leftcenterrightdel
 

- Cái tay bị làm sao kia hả Na? Con gái con đứa mà đi xăm đầy người, thế còn ra cái thể thống gì nữa?

- Hình đẹp mà bố, nhỏ xinh chứ có to như giang hồ đâu.

- Lại còn cãi à, chiều quá sinh hư!

Miệng thì quát mắng nhưng đôi mắt bố lại xa xăm tận cuối trời. Tôi biết bố đang nhìn về cái sân nhà cách đây 20 năm, với đoạn video ký ức quay cảnh tôi ngã cú đau khổ nhất cuộc đời. Nếu không có lần nghịch ngợm ngu ngốc hồi trẻ ranh ấy thì chẳng bao giờ có hình xăm con mèo hôm nay…

Ngày bé tôi không có nickname gì cả, nhưng sau vụ bẻ trụi vườn na của bà Hinh cuối xóm thì ai cũng gọi là bé Na để kỉ niệm “chiến tích” oanh liệt ấy. Trẻ con thì biết cái gì đâu, trưa nắng chạy xẹt qua thấy trái na lúc lỉu trên cành đẹp quá nên tôi túm xuống bẻ. Rồi cái tay thoăn thoắt không “phanh” được, cứ thế tôi vặt mỗi cây vài quả bỏ vào áo mang về. Na xanh lét đầy nhựa, quả nào cũng cứng như đá. Tôi hí hửng nghĩ lấy làm bóng sút chơi thì sướng lắm đây.

Ai ngờ vừa mang về nhà khoe, tôi liền bị bố xách ra sân đánh cho ê hết bàn tọa! Bà Hinh biết chuyện thì tức lắm, chửi đổng suốt mấy ngày. Lũ trẻ trong xóm phục tôi sát đất. Đứa nào cũng ghét bà Hinh, vừa ghê gớm lại còn bủn xỉn. Tôi phá vườn của bà khiến chúng nó vô cùng hả hê, ai bảo xin quả gì bà cũng xách chổi ra xua cơ chứ!

Ngoài vụ bẻ na thì tôi còn gây đủ trò “thảm họa” khắp xóm. Nào là dí vịt nhà cô Chiến chạy gãy cánh, nào là ném mỡ lợn cho cá ăn làm cả nhà bác Tuấn phải bơm nước tát ao, rủ lũ bạn thả diều dẫm bẹp vườn rau chú Hà, bắt sâu róm bỏ vào quần áo của con Tí xóm bên khiến nó ngứa sưng cả mặt mũi…

Nhưng tất cả cộng lại cũng không dại bằng trò chặt nứa làm cà kheo. Xem báo thấy có mấy ảnh lễ hội đi cà kheo trông hay hay, đúng lúc bố đang sửa nhà vác về 1 đống vật liệu nên tôi hí hửng chọn ra 2 cây nứa đẹp nhất để nghịch. 10 tuổi tôi vẫn hơi lùn, cây nứa thì dài hẳn mấy mét. Đi loanh quanh lượm được con dao chặt gỗ của bố, tôi hì hụi ngồi chặt nứa làm đôi. Rồi tôi chế thêm 2 cái “bàn đạp”, ra chuồng gà nhặt được sợi dây dù mẹ vứt đi tôi lấy luôn để buộc chúng vào 2 cây nứa.

 Xong xuôi “tác phẩm” thấy khá giống ảnh trong báo, tôi liền ngoạc mồm gọi đám bạn trong xóm tới xem. Tụi nó trầm trồ nhìn món đồ chơi tôi tự chế, tranh nhau hỏi xem đó là cái gì. Dạy chúng phát âm từ “cà kheo” mà tôi sướng phổng mũi. Trò chơi này thực sự rất lạ, làm gì có đứa nào biết đến ngoài tôi!

Đợi chúng nó xúm xít ngắm đôi gậy nứa xong tôi lập tức bắt tay vào biểu diễn. Trong báo chả hướng dẫn chơi cà kheo như nào cả. Nhưng thôi chả quan trọng, tôi vốn dĩ nhanh nhạy nên tự nghĩ cách trèo lên gậy trong phút mốt. Tôi bảo thằng Bê to cao đen nhất hội quỳ xuống làm ghế, 2 tay nó chống 2 cái gậy lên.

Tưởng ngon ăn vì trong báo người ta dùng gậy đi được thì mình cũng làm được, tôi tự tin dẫm lên 2 cái bàn đạp. Nhấc cà kheo lên đi được nửa bước cái dây dù đứt tung, một tiếng “rắc” vang lên sau pha ngã đổ nhào xuống bãi sỏi. Tôi rớt rầm một cái như núi lở, cả đám lít nhít sợ hãi trố mắt nhìn. Tiếng “rắc” kia không phải là gậy gãy, mà là cánh tay phải của tôi máu me đầm đìa!

Một lát sau cơn đau mới xộc tận não, tôi thét váng lên khiến lũ trẻ chạy tán loạn. Bố tôi đang ở trên mái nhà liền lao xuống nhanh như chớp. Ông bế thốc tôi lên, gọi bác hàng xóm chở vào viện ngay lập tức. Tôi nửa tỉnh nửa mê không nhớ rõ sự việc sau đó thế nào. Trong ký ức mơ hồ còn sót lại, văng vẳng tiếng bố khóc òa lên và nói 1 câu lạ lùng: “Bác sĩ làm ơn cứu con gái tôi!”.

Cái tay gãy để lại 1 vết sẹo lớn. Sau khi lành thì nó hơi cong, nhìn thấy rõ cả vết chỉ khâu nữa. Nhưng chuyện đó chẳng làm tôi bận tâm. Bởi cái kỳ lạ hơn là từ bữa tôi ngã, bố cư xử khác thường cứ như vừa lột xác vậy! Mặt mũi vẫn là bố, nhưng cách hỏi han chăm sóc thì không giống ngày trước.

Lần đầu tiên tôi thấy bố tự tay nấu cháo bưng cho con gái, sáng tối 2 lần thay băng giúp tôi, còn mua cả kẹo bạc hà ăn vặt để đầu giường - thứ mà bao năm bố cấm tiệt không cho tôi đụng tới. Mẹ đi vắng thì bố giúp tôi lấy đồ, tìm sách vở. Thậm chí bố còn học cách buộc tóc cho tôi, dù vụng về đến nỗi đứt mấy chục cái chun một lúc. Mẹ cười bảo lần đầu tiên trong đời mẹ thấy bố khóc dữ như thế, lúc cưới mẹ chả thấy bố xúc động tí nào!

Lớn lên tôi vẫn cá tính vậy, thích xăm hình để che đi mấy vết sẹo linh tinh. Vài lần đầu tôi giấu sợ bố mắng. Nhưng thật lạ là khi bố phát hiện ra thì ông chẳng hề tức giận. Ông chỉ gõ trán tôi bảo rằng: “Sau này có ma nó rước mày về với đống hình vẽ bậy!”. 2 bố con ôm nhau cười phá lên, rồi ông cứ nhìn vết sẹo nổi mờ mờ ở chỗ tay tôi từng gãy.

Mất 2 năm suy nghĩ tôi mới chốt hạ đi xăm che vết sẹo ở tay. Sợ bố mẹ buồn vì hình xăm lộ liễu nên tôi đắn đo mãi, nhưng cuối cùng nỗi lo ấy không chiến thắng nổi sự tự ti. Tôi chọn một bé mèo ườn mình sưởi nắng, nét vẽ uốn lượn che kín vết sẹo cũ. May là ở mặt trong cánh tay nên mặc áo cũng không lộ lắm, đỡ mang tiếng “chơi bời”.

Cú ngã đau điếng cả tuổi thơ nhưng khiến tình cảm bố con tôi ngày càng tốt đẹp. Càng lớn tôi càng nhận ra bố là người đàn ông mặt lạnh như kem song trái tim thì ấm hồng đầy cảm xúc. Bố có cách yêu thương riêng của bố. Chỉ là vì không biết bộc lộ, nên bố mới khoác lên mình lớp vỏ xù xì vậy thôi.

Tiểu Ngạn