leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Cây cuốc ba sử dụng nhiều năm, lưỡi sáng bóng nhưng mòn vẹt; còn chỉ nhỉnh hơn bàn tay. Vậy nhưng, với sức một thằng bé con như tôi thì vung lên vẫn nặng trình trịch.

Kệ, ba bảo, cứ chịu khó làm rồi quen. Quen thật. Ngày đầu ráng sức, tối về ngủ, đôi cánh tay mỏi rã rời. Ngày thứ hai ra đồng dở cuốc lên không nổi; cứ vài ba nhát lại phải chống cuốc đứng thở. Sang ngày thứ ba, sức nặng của cây cuốc dường như có giảm đi; nhưng lại ra chuyện khác còn tệ hơn: 2 tay phồng rộp. “Tội nợ” do cây cán cuốc gỗ nhẵn bóng.

Nghĩ nó không làm gì hại da tay nên tôi không chú ý lời ba dặn, cứ bấu chặt 2 bàn tay vào cán cuốc suốt quá trình dở lên cuốc xuống. Mới đầu, lòng bàn tay bị “mài” đỏ ửng, sau đó bắt đầu phù lên những bong bóng nước. Ráng tới ngày thứ ba thì bóng vỡ, lộ ra phần thịt đỏ bên trong, đau rát.

Nhìn đôi bàn tay “thương tích” của tôi, ba chép miệng: ba đã dặn rồi mà không nghe. Thôi, về nghỉ đi, chừng nào lành hẵng làm tiếp. Nghe lời ba, nghỉ vài bữa, thấy tay đỡ đau, tôi đi làm lại. Cầm cuốc, thả lỏng tay như ba chỉ mà bụng vẫn nơm nớp sợ những nốt phồng vừa xẹp sẽ lại… phồng lên.

Vậy nhưng hay thật, lần này tay có hơi đau nhưng không tái diễn vụ phồng. Rồi làm thêm một thời gian, các nốt ấy từ từ cứng lại, chai đi thành một lớp da dày. Ba nắn nắn bàn tay khen: thành “tay nông dân” đích thực rồi. Từ bữa ấy, tôi cầm cuốc, cầm rựa kiểu nào cũng không bị phồng tay nữa.

Mùa gặt, tôi tập sử dụng liềm, cào, gióng gánh. Ban đầu chưa quen, gặt lúa bằng liềm vô ý đứt tay thậm chí đứt… chân là chuyện cơm bữa. Mẹ kêu: ai gặt lúa lần đầu chẳng đứt tay, có gì ghê gớm đâu, vài bữa sẽ lành. Nói để động viên, nhưng mẹ vẫn hướng dẫn lại thao tác gặt lúa cho tôi. Mẹ dặn: ban đầu không nên vội; gặt chậm, chú ý đúng thao tác, từ từ quen tay mới làm nhanh.

Thì ra vậy! Tính tôi nóng nảy, làm gì cũng muốn cho “mau thấy”. Nhưng sau vài lần bị thương thì đã biết sợ, để tâm chú ý làm theo lời dặn của mẹ. Quả nhiên tôi không gặp thêm tai nạn mà tốc độ gặt ngày càng nhanh hơn.

Biết gặt lúa rồi tới bài học gánh lúa. Lần đầu thử cõng gánh lúa trên vai, tôi rùn cổ khom lưng, ráng lết một đoạn đường ngắn đã muốn… quăng bởi vai đau không chịu nổi.

Thấy tôi nhăn nhó, mẹ phán dứt khoát: đã con nhà nông, buộc phải học gánh. Không biết gánh sao thành nông dân. 2 ngày đầu, vai phải tôi đỏ ửng, sưng vun, đụng vào đau tái mặt. Vậy nhưng tôi cố chịu đau, gánh tiếp vài bữa thì dần bớt, rồi chai, tức cơ vai rắn lại, chịu được áp lực của cây đòn gánh mà không sưng.

Cứ tưởng vậy là xong, ai dè mẹ kêu: mới nửa đường thôi, giờ phải tập “trở vai”. Nhuần nhuyễn vụ trở vai (gánh được 2 vai) mới xem như biết gánh lúa. Làm mẫu cho tôi bắt chước, mẹ nhấc gánh lúa lên vai đi vài bước; xong khom đầu từ từ xoay ngang, chuyển đòn gánh từ vai phải qua vai trái trước khi tiếp tục đi, mỏi bên vai này thì trở qua vai kia.

Giờ thì tôi hiểu: thao tác trở vai không khó, mỗi tội… tới phiên vai trái của tôi sẽ phải trải qua cái vụ bị “hành” giống như vai phải. 

Người ta làm được, sao mình không làm được? Tư duy ấy giúp tôi cắn răng chịu đựng thêm nửa đường khổ luyện môn học gánh cho đến lúc “tốt nghiệp” thành một nông dân thực thụ, được mẹ khen: thằng Út coi vậy mà khá, giống mẹ. 

Theo phụ nữ TPHCM