Minh họa
Lâu lắm tôi chưa được về thăm quê, nơi có ngôi nhà nhỏ lợp mái tranh xiêu nằm lọt thỏm trong những vườn trái cây xum xuê cành lá. Nơi có dòng sông vắt ngang cuộc đời bao người dân khốn khổ. Nơi cho chúng tôi bao ký ức về thời ấu thơ tươi đẹp đã qua nhanh giờ chỉ còn trong hoài niệm xưa cũ.
Tháng tư về chập chờn ngoài ngõ, đón tiết trời oi ả rơi vãi khắp nơi trong mảnh hồn làng, cũng là khi ngoài vườn, những chùm dâu tằm đã chuyển mình sang màu ối đỏ. Ấy là lúc mùa dâu tằm chín rộ, thôi thúc những đứa trẻ con đi hái những trái dâu tim tím dưới cái nắng tháng tư chập chờn.
Ngày ấy ở quê nhà nào nhà nấy cũng trồng một vài cây dâu tằm sai trĩu quả. Có người trồng ngay trước cửa, người trồng ở phía sau vườn, nhà trồng ngay sát bờ ao, vừa để tiết kiệm diện tích đất đai, vừa để bóng dâu soi mình xuống dưới ao cho đàn cá có nơi ngụp lặn tung tăng những trưa nắng nóng.
Quả dâu tằm to nhất chừng bằng ngón tay cái, khi mới chín có màu hơi đo đỏ, rồi chuyển sang màu tím đậm. Đó cũng là lúc dâu tằm chín thực sự, có thể cảm nhận được vị ngon ngọt của trái dâu, chứ không the thé chua như những gì người ta vẫn bảo.
Dâu tằm hồi đó ở quê tôi trồng nhiều vô kể. Lá dâu dùng làm thức ăn nuôi tằm. Ngoài ra, trong tâm linh của những người trong làng, cây dâu còn dùng để trừ tà hay ma quỷ. Nói chung là những điều mang đến xui xẻo cho người dân quê nghèo.
Bởi vậy mà khi đến mùa dâu tằm, khắp nơi trong làng ngập tràn những chùm dâu chín đỏ, song chủ yếu làm quà quê cho lũ trẻ con vặt xuống ngồi ăn. Thi thoảng nội hái dâu tằm rồi ngâm để dành cho đến tháng năm, tháng sáu khi dâu tằm thấm nẫu thì bỏ ra hòa với đá đường mà uống giải nhiệt. Vị chua chua ngọt ngọt từ hũ dâu ngâm như đánh tan những cơn nắng mùa hè gắt gỏng, khi tận tay bưng ly dâu tằm mà bà nội tỉ mỉ ngâm nhấp từng ngụm nho nhỏ, cảm nhận vị ngọt thanh khe khé nơi cuống họng mình, như xua đi những vất vả của đời người nơi quê nghèo lam lũ, cực nhọc.
Còn nhớ hồi đó dâu tằm chín nhiều đến độ ăn không kịp, rụng tím gốc, ông nội tôi cũng mang rổ ra nhặt những trái dâu tằm chín mọng cho vào hũ rượu để ngâm. Vì nghe đâu dâu tằm ngâm rượu là bài thuốc dân gian chữa được nhiều chứng bệnh vô cùng hữu ích.
Rồi nội tôi mất, cũng vào mùa dâu tằm đỏ thắm trong những tán cành khẳng khiu giữa tiết trời đầu tháng tư ngán ngẩm.
Tôi về thăm quê trên chuyến xe khách chạy băng qua những cánh đồng đương thì con gái. Nghe hương lúa thoang thoảng trong cơn gió tháng tư vơi đầy. Muốn hít hà từng ngụm gió no nê, căng phồng trong lồng ngực, muốn một chiều rong ruổi trên triền đê, nắm từng vốc nắng trong lòng bàn tay thả trôi xuống dòng nước lững lờ xuôi theo từng nhánh phù sa quánh đặc. Để ngồi lặng yên lắng tai nghe tiếng sáo diều vi vút, lấp ló sau lũy tre làng, như thổn thức trong lòng bao hoài niệm xưa cũ đã bỏ quên trong guồng quay của nhịp sống bộn bề ngoài kia.
Phố mùa này cũng bắt đầu xuất hiện những bà, những chị rong ruổi đôi quang gánh trĩu nặng chở những món quà quê với tiếng rao thân thương gần gũi. Dâu tằm theo những chuyến xe đường dài lên phố, len lỏi trong những ngóc ngách lớn nhỏ ngoằn ngoèo. Để những người con xa quê tìm lại tuổi thơ của mình, từ những trái dâu nằm xếp lớp ngay ngắn như những con nhộng tằm tím thẫm trên đôi quang gánh đủng đẳng, để nhẹ nhàng nắm vốc dâu tằm trong tay, như nắm bao hoài niệm thuở ấu thơ, gần sát đây thôi nhưng sao quá đỗi xa vời...
Song Ninh (vanhoadoisong.vn)/ Quehuongonline