Nhắc đến Tết thì cái thế hệ chúng tôi không thể quên được công tác lau dọn trường kỷ, nó trở thành nỗi ám ảnh của không ít bọn trẻ con. Thế nhưng nỗi khổ của hai chị em chúng tôi còn được nhân ba khi mà ông nội ngoài bộ trường kỷ ra thì còn một chiếc tủ chùa và chiếc sập chân quỳ nữa.
Bộ ba kinh hoàng đó chắc chắn được làm ra bởi bàn tay một nghệ nhân bởi vì nó có thiết kế, kiểu cách rất phức tạp và chi tiết, chi tiết đến độ hai đứa chúng tôi phải đi mua cái chổi chải lông mi về mới có thể cọ sạch sẽ được các chi tiết trên đó. Không chỉ được tạc khắc kỹ càng, chúng còn được trang trí kỹ lưỡng như những bức tranh sơn mài. Vì sợ làm hỏng sơn mài trên đó, chị em tôi thậm chí còn không dám dùng nước để phun rửa mà chỉ dám dùng khăn ẩm để lau tỉ mẩn mà thôi.
Càng nhiều cái Tết trôi qua, chúng tôi càng sợ bộ ba kinh hoàng đó. Thế nhưng sợ đến mấy thì vẫn phải đánh vật với chúng nó mà thôi. Có bận, hai đứa chúng tôi mải đi chơi nên làm ào ào cho xong, những tưởng sẽ qua mắt được ông nội nhưng thật không ngờ mắt ông đọc chữ thì kém chứ soi bụi trên trường kỷ thì tinh lắm. Một hạt bụi còn sót lại thôi ông cũng có thể tìm ra được. Thế là sau khi chạy đi chơi với đám trẻ con hàng xóm nửa ngày trời, về đến nhà hai chị em tôi lại tiếp tục cọ cọ chùi chùi dưới sự giám sát của ông.
Mãi cho đến khi tôi đã đi làm, con bé út thì sắp tốt nghiệp đại học đến nơi rồi, bộ ba kinh hoàng đó vẫn điểm danh đủ với số tuổi của chúng tôi. Tức là chưa có cái Tết nào chúng tôi thoát được cái sự nghiệp kỳ cọ lau chùi trường kỷ, tủ chùa và cái sập chân quỳ ấy hết!
Bố tôi kể lại rằng trước đây nhiệm vụ lau chùi này là của bố và chú út. Hồi đó mắt ông con tinh nên bố và chú còn khổ tâm hơn nhiều. Bởi vậy nên hai đứa chúng tôi đừng có than thân trách phận nữa, cố mà lau cho sạch không thì Tết cũng chẳng về đâu!
Vài năm gần đây, nội thất nhà cửa mang hơi hướng phương Tây ngày càng nở rộ, nhất là khi nhà tôi mới xây lại, thiết kế cũng trở nên hiện đại hơn, tôi bắt đầu cảm thấy trường kỷ, tủ chùa và cái sập chân quỳ của ông nội cứ lạc quẻ vô cùng trong căn nhà mới. Thử tưởng tượng mà xem, mọi nội thất trong nhà chúng tôi đều có tông màu chủ đạo là xám trắng, bỗng dưng giữa phòng khách lại xuất hiện lù lù mấy đồ màu cánh gián. Nó thật sự không có chút ăn khớp nào với nhau hết.
Bởi vậy nên tôi ngắm tới ngắm lui rồi quyết định bàn bạc với bố.
- Bố ơi! Con nghĩ bán quách trường kỷ, tủ chùa với cái sập của ông nội đi mua bộ sofa về có khi hợp lý hơn đấy ạ.
Tôi vừa kết thúc câu nói, mắt bố tôi trợn tròn lên đầy vẻ hãi hùng, vội vội vàng vàng bịt mồm đứa con gái đang đứng bô bô nói giữa nhà. Ấy vậy nhưng đã muộn mất rồi, ông nội tôi đang chắp tay sau lưng đi từ trên gác xuống:
- Đứa nào đòi bán sập gụ tủ chè của tao đấy?
Phải biết rằng ông nội mắt hơi kém một chút nhưng thính giác của ông tốt lắm, ông ngồi trên tầng 2 mà còn nghe được tiếng mọt đang đại tiệc cái chân sập của ông cơ mà.
- Ông ơi, con thấy nên bán đi mua đồ mới về dùng chứ tội gì mà cứ dùng đồ cũ mãi ạ!
Bố tôi cứ ra hiệu có tôi đừng nói nhưng tôi ngây ngô chẳng hiểu gì hết nên cứ bon miệng khuyên ông bán quách bộ ba mệt mỏi này đi cho rồi.
Ấy vậy mà ông cười nhạt một cái rồi đi về phía chiếc trường kỷ, ngồi xuống thong thả pha ấm trà.
- Ba cái này là của hồi môn của hai chị em chúng mày. Khi nào hai đứa mày lấy chồng mới được bán.
Tôi ngẫm nghĩ trong bụng, mấy cái đồ quỷ này thì đáng là bao nhiêu đâu chứ.
- Con còn lâu mới lấy chồng ông ơi! Thế thì phải lau chùi đến bao giờ đây không biết nữa.
Tôi biết ông nội nói vậy chứ ông thương hai chị em chúng tôi lắm, có khi nịnh ông chút nữa là ông đồng ý bán đấy mà. Ai ngờ lúc này bố tôi bất ngờ lên tiếng:
- Nhất hai đứa đấy chứ bố mẹ ngày xưa cưới nhau ông bà cho mỗi 5 chỉ vàng thôi.
- Hay ông cho con 5 chỉ vàng làm của hồi môn đi!
Tôi ngẫm 5 chỉ vàng bây giờ kiểu gì cũng hơn đứt bộ ba kinh hoàng ác mộng này.
- 5 chỉ vàng của cô không mua nổi một cái chân sập của tôi đâu cô ạ!
Tôi trợn tròn mắt hết nhìn ông rồi lại nhìn bố. Bố tôi nhún vai bảo tôi ngốc nghếch thế thì đúng là đừng nên lấy chồng sớm làm gì.
Mãi sau đó tôi mới biết, chỉ riêng cái sập chân quỳ được làm từ gỗ cẩm đỏ nguyên khối của ông nội đã đáng giá bằng cả một căn nhà rồi. Quả đúng là 5 cây vàng chẳng mua nổi thật. Không ngờ bộ ba ác mộng của chị em tôi lại đáng giá cả một gia tài như thế.
Mạn Ngọc