Khi tôi lớn lên,cây đa làng tôi không còn nữa.Phần vì sau những thương tích của bom đạn,sự quên lãng của một thời tất tả lo cơm áo của người nông dân thời đầu đổi mới.Nhưng, chẳng vì thế mà không có một cây đa  trong tâm hồn tôi.

Nghe các cụ kể rằng, ngày xưa có cây đa mọc ngày đầu làng,nơi giáp ranh với cánh đồng dưới bãi.Rễ đa dài như những cánh tay lực lưỡng, thân cây xù xì với những lỗ,hốc nhìn đến là kỳ quái.Có biết bao loại chim về hót trên tán cây, bao lời đốn đoán về hồn vía…Nhưng điều mà các cụ nhớ nhất là bóng mát như tiếp thêm sức mạnh cho người dân trong làng vào những ngày nắng như đổ lửa phải ra đồng.

Cây đa đầu làng

Từ cánh đồng rộng lớn mênh mông, gió miên man thổi mát hương lúa những sớm tinh sương hay buổi chiều xế bóng.Nhưng,cứ vào những trưa nắng hạ lại cũng là lúc cái nóng bủa vây lấy người dân quê. Phải đi xa lắm mới vào tới rìa làng, khi ấy chỉ có bóng đa là nơi dừng chân lý tưởng. Có ấm nước vối mát cùng rót ra, có câu chuyện xa xưa kể với đám con cháu về kinh nghiệm cấy hái, quan hệ ứng xử, có chuyện vui, chuyện buồn cùng chia sẻ.Khi ấy, bóng đa như sự bao dung kéo người dân lại với nhau bằng tình làng nghĩa xóm. Bóng đa như mái nhà ấm cúng gọi mọi người quần tụ lại bên nhau.

Sau này đi đến nhiều vùng đất, cả ở đồng bằng và miền núi, tôi đã gặp nhiều cây đa cổ thụ như thế. Có khi cây đa mọc bên ngôi đình làng để tăng thêm vẻ cổ kính, khi thì mọc chơ vơ bên đường mòn.Những bóng dáng ấy cứ ám ảnh về một cây đa trong vầng trăng cổ tích với chú Cuội, chị Hằng, là cái dấu mốc mà người đi xa quê đã nhận ra làng mình từ trên mặt đê.

Nhưng đâu chỉ có vậy, mỗi cái cây đã cùng sống với làng quê Việt qua bao đời ấy còn là chứng nhân cho bao thăng trầm, thay đổi.Bóng đa mát rượi đã thành hồn vía,thành tiếng gọi thiết tha để những ai đã từng quên lãng một nẻo quê nhà lại tìm về nơi “chôn nhau cắt rốn” bằng chính cái tín hiệu xanh từ phía xa xăm.

Theo Dân Việt