm nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, khơi gợi những ký ức tưởng chừng đã quên lãng, lưu giữ lại chân dung những người quan trọng nhất cuộc đời ông.

Bức ảnh đầu tiên ông chụp mẹ mình là vào năm 1981 - khi ông mới 7 tuổi. Nó không hoàn hảo bởi ngón tay ông đã che một phần ống kính. Ngắm lại gương mặt mỉm cười của mẹ dưới ánh nắng tháng Bảy rực rỡ, ông vô cùng xúc động. Bức ảnh như lời cảm ơn ông dành cho mẹ vì đã mua cho ông cuộn phim đầu tiên. Tiếp đến là những kỷ niệm về buổi sáng Giáng sinh, những dịp sinh nhật, lễ tốt nghiệp, chuyến viếng thăm trung tâm thương mại với ông bà (nay đã qua đời), những buổi cắm trại với cha...

“Ký ức của tôi còn là những bữa tiệc ở trường đại học và những năm đầu tiên sống một mình với phần lớn thời gian dành cho những đêm đi chơi vui vẻ cùng bạn bè. Tiếc rằng vài người trong số họ đã rời bỏ chúng tôi vĩnh viễn. Những ký ức đó vừa tuyệt vời mà cũng vừa đau đớn” - Kent German 
hồi tưởng.

Thay vì cất kỹ những bức ảnh vào tủ và nơm nớp lo sợ chúng sẽ biến mất hoặc bị tổn hại theo thời gian và thiên tai, Kent German đã chuyển “một phần cuộc đời mình” đến “ngôi nhà mới” mang tên số hóa - nơi ông cho rằng đó là chiếc hộp an toàn để bảo vệ ký ức. Số hóa ảnh cũ có nghĩa là chuyển đổi hình ảnh cũ sang định dạng kỹ thuật số.

Lyne Paquette cùng chồng đi nghỉ ở Stellenbosch, Nam Phi, năm 1996 - Ảnh: Lyne Paquette
Lyne Paquette cùng chồng đi nghỉ ở Stellenbosch, Nam Phi, năm 1996 - Ảnh: Lyne Paquette

 

“Nơi tôi sống thường xảy ra động đất và hỏa hoạn, việc lưu trữ những bức ảnh cũ dường như cũng quan trọng như việc tạo ra một bộ dụng cụ phòng, chống thảm họa” - ông tâm sự.

Khoảng thời gian xem lại từng bức ảnh trước khi quyết định chọn số hóa tấm ảnh nào đã đưa ông một lần nữa về với những kỷ niệm bên cha mẹ và bạn bè xưa. Giờ đây, ông có thể yên tâm khi những kỷ niệm này sẽ tồn tại bền bỉ trong thế giới kỹ thuật số.

Còn gì tuyệt hơn khi được nhìn lại những giây phút sống hết mình của tuổi thanh xuân. Nó như tiếp thêm sức lực cho chúng ta. Mấy chục năm làm việc với tư cách một nhà ngoại giao Mỹ và nghỉ hưu vào năm 2021, bà Lyne Paquette (67 tuổi) không khỏi bồi hồi trước 12.000 bức ảnh lưu trữ, để rồi chọn ra khoảng 3.500 bức để số hóa.

Bà Paquette rất xúc động khi lọc ảnh cũng như khôi phục chúng. Việc xem lại hành trình ghé thăm nhiều quốc gia (Mỹ, Úc, Đức, Bangladesh, Syria, Việt Nam…) khiến bà thêm yêu đời và như trẻ lại. Những khoảng thời gian vui vẻ bên cha mẹ (nay đã qua đời) và bạn bè cùng vô vàn kỷ niệm ùa về khiến bà sung sướng, lâng lâng vì đã sống một cuộc đời thật đẹp và đáng nhớ.

Gia sản tinh thần vô giá 

Không chỉ giúp con người lưu giữ những kỷ niệm đẹp và quý giá, việc số hóa những bức ảnh của người thân đã qua đời cũng mang lại vô số điều bất ngờ. Đặc biệt, nhiều người vô cùng ngỡ ngàng khi biết rằng mình được thừa hưởng một “gia sản tinh thần” to lớn đến thế.

Cha của Matthew Asner - diễn viên Ed Asner - cùng chị em ông tại nhà ở California, năm 1963 - Ảnh: Matthew Asner
Cha của Matthew Asner - diễn viên Ed Asner - cùng chị em ông tại nhà ở California, năm 1963 - Ảnh: Matthew Asner

 

Matthew Asner - con trai cố diễn viên Ed Asner - đã may mắn tận hưởng được niềm vui này khi vô tình phát hiện hàng trăm tệp hình ảnh, âm thanh chưa được xử lý của cha mình và quyết định số hóa chúng. Cha anh đã qua đời năm 2021. “Thành thật mà nói, tôi không biết mình sẽ nhận lại được gì. Thật choáng ngợp. Giống như bạn tìm được kho báu. Những tấm ảnh đó giúp tôi nhớ lại một phần quá khứ, khơi gợi lại nhiều điều bản thân đã bỏ quên” - Matthew Asner bày tỏ.

Trong sự nghiệp diễn xuất lừng lẫy của mình, Ed Asner từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá. Ông nổi tiếng với vai diễn Lou Grant - một ông chủ phòng tin tức thường xuyên cáu kỉnh nhưng đáng yêu - trong loạt phim cùng tên (1977-1982). Ed Asner cũng lồng tiếng cho nhân vật Carl Fredricksen trong bộ phim hoạt hình Up (tựa tiếng Việt: Vút bay) của Pixar (năm 2009).

Nhìn những bức ảnh được số hóa, Matthew ví nó như bản encore (những hình ảnh, đoạn phim được bổ sung) cuối cùng của cha. Rất nhiều hình ảnh thời trẻ của cố diễn viên được tìm thấy, điển hình như khoảnh khắc Ed Asner đang nhìn mình trong gương, cố lấy cảm xúc để chuẩn bị cho một vai diễn. Anh cũng chia sẻ một số bức ảnh đẹp của cha mình trên tài khoản Twitter cá nhân và không quên gửi chúng cho những người thân, bạn bè thân thiết của ông.

Những tấm hình không được nhìn thấy trong 40, 50, thậm chí 60 năm như mở ra một thế giới khác lạ cho Matthew và kéo anh lại gần hơn với gia đình. Nếu cha mẹ anh như chất keo gắn kết cả gia đình trong quá khứ thì bây giờ, với anh, những bức ảnh trên mang ý nghĩa thay thế một phần keo đã bong ra (chỉ người cha đã qua đời).

Khoảnh khắc cố diễn viên Ed Asner tập trung lấy cảm xúc chuẩn bị cho vai diễn - Ảnh: Matthew Asner
Khoảnh khắc cố diễn viên Ed Asner tập trung lấy cảm xúc chuẩn bị cho vai diễn - Ảnh: Matthew Asner

 

“Có bức ảnh chụp tôi hồi khoảng 3,4 tuổi đang ôm một con cá chết. Tôi nhớ mình đã tìm thấy nó trên bãi biển và giữ nó bên mình suốt 4 ngày. Cuối cùng, mẹ tôi đã vứt nó đi khi tôi đang ngủ vì nó quá hôi. Đó là một kỷ niệm mà tôi đã quên mất. May thay, nhờ bức ảnh, kỷ niệm ấy chợt sống lại rõ nét trong tôi” - Matthew Asner bồi hồi kể lại tuổi thơ hạnh phúc cùng gia đình bên bờ biển Nam California.

Nếu Matthew Asner chỉ lưu giữ những tệp hình ảnh của cha làm kỷ niệm, Clifford Cuffey - một nhà địa chất 55 tuổi người Mỹ - còn sử dụng hàng chục ngàn bức ảnh đẹp cha mình để lại, xây dựng một trang web dành cho những người yêu địa chất. Đây là cách ông truyền đam mê của cha con ông đến mọi người. Clifford Cuffey cũng thừa hưởng niềm đam mê địa chất và nhiếp ảnh từ cha mình (đã qua đời vào năm 2022).

Cha ông - một giáo sư địa chất tại Đại học bang Pennsylvania - đã để lại những bức ảnh quý giá chụp cùng gia đình trong những chuyến đi chơi mùa hè. Ngoài ra, trong kho ảnh khổng lồ ấy còn có các bức ảnh chụp phong cảnh, xe lửa, đường sắt, những địa hình hiểm trở...

Dù đã phải chi gần 20.000 USD cho việc số hóa hàng chục ngàn tấm ảnh cũ nhưng với Clifford Cuffey, khoản đầu tư này đang tạo ra một số cổ tức thực sự về mặt cảm xúc. “Đó là những điều thú vị tôi đã làm trong hành trình trưởng thành. Vì thế, tôi muốn lưu giữ chúng mãi mãi” - Cuffey nói. 

Để số hóa ảnh phim, có thể sử dụng ứng dụng Photoscan của Google, có sẵn cho iOS và Android. Tuy nhiên, với những ai có số lượng ảnh phim lên đến hàng ngàn hoặc chục ngàn, giải pháp hiệu quả nhất là mua máy quét hoặc sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp. Có rất nhiều dịch vụ số hóa ảnh phim có giá dao động từ 5.000-10.000 đồng/ảnh, tùy số lượng hình ảnh muốn quét, chất lượng bạn cần và việc có muốn chỉnh sửa màu sắc hay không.

Theo phụ nữ TPHCM