Gregg Garfield nhập viện điều trị do bị nhiễm nCoV sau chuyến đi Italy hồi tháng 2, khi quốc gia châu Âu này vẫn là điểm nóng đại dịch toàn cầu. Ông được cho là "bệnh nhân số 0" tại Trung tâm Y tế Providence St. Joseph ở Burbank, cách thành phố Los Angeles khoảng 16 km về phía bắc.
"Tôi phát bệnh và hệ thống miễn dịch đã ăn tươi nuốt sống tôi", Garfield kể lại. Các bộ phận cơ thể của Garfield bắt đầu sụp đổ dần khi hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh với virus.
Ông được đặt nội khí quản và phải dùng máy thở trong suốt 31 ngày. Garfield ngày càng trở nên bi quan về cơ hội sống sót của mình, khi bị suy thận và huyết áp tăng cao, làm thay đổi màu da trên ngón tay.
Stephanie Garfield Bruno, em gái của ông, cho biết 4 phần khác nhau trong phổi của anh trai mình đã bị tổn hại và ông không thể đi lại. Các bác sĩ đánh giá ông chỉ có 1% cơ hội sống.
Tuy nhiên, Garfield cuối cùng đã chiến thắng căn bệnh. "Một ngày nọ, bác sĩ bước vào và nói 'Anh là một kỳ tích. Xét về mặt y khoa, lẽ ra anh đã không trụ được'", ông kể. Garfield được xuất viện hôm 8/5.
Khi bắt đầu quá trình hồi phục, Garfield nói rằng nhiệm vụ của ông là cảnh báo cho mọi người biết mối đe dọa từ nCoV.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 4,3 triệu người nhiễm và hơn 293.000 người tử vong. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 1,4 triệu ca nhiễm và hơn 83.000 ca tử vong. Nước này đã thực hiện hơn 9,3 triệu xét nghiệm, trong đó 14,4% cho kết quả dương tính.
Thống đốc California Gavin Newsom hôm 12/5 công bố hướng dẫn mới cho các nhà hàng, trung tâm và văn phòng ở California để bắt đầu mở cửa trở lại trong những tuần tới. Tính đến ngày 10/5, California ghi nhận gần 71.000 ca nhiễm, trong đó hơn 2.800 người đã tử vong. Đây là một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh ở Mỹ.
Theo vnexpress