Thu sang đông của Hà Nội thường để nhớ nhiều nhất với bao người. 

Người ta cố hít hà những hương hoa sữa còn vương vương, cố tận hưởng chút nắng hanh vàng, cho hoa thắm sắc, cho sắc mặt tươi hồng để rồi nay mai đông gõ cửa, son môi phải thắm, áo mang phải nhiều hơn. 

Trong cái giao mùa này quán cóc, trà lá vỉa hè có lẽ là nơi dễ giao cảm nhất với mùa. 
Người đi xa về, trong cái hanh hao vẫn gọi một cốc trà đá. 

Cốc trà đá thực mát kia xua tan cái mỏi mệt của đường sá chặng dài, để họ tĩnh tâm, nhìn thấy mùa thu đi trên vòm lá, thấy đâu đó mùa đông đang về. 

Kẻ nhàn tản hơn thì lại chọn cho mình một cốc trà nóng hổi. 

Chầm chậm nhìn dòng người qua lại, họ đang phải suy tính, công việc, thu nhập và những mối quan hệ thân sơ. 

Trong quán trà bên đường, dưới gốc cây, hay chân cột điện, người chỉnh trang, bảnh bao cũng có, kẻ vội vàng, tất bật cũng nhiều. 

Họ ùa đến, người thì ồn ào với những câu chuyện không dứt từ trên xe bus hay đâu đó, người lại ôn tồn tiếp nối câu chuyện từ sách vở, bản thảo.

Những đến đi, được mất tươi nguyên đây. 

Họ kể về tối qua mất ngủ, viết cho xong, họ lại kể về lương chưa đến tháng đã khoản nào vào khoản ấy. 

Đôi cô gái dí dủm nhìn vào điện thoại chọn một mẫu váy mới.

Thanh tân thường mặc gì cũng đẹp. Họ buông máy, nhìn ra xa, cơ hồ nghĩ về ai đó hay chỉ là về một màu áo cho mùa mới.

Dòng người qua lại nhiều hơn, chắc đến giờ ăn trưa. 

Đã qua nửa ngày, phích nước sôi được thay đến vài lần, chẳng ai để ý, chỉ có ông lão bán hàng là biết lượng khách thế nào. 

Bà tay rót, tay thu tiền tơi tới cũng mới biết hàng mình còn những gì và cần lấy thêm những gì khi quá trưa người giao hàng đem tới những kẹo cao su, bánh ngọt và đôi hộp sấu hay me. 

Cũng là đã đến ngày tiền điện phải đóng, rảnh tay, bà chọn những đồng tiền chẵn cất riêng. 

Bà mong giời cho khỏe, kiếm thêm được ngày nào hay ngày ấy, vừa vui vẻ lại đỡ đần được con cái, hoặc chí ít có ốm đau cũng không phải làm phiền con cháu. 

Những tưởng trà đá chỉ là những câu chuyện nho nhỏ, nhưng xem ra cơm áo, gạo tiền xung quanh cái bàn nhỏ và đám ghế nhựa cũng luôn đầy ắp.

Quán khác, đắc địa, dưới gốc cây bàng tán rợp, có chỗ để xe máy thỏa mái, phố này không đông, con phố đẹp của thành Thăng Long cổ, tường thành rêu phong, chè ngon, cảnh đẹp. Quán hàng chị hút khách bởi có chỗ để xe, đủ ghế ngồi, ghế kê để cốc nước đĩa hướng dương. Chị tới tấp rót nước cả ngày không ngơi tay. Dù quán hàng chị gần bến bus nhưng chị biết, khách quán chị xa gần về đây nhiều, người ta thích ngồi chỗ này ngắm cảnh xa gần. 

Mùa này con phố đẹp, dưới tán lá, chẳng phải nheo mắt nhìn nắng vàng như mật ong, mà thấy lấp lánh những xưa cũ trong cổ thụ, rêu phong, trong cái không gian in dấu chặng dài lịch sử đô thành. Chầm chậm nghĩ suy để thấy một cái tôi hiển hiện, có khi đủ để nhắc nhớ người ta khắc một dấu ấn của riêng mình vào những tháng năm. Hay đủ để thấy mình trong chặng đường đã qua với những buồn vui thành thật, để rồi bước tiếp.

Nghìn năm trước, đất này đã được chọn xây thành, di chỉ còn đây. Những gác những lầu kia đã cũ mà tươi màu sơn mới. Người ta giữ, để còn tìm thấy quá khứ, tìm thấy những ngày xưa, sống động trong con chữ, trong hình ảnh. 
Chén nước chè  thơm trong nắng, người ta nhấp một ngụm nhỏ rồi nhìn ra xa, trong màu xanh của lá nhuốm vàng, đôi cánh hoa trái mùa vẫn nở. 
Lại một mùa thu qua, những bước chân thiếu nữ vẫn in gót giày trên phố. 
Họ đem về, hay gửi vào đây nhờ cất giấu một chút thanh xuân của mình. 
Là nụ cười, là tóc ngắn, là áo dài và một cái gì đó như thể tình đầu. Con phố  này cất giữ, cất để bao giờ cần, trở về thì trả lại. 
Chẳng thế mà đám trung niên vẫn tìm màu áo xưa, thứ tự xưa để chụp lại tấm ảnh góc cũ như thủa nào xa lắc.

 Người qua, người lại, tiếng cười và cả những giọt nước mắt, cho mùa sang, hay cho hoài niệm. Đám áo dài sà xuống gọi nước uống lao xao. Họ kể ngày qua, họ kể về những ước vọng. 
Tuổi trẻ chạm vào ước mơ nhanh nhất thì phải? Chẳng mấy sang mùa, lại có người tính tuổi khi mùa sang, có người thì khẽ chạm vào kỉ niệm để rồi chờ mong. 

Nguyễn Minh Hoa

                                                                                                            Theo Người Hà Nội