Đối với trẻ con, dù nhà nghèo đến đâu, mọi vật dụng sơ sài, tối giản đến đâu, vẫn sẽ luôn có những kho báu được cất giữ riêng trong một góc nhỏ bí mật. Với chị em tôi, chiếc hộp giấy dùng để đựng áo quần chính là thế giới riêng tư mà người ngoài không có quyền xâm phạm.
Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm. Gian nhà trên kết cấu theo kiểu 3 gian, mái lợp tranh, 4 vách tường là phên đất trộn với rơm. Những tấm tôn mỏng được cha tôi khéo léo đo đạc, gò vào cùng những thanh tre làm thành cửa chính, cửa sổ có chốt gỗ gài ngang. Riêng gian nhà dưới - nơi mẹ và mấy chị em tôi ngủ nghỉ, sinh hoạt thì chỉ có mái lợp và 3 bức vách bọc lấy 3 phía, phía trước trống rỗng, mưa gió mặc sức lùa vào.
Mỗi mùa mưa đến, mùi gỗ mục trong gian bếp, mùi rơm, bùn đất cộng hưởng với mùi dầu lửa còn váng vất đâu đó trong không gian, tạo nên một thứ mùi hỗn hợp ẩm thấp, mốc meo.
Mọi ngóc ngách từ gian trên xuống gian dưới đều thiếu thốn, sơ sài. Riêng mấy chị em tôi, suốt những năm cấp I, chúng tôi chưa bao giờ được mẹ may cho dù chỉ là 1 chiếc áo mới. Chúng tôi toàn mặc lại áo quần từ thiện, biếu tặng từ mấy người họ hàng, làng xóm thân quen. Những bộ áo quần to nhỏ, rộng chật, lem màu, chùng nhão lần lượt được xếp gọn thành chồng rồi đặt vào những chiếc hộp giấy vốn là thùng mì tôm.
Có khi, mẹ tôi xin được những chiếc hộp kích thước lớn, cứng cáp, 4 góc chưa bị xô lệch, khiến chị em tôi cãi nhau ồn ã vì ai cũng mong được xí phần.
Ngày tháng trôi qua, dáng vẻ ban đầu của những chiếc hộp giấy dần bị biến dạng. Lớp giấy màu vàng, sáng và láng mịn bọc bên ngoài cũng ngả dần sang nâu đất. Đôi chỗ còn loang lổ vì dính nước, dính bẩn, 2 cánh giấy làm nắp đậy bên trên cũng nhàu nhĩ vì bị lật vào, giở ra quá nhiều lần. Mẹ tôi lại phải xoay xở mang về từ đâu đó những chiếc thùng mới để thay.
Bây giờ nghĩ lại, tôi không còn nhớ chị em tôi thời đó đã từng được mẹ phát cho bao nhiêu cái hộp giấy để làm thành chiếc tủ đựng áo quần của riêng mình. Điều tôi nhớ mãi là ánh mắt hân hoan, háo hức của mỗi đứa khi đón từ tay mẹ chiếc vỏ hộp còn mới, vuông vức, dậy mùi giấy thật thơm. Vỏ thùng mì tôm có mùi thơm dịu đúng như hương vị của tinh bột và tôm khô. Vỏ hộp đựng dụng cụ y tế thường có những ký hiệu bên ngoài là chiếc dù và 1 cái ly, báo hiệu hàng cần nhẹ tay, tránh ẩm và có mùi nồng nồng như mùi cồn hay thuốc sát trùng. Vỏ hộp sữa bột lại có mùi béo ngậy, gây cảm giác thòm thèm, thương nhớ.
Những đôi bông tai, chiếc kẹp tóc do bà sắm cho mỗi lần đi chợ huyện được tôi gói ghém cẩn thận rồi giấu vào góc hộp. Em gái tôi lại khư khư giữ những chiếc nút áo, que kem dưới vài lớp áo quần. Rồi những trái ổi, trái na chín rục khi ngào ngạt, khi chua lòm thu hút từng đàn kiến đen, kiến đỏ là sản phẩm sau những lần đãng trí của cậu em út nhà tôi.
Bây giờ, cuộc sống khấm khá hơn, những chiếc tủ áo quần bằng gỗ, bằng nhựa cao cấp không còn là mặt hàng xa xỉ. Chiếc tủ có thể là vật sở hữu riêng, nhưng cũng có thể dùng chung cho vài thành viên trong gia đình. Riêng những chiếc vỏ hộp giấy thì dù lớn dù nhỏ cũng không còn quý hiếm nữa. Sau vài lần sắm sửa ti vi, tủ lạnh, máy giặt, cây lau nhà, lò vi sóng là nhà kho sẽ chất chồng những chiếc thùng với nhiều kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc.
Thỉnh thoảng, tôi cũng có ý định soạn sửa những chiếc thùng giấy, mang đi thanh lý hết cho những người chuyên thu mua ve chai, phế liệu. Thế nhưng, mỗi lần đứng trước gian phòng, ngửi mùi thơm tỏa ra dìu dịu từ chúng, tôi lại núm níu như muốn giữ lấy kỷ niệm về những chiếc hộp thơm mùi giấy mới bâng khuâng.
Theo phụ nữ TPHCM