Một ngày đầu tháng 3, tôi có dịp vào bệnh viện Từ Dũ công tác và được sắp xếp vào chứng kiến ca sinh đôi bọc điều của một sản phụ độ tuổi khoảng 30.

Cô ấy nằm trên bàn mổ, chụp tai chiếc máy nghe nhạc để thư giãn và bớt căng thẳng hơn. Những công đoạn chuẩn bị từ dao, kéo và các dụng cụ cần thiết cho ca mổ sản phụ sinh đôi này được tiến hành hoàn tất cũng là lúc thuốc tê phát huy hiệu lực.


                                                                                                               Người mẹ đã "vượt cạn" một mình để có chúng ta trên cõi đời này. Ảnh: Tam Nguyên


Như biết được mình sắp phải “vượt cạn”, tay sản phụ run lên bần bật, huyết áp tăng cao, và không ngừng nói: “Bác sĩ ơi, nắm lấy tay em, em lạnh quá”.

Câu nói ấy dội vào tim tôi, khi tôi chợt nhận ra, tuy phòng mổ đông người, nhưng cô ấy đang rất cô độc, cô ấy đang phải chiến đấu một mình, chiến đấu vì 2 đứa con thơ chỉ còn vài phút nữa sẽ ra đời và chiến đấu vì tình mẹ. Một trợ lý đã kịp thời trấn an và nắm lấy tay cô, cô dần ổn định trở lại.

Đứa trẻ thứ nhất, rồi đứa thứ hai lần lượt ra đời, cô được mở tai nghe, để nghe tiếng khóc đầu đời của con, tiếng khóc trẻ sơ sinh xé tan cái tĩnh lặng của phòng mổ, khiến mọi người thở phào. Trong tiếng khóc ấy, tôi bắt gặp nụ cười yếu ớt của người mẹ cùng hai hàng nước mắt tuôn ra vì hạnh phúc và chắc cũng là vì quá sợ những gì vừa xảy ra trên bàn mổ.


                                                                                                                Tiếng khóc đầu đời của con làm mẹ như quên hết đau đớn, sợ hãi. Ảnh:  Tam Nguyên


Bác sĩ trưởng ekip mổ ghé vào tai tôi: “Nhìn cảnh này hãy thương vợ, cô ấy đã phải hy sinh rất nhiều”.

Tôi trộm nhìn qua người sản phụ đang ôm hai con vào lòng, nước mắt hạnh phúc cứ tuôn rơi. Tôi biết người sản phụ đang rất hạnh phúc.

Tôi chợt nhớ lại, cách đây không lâu, có người đã nói với tôi, sinh nhật bạn, không phải là ngày để bạn đòi quà hay chờ quà từ những người bạn, những người thân trong gia đình mà đấy là ngày để bạn dành thời gian để cảm ơn mẹ - người là “đi biển một mình” để có chúng ta trên cõi đời này.

Đến khi tận mắt chứng kiến giây phút một mình ấy, không hề có sự bám víu nào, tôi mới nhận ra, để có chúng ta trên cõi đời này, mẹ đã đau đớn, đã hy sinh rất nhiều và chúng ta nên làm thật nhiều điều khi còn có thể để cảm ơn công đức sinh thành, cho chúng ta có mặt trên đời.

Theo  phunuonline.com