Đêm 5/8, tài xế Bùi Han Su, 34 tuổi, đưa chiếc taxi của mình vào sân nhà, khóa cổng và chuẩn bị đi ngủ thì đột nhiên điện thoại đổ chuông. Đầu dây bên kia là người đàn ông xưng tên là Sỹ, giọng gấp gáp trình bày việc vợ mình chuyển dạ sinh con, đã vỡ ối và nhờ anh trợ giúp để đến bệnh viện gấp.
Han Su không kịp nghĩ nhiều, lên xe nổ máy lao đến địa chỉ của cặp vợ chồng trên đường Hồ Học Lãm, phường Mân Thái, quận Sơn Trà. Gặp người chồng dìu vợ ra, anh Su "mắng" ngay là đã biết số điện thoại nhóm từ trước sao không gọi mà để đến lúc vỡ ối mới báo. Trên đường đi, chồng sản phụ phân trần, vợ chồng anh là công nhân, một phần nghĩ vợ chưa đến ngày sinh, một phần ráng chờ đến ngày công ty thanh toán lương, có tiền mới đến viện không ngờ vợ chuyển dạ sớm.
Đưa cả hai người nhập viện xong, Han Su còn phải thức đến 1 giờ sáng để lau dọn băng ghế và khử trùng chiếc xe. "Tuy có hơi mệt nhưng sáng ra nhận được tin nhắn của anh Sỹ báo tin mẹ tròn con vuông, bé trai nặng 3,2 kg, chào đời sau khi tới viện khoảng 20 phút, mình cũng không còn giận họ nữa, cảm thấy việc đang làm thật sự có ý nghĩa", Han Su cười.
Bùi Han Su là một trong hơn 60 tài xế taxi công nghệ tình nguyện tham gia đội xe miễn phí chuyên phục vụ các "mẹ bầu đi sinh" của Trần Ngọc Vũ, 29 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Các tài xế này ở rải rác khắp 7 quận, huyện của Đà Nẵng và một số huyện của tỉnh Quảng Nam.
Trưởng nhóm Trần Ngọc Vũ kể, khi Covid -19 bùng phát ở Đà Nẵng, anh đã lập tức kêu gọi bạn bè quyên góp hỗ trợ thực phẩm cho người khó khăn, các y bác sĩ. Ngoài ra, anh cũng nhận chở hàng hóa tiếp tế của mạnh thường quân đến bệnh viện. Nhưng chỉ sau 3 ngày, nhóm của anh không còn đủ kinh phí để hoạt động.
Giữa lúc đó, Vũ vô tình thấy một số phụ nữ đang mang bầu chia sẻ về việc sắp đến ngày sinh nhưng họ không biết đến viện bằng cách nào khi thành phố đã cấm xe taxi hoạt động. Từng đưa vợ đi sinh, chàng trai trẻ hiểu rằng những bà bầu chuyển dạ cần đến viện kịp thời để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
"Lúc chuyển dạ rất đau đớn, lại thường vào ban đêm, đồ đi sinh mang theo cồng kềnh, đi xe máy rất nguy hiểm", Ngọc Vũ nghĩ.
Vậy là ngày 28/7, Vũ bắt đầu chia sẻ ý tưởng của mình với những người bạn tài xế và được mọi người hưởng ứng. Ba ngày sau, khi đã tổng hợp được danh sách, phân chia địa bàn theo nơi sinh sống của những thành viên, Vũ bắt đầu công khai hoạt động của nhóm lên Facebook và được cộng đồng mạng lan tỏa rất nhanh.
Chiều 1/8, Vũ chạy chuyến đầu tiên, trực tiếp đưa một thai phụ ở phường Hiệp Hòa Nam đến bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng ở quận Ngũ Hành Sơn an toàn. Anh cũng không quên dặn người nhà lúc nào xuất viện cứ gọi điện anh sẽ đến đón về.
"Không chỉ có anh em trong nhóm, nhiều tài xế mình không quen biết cũng nhắn tin tình nguyện tham gia hoạt động này. Ban đầu, nhóm chỉ có 4 người nhưng sau mấy ngày hoạt động, đã có trên 60 tài xế ở Đà Nẵng và Quảng Nam tham gia, hỗ trợ hơn 50 mẹ bầu đến viện sinh nở an toàn", Ngọc Vũ hào hứng kể.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và thực hiện đúng quy định phòng dịch, những tài xế luôn nhắc mẹ bầu mang khẩu trang, rửa tay trước khi lên xe.
Chiều 4/8, chị Trương Thị Châu, 37 tuổi, một thành viên trong nhóm nhận được điện thoại của một cô gái nhờ chở mẹ bị tai nạn trên đèo Hải Vân vừa được đưa xuống khu vực ga Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Sau nhiều lần không gọi được xe cấp cứu, cô gái nói mẹ mình bị thương không cầm máu. Không suy nghĩ thêm, chị Châu cùng chồng lái chiếc xe 7 chỗ từ nhà đến hiện trường đưa người phụ nữ gặp tai nạn đi viện.
"Dù ban đầu chỉ nhận hỗ trợ mẹ bầu nhưng trong những trường hợp cấp bách như thế tôi không thể bỏ qua. Ở các bệnh viện xe cấp cứu đang hoạt động hết công suất, giúp một trường hợp cũng là chia sẻ một phần gánh nặng cho đội ngũ y tế trong thành phố", chị Châu nói.
Nhóm của Ngọc Vũ mong muốn sẽ làm việc này cho đến khi nào xe taxi tại Đà Nẵng được hoặt động trở lại.
"Với cánh tài xế chủ yếu là nam giới như mình, việc nhìn thấy những mầm non tương lai sắp ra đời, thấy cảnh mẹ tròn con vuông là điều mọi người trong nhóm cảm thấy hạnh phúc", ông bố trẻ chia sẻ.
Dù cũng đang thất nghiệp nhưng Nguyễn Anh Vũ, 33 tuổi, một tài xế ở Điện Bàn, Quảng Nam tâm sự: "Mỗi người góp một chút sức nhỏ tùy theo điều kiện của mình thì sẽ không ai bị bỏ lại trong đại dịch. Giữa lúc này chuyện kiếm tiền từ những khó khăn của mọi người không có ý nghĩa chi hết".
Theo vnexpress