Tuy nhiên, ba mẹ và cả nhà mình mỗi tháng đôi ba lần vẫn ngồi với "món xưa", không quên khoe kiến thức đông y học lỏm từ ông nội: Canh bí đỏ đi với đậu phộng cộng với đường đen là món canh bổ… tùm lum.

Mắt nè, cái gì thiệt nhỏ cũng thấy rất rõ là nhờ canh bí đỏ. Tim mạch nè, nhịp nhàng thông suốt, kinh lạc không bị ứ trệ cũng nhờ canh bí. Đề kháng yếu, mưa nắng thất thường gây mệt mỏi cũng canh bí. Trở trời xương khớp "lạo xạo", cũng canh bí nốt. Mẹ cười, sao ông không nói luôn, lắm khi túng quá, không biết đường nào xoay xở cũng do canh "bí".

Hương vị quê hương: Canh bí đậu đường - Ảnh 1.

Canh bí nấu với đậu phộng, đường đen

HỒ MỘNG THU

Mình còn nhỏ, chỉ học hành, chạy chơi đã rồi vác miệng về ăn thôi. Nhưng bụng mau đói, hay đảo xuống bếp nên mình nhớ mang máng cách chế biến. Chị ngâm đậu phộng vô nước nóng cho mềm rồi cà nát ra. Trước khi ngâm, chị biểu mình ngồi lựa hột đậu to tròn, vỏ sáng để riêng.

Mẹ mình ý tứ lắm, thủ thỉ dạy chị từ dưới bếp dạy lên nhà trên. Nào là mua bí nên lựa "công khai" để chọn loại bí mật (ý là loại bí ngọt như mật). Nào là trái bí phải tròn, nặng, múi bí xoay đều quanh thân. Nào là trái bí không tì vết, không sứt sẹo. Nào là ưu tiên lựa trái bí còn cuống vì có thể để được dài ngày. Mẹ hay giành gọt bí vì chị còn vụng về. Chị gọt nhẹ dao thì vỏ không sạch, có khi dao sượt ngón tay chảy máu. Gọt nặng dao thì thịt bí dính theo vỏ, nửa ký bí giỏi lắm còn… 3 lạng rưỡi. Mẹ gọt vừa nhanh vừa khéo. Miếng bí vuông vức sắc lẹm, đều tăm tắp.

Nhớ có lần ba khen mẹ "4 chữ vẹn toàn". Mình thắc mắc 4 chữ đó là gì? Ba cười khì, nói đó là… "canh bí đậu đường".

Nấu canh bí đơn giản thôi. Nhưng để có nồi canh bí cho ra hồn không hề giản đơn. Trước tiên, phi vài lát hành tím với dầu ăn để tạo chút hương ban đầu. Đổ nước với số đậu phộng đã giã dập vô nồi. Nước sôi, trút bí đỏ hầm tiếp. Lúc miếng bí đủ mềm thì bỏ đường vô. Bớt lửa để đường thấm dần đều. Đây là loại đường đen vì chưa rút mật, ngọt quéo lưỡi luôn.

Múc canh ra để nguội, ăn với cơm hoặc ăn riêng đều rất đậm đà. Miếng bí thì bùi, hạt đậu thì béo, nước thì deo dẻo thơm thơm. Bùi béo dẻo thơm đẫm trong vị ngọt của đường làm cái lưỡi đến là mê man ngây ngất. Vậy nên trong số các món ăn hay hoài niệm dây dưa thì món "canh bí hồi xưa" vẫn thường la cà trong trí nhớ mình nhất.

Theo Thanh niên