Năm ngoái, tôi thưởng cho bản thân món quà lớn: về nhà sớm và đi chợ quê sắm tết cùng mẹ. Chợ tết Nghi Hợp (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) quê tôi bé xinh, họp vào ngày chẵn âm lịch, dành cho người dân mấy xã lân cận.

Mẹ tôi cũng như bao người khác ở quê - chắt chiu dành dụm từng đồng để mua đồ tết. Ngoài 20 tháng Chạp, chợ tết đã đông vui, nhộn nhịp.

leftcenterrightdel
 Một góc chợ quê ngày tết (xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An)

Từ 25 tết, chợ quê đông đúc thêm nhờ những người ở xa về, mang theo sự tươi mới và lạ lẫm. Họ khoác lên mình những bộ quần áo hợp mốt, những kiểu tóc rất lạ mà ở quê nhà chẳng bao giờ được nhìn thấy. Cái chợ đượm hương đồng gió nội như được thổi một luồng sinh khí mới sống động. Tôi thích ra chợ vào những ngày này để ngắm các anh chị mưu sinh tứ xứ về quê ăn tết.

Ngày còn bé, tôi thường khép nép theo mẹ đi chợ tết. Mẹ dặn phải nắm lấy tay mẹ kẻo bị lạc, bởi vì chợ tết đông lắm, lại toàn người lạ. Tôi bám lấy mẹ không rời nửa bước. Những ngón tay tí xíu kẹp chặt vào gấu áo mẹ, vì sợ nếu lạc thì tôi không biết ăn tết với ai, ngủ ở đâu, đói rét thì làm sao…

Tôi ngoan ngoãn theo mẹ từng bước chân. Thế nhưng, thi thoảng, do mải ngắm những món đồ lạ mắt, tôi buông gấu áo, khiến mẹ hốt hoảng gọi lớn tên tôi giữa chợ và mừng rỡ khi nhìn thấy tôi. Lớn hơn một chút, tôi vẫn nắm chặt tay hay gấu áo mẹ, nhưng mắt và hồn vẫn dán vào những câu đối, bức tranh, bình hoa… đẹp mê li.

Tôi nhớ có 1 lần, khi mẹ đang mua quế thì người bán hàng thương mến cắt cho tôi một miếng quế, bảo là cháu ăn đi cho ấm. Đôi hàm răng tôi đánh lập cập, tay chân, mặt mày tím tái được sởi ấm bằng vị cay nồng ấm của quế. Tôi yêu quý người bán hàng vì món quà nho nhỏ, ấm áp. Thi thoảng gặp họ ngoài đường, tôi lễ phép chào. Họ chẳng nhớ tôi, còn tôi thì vị cay của món quà họ cho mãi vẫn còn vương trên đầu lưỡi, như một ân tình.

leftcenterrightdel
 Mẹ của tác giả (đứng giữa) đang chọn mua lá dong

Năm ngoái, tôi đi sắm tết cùng mẹ và chị gái ở cái chợ nhỏ in hằn trong từng nếp gấp ký ức của tôi. Mọi thứ cứ như ngày hôm qua. Tôi nhớ giấc mơ năm nào nên xúng xính diện chiếc áo lông và chiếc váy dạ. Mẹ đi trước, tôi lại khép nép theo sau, không phải vì sợ lạc mà vì tôi muốn được bé lại như thuở nào bên mẹ. Tôi và chị ngồi phía sau, ngắm mẹ khoan thai sắm tết.

Mẹ mua ít lá dong, gừng, hành, rau cải về muối dưa. Bàn tay mẹ lựa từng món đồ cẩn thận như hàng chục năm qua vẫn thế. Nhờ bàn tay đó mà nhà tôi dù nghèo vẫn được vun vén, ấm no. Sẽ chẳng còn nhiều thời gian để tôi có thể ngắm nhìn mẹ đi mua sắm như thế này nữa đâu. Biết đâu chỉ còn mấy cái tết, đếm trên đầu ngón tay…

Giờ thì tôi xách đồ chứ không phải mẹ “xách” tôi khỏi mọi sự hút hồn như ngày bé. Người đi trên đường làng ai cũng ngoái lại nhìn 3 mẹ con tôi đang thả bộ. Họ đi qua, để rớt lại câu nói: “Năm nay con gái về ăn tết vui quá bà hề” (“hề” là từ đệm địa phương, như là “nhỉ”). Mẹ không giấu được nét mặt hạnh phúc, giọng cười vang như cả đời mẹ vẫn cười thế. 

Thế đấy, bao nhiêu cái tết tôi về vào ngày cuối của năm cũ, có khi đã sang năm mới, thậm chí nhiều năm không về. Tôi thường nghĩ, về tết được mấy hôm, tốn kém gấp đôi, gấp ba ngày thường. Nhiều cái khó ngăn cản bước chân về quê của bao đứa con tha phương. Nhưng điều thôi thúc mọi người xa xứ vượt qua bao trở ngại để về tết đó là niềm vui của cha mẹ già khi thấy con về lại. Cha mẹ không cần quà cáp, tiền bạc, chỉ cần sự hiện diện của các con. Như mẹ tôi, chỉ mong chờ ngày đi chợ tết cùng con gái.

Năm nay kinh tế khó khăn, sẽ rất nhiều người con tha hương ngậm ngùi không về quê ăn tết được. Cha mẹ khó lòng toại nguyện về một cái tết có con cái tề tựu đủ đầy. Tết là đoàn viên, sum họp, nhưng cuộc sống đôi khi thổi những cơn gió trái lòng người.

Âu cũng là một nốt lặng trong bản giao hưởng cuộc đời, để chúng ta hiểu sâu sắc hơn giá trị tình thân; cũng là để chúng ta trân quý hơn những giây phút hiếm hoi, tết sum vầy cùng cha mẹ. 

Theo phụ nữ TPHCM