Chiều 25/12, hầu đồng - một nghi thức trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt - lần đầu tiên được tổ chức diễn xướng tại phủ Tây Hồ (Hà Nội).
Chương trình được Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam kết hợp cùng hai đơn vị là Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam và Tiểu ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ phối hợp thực hiện.
Hàng trăm người dân, cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại Hà Nội và các địa phương lân cận tới dự, thưởng lãm.
Trong buổi sáng cùng ngày, ban tổ chức đã có buổi toạ đàm khoa học về việc xúc tiến quảng bá thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt với sự tham gia của các nhà khoa học, nghiên cứu văn hoá, cộng đồng thực hành tín ngưỡng, các đơn vị quản lý nhà nước về văn hoá.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 1/12, tại phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO (Ethiopia).
Trước đó, di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đã được Việt Nam đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013.
Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, đây là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh.
Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.
Người có vinh dự lần đầu tiên thực hầu thánh tại phủ Tây Hồ là thanh đồng Trần An Đức Hạnh.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo.
Trước đó, nhã nhạc cung đình Huế, nghi lễ kéo co, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, Hội Gióng, hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đờn ca tài tử Nam Bộ, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại thứ 11 Việt Nam được phân bố ở nhiều địa phương gồm Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, TP.HCM. Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.
Theo zing.vn