Võ Kim Shotika, 19 tuổi, tình nguyện viên chống dịch ở phường Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM
Khi bé gái 4 tuổi hỏi: “Mấy anh chị kia làm gì mà mặc đồ này vậy mẹ?”, bà mẹ trả lời: “Mấy anh chị là siêu nhân đi bắt vi-rút đó con”. Lúc ấy, bé quay về phía các tình nguyện viên và nói: “Chị ơi, cố lên nhen. Mai mốt lớn lên, em cũng làm siêu nhân bắt vi-rút, bắt kẻ xấu giống chị”.
Câu nói hồn nhiên của cô bé khiến tất cả mọi người trong ca lấy mẫu tối hôm đó nhìn nhau, mỉm cười hạnh phúc.
Đó là một trong những liều “doping” tinh thần mà cô gái Võ Kim Shotika, 19 tuổi từng nhận được trong suốt mấy tháng trời làm tình nguyện viên chống dịch Covid-19 ở phường Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM.
Shotika, cô gái có 2 dòng máu Việt - Thái, sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Từ đầu tháng 6, Shotika đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ các công tác chống dịch trong sự phản đối kịch liệt của ba mẹ. “Nhà chỉ có mỗi một đứa con gái. Ban đầu, cả gia đình em phản đối dữ lắm. Sau đó, em phải cam kết, đảm bảo với ba mẹ sẽ giữ cho bản thân thật an toàn, ba mẹ mới đồng ý cho em đi” - Shotika chia sẻ.
Từng tham gia một số hoạt động thiện nguyện trước đây, nhưng nguồn cảm hứng khiến cô gái sinh năm 2002 đi đến quyết định này là nhờ bác cô - một người rất tích cực trong các hoạt động từ thiện cả trước và trong dịch. “Bác em từng tham gia rất nhiều hoạt động từ thiện như nấu cơm cho người nghèo, xây cầu, xây trường học… Em không có tiền của để đóng góp nên em mong muốn được đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống dịch của thành phố”.
Những ngày đầu tiên “ra quân”, cô gái trẻ được giao nhiệm vụ hỗ trợ đội ngũ y tế lấy mẫu xét nghiệm, thông báo các ca dương tính về cho trung tâm y tế. “Lần đầu tiên tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc bệnh, em cũng có lo lắng. Nhưng em nghĩ nếu ai cũng sợ hãi thì ai sẽ làm công việc này. Em muốn 20-30 năm sau, khi nhìn lại, em sẽ không phải hối tiếc về quãng thời gian này bởi vì mình đã cống hiến hết sức có thể cho quê hương”.
Về sau, Shotika còn được giao hỗ trợ công việc tiêm vắc-xin tại phường. Đến chiều tối, chỉ vừa kịp về nhà thay đồ, cô lại ra trực chốt từ 5h chiều đến 10-12h đêm. “Mỗi ngày em ra ngoài mười mấy tiếng đồng hồ. Ban ngày, bọn em phải làm việc dưới thời tiết nắng nóng trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Mỗi khi tháo đồ ra là người ướt sũng, tay phồng rộp vì đeo 2-3 lớp găng tay, người bị dị ứng vì mặc đồ bảo hộ nhiều quá”.
Nhiệm vụ của Shotika là hỗ trợ đội lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc-xin.
Bên cạnh những nhiệm vụ được giao, cô cùng bạn bè còn tự bỏ tiền túi và kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí để nhóm nấu cháo đêm phát cho người vô gia cư, nấu nước sâm tặng các y bác sĩ, cán bộ chống dịch.
Vất vả, nguy hiểm và áp lực đủ cả nhưng điều mà Shotika nhớ nhất và trân trọng nhất sau những tháng vừa qua chính là tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau của nhóm. “Bọn em không hề quen biết nhau, cũng không nhìn thấy mặt nhau khi làm việc nhưng ai cũng sẵn sàng hỗ trợ công việc của người khác, không hề suy tính, tị nạnh. Trong nhóm tình nguyện có cả sinh viên, công chức, cả chủ doanh nghiệp lớn nhưng không ai nề hà bất cứ việc gì. Tất cả coi nhau như người trong gia đình. Cứ mỗi lần đi lấy mẫu, mọi người lại nói vui với nhau rằng đây là trận chiến săn Covid”.
Shotika nhớ một lần đi lấy mẫu gặp mưa to nhưng không may xe máy của cô bị hỏng. Thế là có 2 bạn mặc dù đã đến điểm lấy mẫu nhưng vẫn quay lại đẩy xe giúp, khiến cả bốn đứa đều ướt sũng. “Cả bốn đứa đẩy xe suốt 1 tiếng đồng hồ mới kiếm được chỗ sửa xe và phải năn nỉ người ta sửa giúp, nếu không sẽ không thể về nhà vì nhà còn cách quá xa”.
Công việc tình nguyện viên của Shotika bắt đầu từ buổi sáng đến đêm muộn.
Vất vả là vậy nhưng đôi lúc cũng có những câu chuyện khiến nhóm tình nguyện tủi thân, thậm chí bật khóc.
“Trong một buổi lấy mẫu, có một số người dân đứng không đúng quy định giãn cách. Mặc dù bọn em đã nhắc rất nhiều, nhắc hoài mà mọi người không nghe. Đến khi quá đông người đến, bọn em có nhắc mọi người với âm lượng lớn hơn thì một chú có ý kiến là tại sao lại quát người dân. Bọn em cũng có giải thích là ‘con biết cô chú rất mệt nhưng tụi con đứng 5-6 tiếng ở đây cũng rất mệt. Tụi con chỉ nói lớn thôi chứ không phải la cô chú nghen, thông cảm giúp tụi con’. Mình nói vậy nhưng cũng có người thông cảm, người không”.
“Rồi ở các điểm tiêm cũng vậy, người ta đợi lâu quá cũng phàn nàn, rồi nạt ‘tại sao lâu quá chưa tới lượt tui?’. Bị người dân la, có bạn đã bật khóc nhưng tụi em chỉ biết an ủi, động viên nhau cố lên, rồi lại bật nhạc lấy lại tinh thần. Đã đi làm tình nguyện thì xác định rằng bản thân mình phải giàu năng lượng để vực dậy tinh thần của những người khác”.
Những năng lượng tích cực luôn tràn đầy trong mỗi tình nguyện viên.
Nhưng ngược lại, cũng có những tấm lòng của người dân dành cho đội tình nguyện khiến ai cũng rưng rưng.
“Một hôm em trực chốt thì có một chú đi xe Wave chạy tới đưa cho lốc sữa. Chú bảo ‘uống sữa đi rồi làm tiếp nha’. Chú còn dặn ‘nhớ đội nón nghe con, ở đây nắng quá’. Thực sự chỉ có vậy thôi mà khiến tụi em cảm động lắm. Đây là động lực rất lớn để cả nhóm tiếp tục cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Hiện tại, vì bận học online buổi sáng nên Shotika chỉ có thể tham gia việc chuẩn bị cơm tặng cho các cán bộ trực chốt vào buổi chiều và tham gia trực chốt từ 5h chiều đến đêm. Gia đình cô có kế hoạch sang Mỹ định cư, mọi thủ tục đã hoàn thiện từ đầu năm 2020 nhưng vì vướng dịch bệnh nên chuyến đi bị hoãn lại.
Có lẽ đây cũng là những ngày cuối cùng cô gái có 2 dòng máu Việt - Thái được sống trên quê hương và cống hiến cho đất nước mình. Cảm động về việc làm thiện nguyện của con gái, gia đình cô đã tặng cho địa phương 850 bộ đồ bảo hộ, 90 lít cồn sát khuẩn và 500 chiếc khẩu trang.
Shokita cho biết trải nghiệm đặc biệt này giúp cô trưởng thành hơn.
Cô gái 19 tuổi chia sẻ, trải nghiệm gần 3 tháng vừa qua đã giúp cô trưởng thành hơn rất nhiều.
“Ngày xưa em cũng là người khá hời hợt, không để tâm tới gia đình nhiều. Nhưng sau lần trải nghiệm này, khi được tiếp xúc với nhiều người, nhiều câu chuyện, em thấy mình trưởng thành hơn, biết nhìn nhận, sống chậm lại, dành thời gian nhiều hơn cho người thân của mình. Quãng thời gian qua cũng cho em một cái nhìn khác về cuộc sống. Trước giờ, em từng đọc nhiều tin tức tiêu cực về con người nhưng khi tham gia chiến dịch này, dù tụi em không thấy được mặt của nhau nhưng tất cả đều hiểu rõ lòng nhau, đều hướng về cùng một mục tiêu”.
“Nếu được chia sẻ một điều gì đó với mọi người trong thời điểm này, trước hết em mong mọi người hãy biết cách bảo vệ sức khoẻ của mình. Mong mọi người hãy sống trọn vẹn, đừng than vãn bởi vì mọi người còn an toàn, còn sức khoẻ là đã may mắn hơn rất nhiều những người đã nằm xuống và đang chiến đấu ngoài kia. Tất cả hãy cố lên, chúng ta sẽ chiến thắng và Sài Gòn sẽ rực rỡ trở lại”.
Theo vietnamnet