7h sáng, Vũ Thế Năng (30 tuổi) đã chuẩn bị xong xuôi, khởi hành đến một bệnh viện ở quận 8 (TP.HCM) cách nhà 30 phút đi xe.

Đến nơi, Thế Năng trao đổi với bác sĩ là người điều phối việc tiêm vaccine của ngày hôm đó về việc phân bổ công việc, thông tin cần nắm. Xong xuôi, anh cùng mọi người mặc đồ bảo hộ, chuẩn bị đợi người dân đến tiêm chủng lúc 8h.

Chiều, khi người dân cuối cùng được tiêm xong, công việc của anh cũng kết thúc. Khử khuẩn cẩn thận, anh mới lên xe trở về nhà.

Hơn nửa tháng nay, đây là thời gian biểu của chàng trai 30 tuổi sau khi tự chữa khỏi Covid-19. Anh đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ công tác điều phối, làm thủ tục, đo thân nhiệt cho người dân đến tiêm vaccine ở bệnh viện.


"Lực lượng nhân viên y tế đang quá tải công việc, rất cần đội tình nguyện viên, nhất là các F0 khỏi bệnh, giúp đỡ. Tôi hy vọng mình có thể góp chút sức lực, san sẻ gánh nặng cho họ", Thế Năng nói với Zing.

13 ngày chiến đấu với Covid-19


Ngày 24/7, cảm thấy mệt mỏi, thân nhiệt cao sau thời gian tham gia một số hoạt động thiện nguyện, Thế Năng chủ động test nhanh Covid-19 và cho kết quả dương tính. Để chắc chắn, hôm sau, anh đến lấy mẫu xét nghiệm tại trung tâm y tế phường và vẫn nhận kết quả tương tự.

Cảm giác hoang mang, lo lắng ập đến. Anh thông báo cho gia đình, bạn bè, những người trong đoàn thiện nguyện đi xét nghiệm. May mắn, mọi người đều không bị lây bệnh.

Nhà chỉ có hai mẹ con, Thế Năng nhanh chóng tự cách ly trong phòng riêng, không tiếp xúc gần với mẹ. Hàng ngày, ngoài việc nấu và đưa đồ ăn tới trước cửa phòng cho con trai, mẹ Năng cũng bồi bổ sức khỏe cho anh bằng nước chanh gừng, nước linh chi.

     Trong thời gian điều trị, Thế Năng chủ động tự theo dõi các chỉ số cơ thể, xông hơi trong lều và bổ sung dinh dưỡng cho đến khi nhận kết quả âm tính.


Quen biết một bác sĩ khi đi làm thiện nguyện, trong thời gian tự điều trị, chàng trai TP.HCM may mắn nhận được nhiều lời tư vấn, hỗ trợ của vị bác sĩ này.

Nhận định việc duy trì sức khỏe thể chất và cả tinh thần sẽ là chìa khóa giúp bản thân sớm chiến thắng virus, mỗi ngày, Thế Năng chủ động xông mũi bằng nước gừng, sả, cố gắng ăn uống đầy đủ, tập thể dục, thiền và hít thở. Ngoài ra, anh đo nồng độ oxy trong máu, thân nhiệt, nhịp tim thường xuyên.

"Ngày thứ 8 sau khi phát hiện mắc bệnh, tôi lên cơn sốt lúc 2h sáng. Đó có lẽ là khoảnh khắc đáng sợ nhất song tôi tự nhủ bản thân phải cố gắng tỉnh táo, tự chăm sóc cơ thể. Nhờ thuốc hạ sốt, đến khi trời sáng hẳn, tôi trở lại trạng thái ổn định, chỉ còn ho nhẹ".

Trong thời gian chiến đấu với căn bệnh, Thế Năng nhận được nhiều sự động viên, cổ vũ từ gia đình, bạn bè qua gọi video, tin nhắn. Anh cũng ngừng đọc các thông tin tiêu cực để tinh thần ổn định, lạc quan.

Tối 5/8, Thế Năng tự lấy mẫu test nhanh và thở phào khi thấy chỉ có một vạch đỏ xuất hiện. Ngày 18/8, anh tiếp tục thực hiện xét nghiệm PCR và nhận kết quả âm tính.

Dù đã cố gắng giữ khoảng cách, mẹ Thế Năng vẫn không may mắc Covid-19 sau 3 ngày anh phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các triệu chứng bà gặp phải nhẹ hơn, chủ yếu mất vị giác, khứu giác và mất ngủ. Khi Thế Năng âm tính với virus, bà cũng khỏi bệnh cùng thời điểm.

Quay lại giúp đỡ cộng đồng


Sau khi chính thức khỏi bệnh và tự cách ly thêm 5 ngày, Thế Năng quyết định trở lại hành trình hỗ trợ công tác chống dịch tại thành phố. Biết tin bệnh viện tại quận 8, cũng là nơi vị bác sĩ hỗ trợ anh thời gian qua làm việc, cần tình nguyện viên hỗ trợ điều phối việc tiêm vaccine cho người dân, anh không ngần ngại đăng ký.

"Vốn có 'máu' thiện nguyện trong người, gần một tháng ở nhà tôi cuồng chân lắm nên hết bệnh là đi liền. Tôi cũng tìm hiểu thông tin rằng sau khi F0 khỏi bệnh sẽ có kháng thể, khả năng tái nhiễm thấp".

                                                          Khỏi bệnh, chàng trai TP.HCM đến bệnh viện hỗ trợ công tác tiêm vaccine Covid-19.


Ban đầu, Thế Năng định đăng ký đi tình nguyện ở bệnh viên dã chiến, song anh không an tâm khi để mẹ đã cao tuổi ở nhà một mình. Vì vậy, anh lựa chọn hỗ trợ điều phối tiêm vaccine, có thể đi lại trong ngày.

"Có lần, tôi cùng đội đi tiêm vaccine lưu động cho các cụ già sống tại một ngôi chùa ở quận 8. Mọi người được tiêm phòng thì mừng lắm, liên tục cảm ơn các nhân viên y tế. Mỗi lần nghe một cụ khỏe mạnh, đủ điều kiện tiêm là tôi cũng vui, hạnh phúc lây và có thêm động lực cố gắng".

Sau khi chia sẻ câu chuyện của bản thân lên mạng, Thế Năng nhận được một số tin nhắn từ các bạn trẻ, có người là F0 đã khỏi bệnh ngỏ ý muốn tham gia hoạt động như anh.

"Lan tỏa tinh thần tình nguyện đến mọi người cũng là điều tôi muốn hướng tới. Đặc biệt là các bạn F0 đã khỏi bệnh, nếu còn trẻ, mong các bạn cân nhắc việc hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu, để đại dịch mau chóng được dập tắt".

Theo Zing