“Kho báu” này được anh Vũ Viết Hảo (38 tuổi) xây dựng và chăm sóc dưới hình dáng của một thư viện sách miễn phí từ năm 2021 đến nay. Những dịp như hè, mỗi ngày đều có 30-40 lượt độc giả tìm đến để đọc sách và học tập. Đến đây, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh các học sinh từ lớp Bốn đến lớp Mười hai hay sinh viên, người đi làm văn phòng, người lao động chân tay hay các bác đã về hưu… say sưa đọc sách.
Tạm dừng ước mơ làm YouTuber để mua sách
Năm 2017, anh Hảo là một nhân viên truyền thông ở thành phố với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, anh luôn cảm thấy không ổn khi những buổi tối ở nhà, trong khi ba ngồi vào máy tính, mẹ xem phim trên điện thoại, ông bà xem ti vi và 2 con - dù ngồi vào bàn để học nhưng không tập trung được nổi 5 phút. Tay cầm sách bút mà mắt 2 đứa thỉnh thoảng lại ngó nhìn màn hình máy tính, điện thoại của ba mẹ.
|
Khung cảnh sinh hoạt của gia đình anh Hảo mỗi tối - mỗi người một quyển sách |
“Tôi bàn với vợ quyết định không đụng vào máy tính, điện thoại khi con học nhưng vợ chồng tôi duy trì không được lâu. Suốt những ngày hè trước đó, để được yên, chúng tôi cho con tiếp xúc với điện thoại, ti vi nhiều nên thành quen. Tôi biết trẻ con chỉ làm theo những gì cha mẹ chúng làm nên muốn con đọc sách, ba mẹ cũng phải như thế. Vậy là tôi quyết định sẽ mua sách về đọc” - anh Hảo chia sẻ.
Trước đó, anh Hảo có ước mơ trở thành youtuber. Anh đã dành được một ít tiền, dự định mua những thiết bị công nghệ để làm video du lịch, video review thiết bị nhưng vì các con, anh sử dụng số tiền đó để mua sách. Anh chọn mua sách thiếu nhi, truyện tranh cho các con; sách về nuôi dạy trẻ các nước cho vợ và sách kinh tế, marketing, kỹ năng sống cho bản thân. Những đơn sách đầu tiên về, cả nhà háo hức mở hộp đựng, giống như những video bóc trứng mà các con thích xem trên YouTube.
“Các con hỏi tôi: “Sao ba mua nhiều sách thế ạ?”. Tôi nhớ đến một bộ phim hoạt hình các con rất thích xem khi đó: The SpongeBob Movie. Ngay đoạn đầu phim là cảnh thuyền trưởng vào 1 hòn đảo, tìm thấy 1 hòm kho báu, trong đó có 1 cuốn sách. Tôi bảo: “Vì mỗi cuốn sách là 1 kho báu như trong The SpongeBob Movie nhưng không phải ai cũng có thể tìm thấy kho báu trong sách, mà chỉ những người đặc biệt”.
Giải thích cho các con như vậy nhưng bản thân anh Hảo cũng tìm thấy “kho báu” của riêng mình trong những cuốn sách. Mỗi khi đọc sách, anh cảm thấy rất thư giãn, có nhiều năng lượng để học và làm việc. Những chân trời mới lạ, kiến thức thú vị được mở ra. Đọc cuốn sách nào cũng như được ngồi lắng nghe chia sẻ của người thầy tâm huyết đã đúc kết một đời hoặc nhiều đời người. Rất nhiều quyển sách giúp anh hiểu hơn về cảm xúc bản thân, về sự phát triển của con người. Khi biết mình, biết người thì không còn sợ hãi, sống vui vẻ, sáng tạo hơn.
Anh Hảo bộc bạch: “Tôi nhận ra thứ tôi thực sự muốn làm là tập trung phát triển con người. Tôi muốn thông qua những cuốn sách có thể giúp mọi người học hỏi mỗi ngày, tìm thấy ý nghĩa của công việc họ đang làm để luôn vui vẻ, hạnh phúc khi học hay làm việc”.
Năm 2017, anh quyết định tạm dừng ước mơ về công nghệ, nhen nhóm ý định mở thư viện miễn phí. Nhưng, khi anh Hảo nghỉ việc vào năm 2021 và nói với gia đình về dự định thì nhận phải sự bất đồng vì lúc đó, anh là nguồn thu nhập chính trong nhà, với mức lương khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Cả cha mẹ và vợ đều cho rằng anh suy nghĩ không sáng suốt.
Dù thế, anh Hảo vẫn kiên định rằng đời người vốn hữu hạn, nếu cứ bị cuốn theo những tiêu chuẩn của xã hội về thành công như có nhà lầu, xe hơi thì sau cùng cũng chẳng nói lên được điều gì, chẳng mang lại giá trị nào cho xã hội. Anh muốn thử thách bản thân, muốn làm gì đó ý nghĩa hơn, thứ gì đó có thể tồn tại lâu hơn cuộc đời anh.
Thời điểm anh quyết định nghỉ việc cũng là lúc dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường nên dù nghỉ từ đầu tháng 5/2021 nhưng phải đến tháng 7/2021, anh mới bắt đầu cải tạo, sửa sang lại kho để thiết kế thư viện. Trước đó, anh đã mua một số kệ tài liệu thanh lý ở công ty, dự định dùng làm kệ sách cho thư viện. Trong quá trình bắt tay vào làm thư viện, không gian gần 30m2 nhỏ hơn so với dự tính ban đầu nên những chiếc kệ này không phù hợp…
Anh lại đo đạc, thiết kế từng kệ sách cho phù hợp, rồi nhờ anh em rể, anh em nội ngoại hỗ trợ mua sắt về, cắt hàn sơn từng kệ sách, bàn đọc và ghế ngồi. Tháng 11/2021, thư viện chính thức mở cửa, lấy tên “Vũ Quán Sách”. Thư viện không chỉ dành cho con cháu trong gia đình mà bất kỳ trẻ em nào đều có thể đến đọc.
Hồi đầu, vì đang trong thời gian dịch COVID-19 nên chỉ một số người quen biết ghé đọc nhưng anh Hảo vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Sức lan tỏa chậm mà chắc. Người dân xã Hữu Văn bắt đầu nói nhiều hơn về thư viện và dần dần lượt độc giả đến đọc ổn định hơn.
Mở thư viện không khó, duy trì lâu dài mới quan trọng
Sau 4 năm mở cửa thư viện, anh Hảo nhận ra rằng việc xây dựng thư viện dễ hơn nhiều so với bài toán duy trì bền vững. Để theo sát thư viện và có nhiều thời gian đọc sách, anh Hảo chuyển công việc từ cố định sang làm tự do. Anh cũng bắt đầu quay lại với ước mơ làm youtuber nhưng theo cách khác với trước đây. Ngoài nhận các dự án, anh còn lập một số cộng đồng về làm phim, nhận bài đăng quảng cáo cho các thương hiệu về thiết bị, các cuộc thi làm phim…
Bên cạnh đó, anh cũng phục vụ thêm đồ uống ở thư viện. Nhiều bạn đến đọc, đến học mua nước ủng hộ thư viện nên cũng bù được các khoản tiền điện và internet hằng tháng.
|
Những ngày hè, bạn đọc đến thư viện rất đông |
Đến nay, vợ chồng anh Hảo đã phải vượt qua không ít thách thức trong chuyện vận hành, đầu tư. Như thời điểm hè năm 2023, số bạn đọc đến thư viện quá nhiều, không đủ chỗ phải ngồi tràn sang bên cửa hàng bên cạnh. Sau mấy ngày bàn tính, vợ chồng anh Hảo quyết định vay tiền ngân hàng để mở rộng không gian ngồi đọc, ngồi học cho độc giả. Anh chị còn làm thêm nem bốc để bán qua mạng nhằm có thêm tiền trang trải. Anh Hảo thấy mặt tích cực mà những khó khăn mang lại, chẳng hạn vợ chồng hiểu nhau hơn, có thêm nhiều ví dụ để dạy cho con những bài học cuộc sống.
Nếu đặt bài toán kinh tế sang một bên, anh Hảo cho rằng cốt lõi việc duy trì thư viện lại nằm ở vai trò của người thắp lửa. Nếu không có bạn đọc, không có người truyền được văn hóa đọc cho mọi người thì thư viện sẽ không còn hấp dẫn, không còn thu hút độc giả. Vậy nên anh vẫn học và đọc mỗi ngày, đồng thời thường xuyên trò chuyện với bạn đọc.
Anh treo câu slogan: “Tôi còn ngu nên tôi còn phải đọc” ở thư viện và đặt làm ảnh nền điện thoại để nhắc nhở bản thân mỗi ngày. Việc quan sát hành trình trưởng thành, chia sẻ tâm tư cùng độc giả cũng mang lại cho anh nhiều động lực. Ban đầu, anh để 1 quyển sổ, sau là những tờ giấy nhỏ gắn trên tường để bạn đọc ghi lại nhật ký, tâm sự học hành, thư gửi cho bạn bè hoặc nhắn gửi chính mình…
Học sinh rất thích đến thư viện để đọc sách, làm bài tập, vẽ tranh. Cũng có một số người đọc đặc biệt như bạn Ngô Văn Thọ - một người mắc căn bệnh hoại tử da - đã tìm thấy niềm an ủi và động viên từ những cuộc trò chuyện với anh Hảo.
Nhờ những cống hiến tích cực cho văn hóa đọc tại địa phương, cuối năm 2023, anh Hảo được biểu dương, nhận bằng khen gương điển hình tiên tiến “Người tốt, việc tốt” của UBND huyện Chương Mỹ.
Nói về các dự định tương lai để phát triển thư viện miễn phí, anh Hảo chia sẻ: “Sắp tới, tôi muốn kết hợp với một số cá nhân ở địa bàn mở các lớp học ngắn hạn miễn phí về chơi cờ, nhạc cho các bạn có nhu cầu. Xa hơn, tôi muốn mở rộng không gian thư quán để ngoài đọc và học còn có thêm những không gian được bài trí giàu tính thư giãn”.
Theo phụ nữ TPHCM