Trong bữa cơm tối, chị dâu mặt nặng mày nhẹ với mẹ tôi, trách cứ sao bà nội không ở nhà chăm cháu. Anh trai làm lái xe đường dài, chị dâu cả ngày bận tối mắt ở xưởng may, cặp sinh đôi mới 2 tuổi đành phải đi gửi trẻ tốn mấy triệu đồng 1 tháng.

Ở quê tôi, hầu như bé lên 4, 5 tuổi mới đến trường mẫu giáo, còn những cháu nhỏ hơn đều để ông bà nội hoặc ông bà ngoại trông giùm. Không ít câu chuyện tranh cãi mẹ chồng - nàng dâu kịch liệt bởi bất đồng quan điểm trong cách nuôi dạy con của 2 thế hệ khác biệt. Bà cưng chiều cháu nên cho ăn bánh kẹo thỏa thê, làm bé bỏ lơ bữa chính dù mẹ cằn nhằn mãi.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Mỗi bữa cơm, trong khi mẹ nghiêm nét mặt thì bà bồng cháu đi khắp xóm vừa dỗ vừa nài nỉ đút từng muỗng thức ăn. Cháu ở với bà, buổi trưa không cần phải ngủ, trước khi ăn chẳng nhớ rửa tay. Đến khi mẹ dạy, cháu lại lờn mặt trốn sau lưng bà. Bà thấy cháu giãy đành đạch khóc mãi nhưng không ai dỗ lại trách mẹ vô tâm.

Nhưng đấy là gia đình hàng xóm, còn nhà tôi lại khác. Thuở nhỏ, mẹ nghỉ học đi bán hàng nuôi đàn em, sau này lấy chồng lại dành cả đời vất vả làm lụng, nuôi con. Tình cảm mẹ dành cho người thân lớn lao như biển trời, nhưng mẹ không hề biết cách thể hiện.

Đối với mẹ, chỉ cần mấy đứa con ăn no, ngủ yên, học hành đầy đủ, đó chính là thương. Mẹ sẵn sàng thức đến khuya để nhận may vài bộ quần áo kiếm thêm tiền đóng học phí hoặc dậy thật sớm nấu bữa cơm nóng cho con ăn sáng đến trường. Nhưng mẹ tuyệt nhiên không ôm ấp hay nói lời yêu thương với con cháu.

Tới khi anh Hai lấy vợ, tôi tốt nghiệp đại học đi làm, mẹ mới được thảnh thơi đôi chút. Mẹ thường ghé ngôi chùa gần nhà từ sớm và tối mịt mới về. Có lần, tôi hỏi ở chùa có gì mà mẹ thích đến vậy. Mẹ chỉ cười bảo ở đó có điều mẹ cần.

Những ngày lễ hay rằm, mùng Một, mẹ đứng bếp nấu cơm chay giúp chùa đãi phật tử. Lúc bình thường mẹ quét lá rụng trong sân, lau dọn bàn thờ lư hương. Lúc rảnh rỗi thì nghe sư thầy đọc kinh hoặc trò chuyện với mấy bà bạn già cùng làm việc thiện. Ở chùa giúp tâm mẹ tịnh, lòng an ổn và vui khỏe hơn.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Chị dâu cứ trách mẹ mãi, việc thiên hạ thì sốt sắng, chuyện con cháu lại bỏ bê. Tôi thật mong chị hiểu được, rằng con ai sinh ra thì chính người ấy phải chăm sóc. Một số người chạy theo con cái suốt mấy chục năm, tới lúc con có hạnh phúc riêng thì như mất đi động lực hoặc mục tiêu sống. Nên họ phải bám víu cảm xúc của con cái để vượt qua những năm cuối đời. Hoặc có người lại tiếp tục lấy cháu làm niềm vui, chăm cháu để con cái dư dả thời gian tập trung cho công việc. Nhưng không nên gán điều đó thành trách nhiệm hay gánh nặng đặt lên vai cha mẹ già.

Mẹ tôi không biết kể chuyện cổ tích cho cháu nghe, nhưng điều đó đâu phải vì mẹ không thương cháu. Chỉ là, cả đời mẹ đã sống vì anh em tôi rồi, phải đến lúc mẹ dành thời gian cho bản thân. Thật may mắn vì mẹ đã tự tìm thấy niềm vui cho riêng mình và chọn cách sống đó. Thay vì quanh quẩn ở nhà trông cháu, giữ nhà, thui thủi đợi con đi làm, đợi cháu đi học về thì mẹ đã bước ra ngoài để gặp gỡ bạn bè, thăm thú này kia, làm điều mẹ thích.

Yêu thương là hãy để cha mẹ được tự do và hạnh phúc. Con cháu sống tốt và tự lập, đó mới là cách báo hiếu thực sự ý nghĩa. Khi cha mẹ đã sang dốc bên kia của cuộc đời thì chúng ta mới bước lên hành trình nuôi dạy con cái mà cha mẹ đã từng trải qua. Thời gian của ta có ý nghĩa, thì thời gian của cha mẹ lúc này lại càng quý giá hơn bao giờ hết. 

Theo phụ nữ TPHCM