leftcenterrightdel
 

Có những buổi trưa mùa hạ trốn ngủ, đám trẻ con chúng tôi lang thang ra đồng đi hái đòng đòng, bắt muồm muỗm về nướng ăn. Ở chân ruộng bậc thang cuối cùng, gần sát dòng suối, có một cây cơm nguội rất to, lá xòa cả xuống đường đi.

Cây cơm nguội chỉ ngang tầm đầu chúng tôi, chìa ra từng chùm trái màu trắng làm nổi bật lên vài cái lá xanh tròn tròn mọc xen kẽ, trông thật đẹp mắt. Từng chùm trái cơm nguội như mời gọi chúng tôi đến hái. Tôi vẫn luôn thắc mắc vì sao nó có tên là cơm nguội - cái tên nghe nhạt nhẽo trong khi trái của nó lại màu trắng mỡ màng, tươi tắn.

Tôi nhẹ nhàng tách từng trái cơm nguội khỏi cành. Trái cơm nguội mềm, rất dễ vỡ nát nên phải thật nhẹ tay. Cầm 1 trái cơm nguội cho vào miệng cắn, vị ngọt dìu dịu nơi đầu lưỡi, hương thơm nhẹ nhàng lan tỏa. Mỗi buổi ra đồng mò cua về cho mẹ nấu canh, tôi thường dừng lại ở gốc cây cơm nguội một lúc rồi mới lọ mọ xuống bùn bắt cua.

Mẹ tôi thường hay phải giải thích những câu hỏi “trời ơi đất hỡi” của tôi, như những thứ trái, cây cối, con vật tôi gặp mỗi ngày. Tại sao con nhện lại có nhiều chân? Tại sao mai con cua lại có hình móng trâu? Tại sao cây cơm nguội lại có tên là cơm nguội? Mỗi một thắc mắc của tôi, mẹ lại giải thích bằng một câu chuyện cổ tích hoặc là một cách nghĩ khác đi về hình thù của con vật, cây cối theo hướng nghĩ tích cực, lạc quan.

Mẹ bảo, cây cơm nguội mang một cái tên khiêm nhường, nhưng cây lại có tác dụng rất tốt với sức khỏe. Cây cơm nguội để người đi đường lỡ bước dừng chân, có đói hay mệt đều có thể tự nhiên vặt trái ăn cho đỡ đói lòng.

Tôi hay sang chơi nhà chị Định. Nhà chị ngay cạnh cánh đồng, có con chó đen rất dữ. Mỗi lần đi ra ruộng bắt cua, tôi hay rủ chị theo. Có lần đi bắt cua, tôi vớ phải con rắn nước, hoảng hốt, vứt cả giỏ cua, ba chân bốn cẳng chạy. Chị Định thấy tôi tái xanh mặt mày thì cười ngã cả ra bờ ruộng. Con chó đen nhà chị Định nhìn thấy con rắn nước, đuổi theo đào bới tới nỗi rơi luôn xuống suối.

leftcenterrightdel
 Chùm trái cơm nguội màu trắng mộng mơ, quyến rũ

Suối đang mùa lũ, nước chảy cuồn cuộn, đỏ lòm hung dữ. Con chó cố sức bơi vào bờ nhưng bị dòng lũ chảy xiết cuốn đi. Cả tôi và chị Định đuổi theo, mong cứu nó lên bờ nhưng bất thành. Con Đen bị dòng nước kéo tuột đi, chị Định ngồi trên bờ khóc nức nở. Lúc ấy, tôi cũng cảm thấy hụt hẫng, thương chị Định, thương con Đen, dù bình thường tôi cũng không có thiện cảm với nó cho lắm.

Chị Định khóc cả buổi chiều, mắt sưng húp. Tối ấy, con Đen tìm được đường về tới nhà chị Định, cả người nó ướt nhẹp, mình mẩy đầy thương tích. Đến nửa đêm thì con Đen chết. Hôm sau, chị Định cùng đám trẻ con chúng tôi tổ chức lễ tang cho nó. Chị Định xin ba mẹ cho chôn nó ở ngay gốc cây cơm nguội. Chị mong mỗi lần ra suối, nhìn thấy cây cơm nguội là sẽ nhớ về con Đen. Mẹ chị Định còn bảo, nếu chôn con vật xuống gốc cây cơm nguội thì từ mùa sau cây sẽ cho trái ngọt hơn. Chúng tôi tin vào điều ấy, tin rằng linh hồn con Đen sẽ linh thiêng phù hộ cho cây cơm nguội vững chãi qua mưa gió, đơm sai hoa, kết trái ngọt.

Mùa sau đó, đúng là trái cơm nguội đã ngọt hơn thật. Tôi nhấm nháp từng trái, vỗ về thân cây như đang trông thấy dáng hình con Đen ẩn hiện trong lớp vỏ cây màu nâu sậm. Mỗi mùa đi qua, cây cơm nguội lại cao hơn. Giờ đây, muốn ăn trái cơm nguội phải trèo lên cây hái. Nhà chị Định đã chuyển đi từ lâu, chỉ có mình tôi chiều chiều vẫn đi làm về qua chỗ cây cơm nguội, ngồi dựa lưng dưới gốc, nhìn lên những vòm lá xanh xanh lẫn trong những chùm trái trắng, ký ức thơ bé lại trở về trong tôi, nhẹ nhàng xoa dịu đi những vất vả của một ngày lao động mệt nhọc.

Theo phụ nữ TPHCM