Năm ông nội tôi ngoài 80 tuổi, làn da nhăn nhúm, đôi mắt chẳng còn tỏ, đôi tai của ông chỉ nghe được “chữ đực chữ cái”. Vậy mà, ông rất bướng bỉnh, chẳng chịu đeo máy trợ thính, cứ thích hỏi “Cháu nói gì đó? Nói lại cho ông nghe xem nào?”.
Mỗi lần như thế, tôi bực bội, không lặp lại cho ông nghe, mà chạy đi chỗ khác. Dẫu vậy, ông vẫn luôn hiền từ ôm lấy tôi, hôn lên gò má của đứa cháu 5 tuổi lì lợm. Nhỏ quá, tôi đâu biết rằng, ông tham gia chiến đấu chống Mỹ, nghe tiếng bom đạn cháy nổ nhiều năm trời ngoài chiến trường nên đôi tai ông không còn tốt như trước nữa.
|
|
Tác giả lúc 5 tuổi (bé nhỏ) cùng với ông bà nội |
Trong tâm trí của đứa con nít 5 tuổi, tôi nhớ ông nội luôn ngồi đợi ở hiên nhà từ sáng đến chiều chỉ để được gặp tôi đi học về. Lúc nào ông cũng chào đón đứa cháu nhỏ bằng câu: “8 tiếng rồi tôi mới được gặp cháu tôi”. Vậy mà, đối với tôi khi ấy, câu nói đó thật bình thường và nhàm chán, sao ông cứ nói hoài một câu như vậy chứ.
Tôi càng lớn, ông càng yếu. Đến khi ông chẳng còn sức để ngồi đợi tôi đi học về nữa, tôi mới bắt đầu cảm thấy thiếu thiếu một thói quen nào đó. Đối với tôi, ông như cái đồng hồ vậy, cứ đến giờ thì ông lại kêu tôi thức dậy, cứ đến giờ ông lại bảo tôi ăn. Ông nói nhiều đến mức, tôi quên luôn cách xem đồng hồ vì tôi ỷ lại rằng lúc nào cũng có ông bên cạnh nhắc nhở.
Sau một cú trượt ngã, ông tôi từ một người có thể đi bộ nhanh hơn tôi, phải nằm mãi trên chiếc giường gỗ suốt 2 năm trời. “Con ơi, để ba tự ăn được rồi, con đi nghỉ ngơi đi. Làm việc cả buổi rồi con à”. Đó là câu nói bữa cơm nào tôi cũng nghe ông nói với mẹ. Ông sợ mẹ tôi mệt mỏi khi phải bón cơm cho ông. Ông sợ mẹ tôi sẽ đói xỉu khi phải đợi ông ăn hết. Ông luôn cố nuốt thật nhanh để mau chóng ăn hết phần cháo đầy ụ mà mẹ tôi nấu. Kể cả khi ông chẳng thể đi đứng làm gì được nữa, sự quan tâm hàng đầu của ông vẫn là con cháu chứ không phải bản thân ông.
Những ngày tháng trong suốt 2 năm đó, tôi đã học lên cấp III, thời gian tôi ở nhà ngày càng ít. Ngoài giờ học, tôi lại cùng đám bạn “cà kê dê ngỗng” ở những tụ điểm nào đó. Đến tối, tôi lại chui vào phòng lướt Facebook, tám chuyện tiếp cùng chúng bạn. Có khi, cả mấy ngày liền ông chẳng thấy mặt mũi tôi đâu.
|
|
Tác giả vui mừng khi ông nội đã khỏe lại sau một cơn bệnh |
Tôi còn nhớ như in buổi chiều hôm ấy, khi tôi vừa xách cặp về đến nhà, đã thấy người dân trong xóm ùa vào nhà tôi đông như kiến để dán giấy báo khắp các cửa kính, gương soi trong nhà. Tôi hoang mang tìm đến mẹ, vẻ mặt mẹ nặng trĩu, mang dáng vẻ u sầu, tiều tụy. Bà nội ngồi một góc nhà, ôm lấy những chiếc áo sơ mi sờn cũ của ông, 2 hàng lệ cứ rơi mãi. Khi nhìn thấy mọi người trong nhà như thế, tim tôi như chậm mất một nhịp. Trong quang cảnh buồn thiu ấy, tôi nhận ra ông đã theo ông bà tổ tiên về một nơi xa lắm rồi.
Cảm xúc trong tôi như vỡ òa, 2 hàng nước mắt tôi cứ vậy mà tuôn chảy, chẳng thể nào dừng được. Tôi không thể tin ông đã rời xa tôi, bỏ lại tôi ở thế gian này.
Những ký ức về ông ùa về trong đầu tôi như bầy ong vỡ tổ, từng đợt từng đợt vo ve mãi mà chẳng chịu buông tha cho tôi. Tôi hối hận vì không trò chuyện nhiều với ông, hối hận vì khi còn nhỏ luôn bực bội với những lời ông nói. Tôi quả thật là một đứa cháu quá tệ.
|
|
Tác giả nắm tay ông nội ngày ông ra đi |
Bây giờ, thỉnh thoảng trong giấc mơ, tôi vẫn thấy ông tìm đến và nói rằng dù tôi lì cỡ nào, ông vẫn thương tôi nhất nhà. Dẫu chỉ là một câu nói trong mơ, nhưng đối với tôi nó là tất cả. Nó dấy lên trong tôi sự hối hận tột cùng vì những tháng ngày chỉ mãi rong chơi mà chẳng màng đến ông đang chết dần trên giường bệnh đó. Tôi chỉ mong ở một nơi nào đó, ông vẫn sẽ dõi theo từng bước tôi đi và bao dung với đứa cháu ham chơi này.
Theo phụ nữ TPHCM