Ngày 24/1, họ trở về sớm từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để quay lại làm việc tại bệnh viện Đồng Tể cách ga tàu 5 km, nhưng họ không thể nào đến đó vì "tay xách nách mang" nhiều hành lý.
Nhìn thấy lời thỉnh cầu giúp đỡ trên mạng, Chen Hui, cư dân Vũ Hán 53 tuổi, đeo khẩu trang đến đón họ tại nhà ga, nằm khá gần chợ hải sản Hoa Nam, được cho là nơi bùng phát dịch viêm phổi corona (Covid-19).
|
Tình nguyện viên mang thịt và rau đến tặng công nhân xây dựng bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán ngày 11/2. Ảnh:Reuters. |
Thành phố 11 triệu dân Vũ Hán bị tê liệt vì các biện pháp hạn chế giao thông của giới chức nhằm tránh lây lan virus. Khi các phương tiện công cộng, taxi và ứng dụng gọi xe ngừng hoạt động, những người dân bình thường đang mạo hiểm sức khỏe để đưa nhân viên y tế đi làm và vận chuyển nhu yếu phẩm như thực phẩm và khẩu trang. Họ được coi là những người giữ mạch sống cho Vũ Hán.
"Qua dịch bệnh này, tôi thực sự cảm thấy người Vũ Hán rất đoàn kết. Mọi người trong nhóm đều có ý thức trách nhiệm mạnh mẽ", Chen nói. Bà điều hành một nhóm trên WeChat, gồm những người tình nguyện lái xe hỗ trợ y bác sĩ.
Họ làm việc nhiều giờ một ngày, một số người ở nơi khác cũng chung tay giúp đỡ. Shen Honghua, ở tỉnh Chiết Giang, hàng ngày ngồi trước máy tính và hai chiếc điện thoại để tìm phòng khách sạn cho hàng nghìn nhân viên y tế đến Vũ Hán. "Tôi thức đến 3,4 giờ sáng", cô nói.
Số ca liên quan đến nCoV tại Việt Nam
Cập nhật: 09:00, 17/2Nguồn: Bộ Y Tế
Công việc của tình nguyện viên chứa đựng rủi ro vì họ tiếp xúc với những người trên tuyến đầu chống dịch. Nhiều tình nguyện viên sử dụng bí danh và phải giấu người nhà vì họ có thể bị can ngăn tiếp tục công việc. Một số người đã bị lây virus khi làm việc. Tỉnh Hồ Bắc nhiều lần cảnh báo về tình trạng thiếu thiết bị y tế, bao gồm khẩu trang, mặc dù Bắc Kinh đã khuyến khích các hãng đẩy mạnh sản xuất.
Một tình nguyện viên giấu tên 50 tuổi không nói cho gia đình biết công việc của mình. Ông đeo khẩu trang mua từ cửa hàng tạp hóa khi chở y bác sĩ đến và rời khỏi chỗ làm.
"Sau khi lên xe, họ nói rằng khẩu trang tôi đeo chưa đạt chuẩn", ông kể lại một trong những chuyến đi đầu tiên của mình. Giờ ông làm công việc chuyển thực phẩm, vật tư y tế và đồ bảo hộ được ủng hộ cho những tình nguyện viên khác, cũng như những người có thành viên gia đình nhiễm nCoV.
Gia đình Chen phát hiện ra công việc của bà khi con gái gọi điện vào lúc bà đang đi giao hàng. Nghe thấy tiếng ồn qua điện thoại, con gái nghi ngờ bà đang ở bên ngoài và gặng hỏi đến cùng, yêu cầu bà gọi video. Chen không còn lựa chọn nào ngoài nói ra sự thật.
"Con bé nói với tôi: 'Mai mẹ có đi ra ngoài nữa không? Nếu mẹ còn đi nữa thì con sẽ không đeo khẩu trang rồi cứ đứng trước cổng tòa nhà để bị nhiễm bệnh. Nếu mẹ chẳng may bị nhiễm bệnh thì con biết sống sao?", Chen kể.
Theo vnexpress