Nhà tôi ở quê cách chợ 4 - 5 cây số nên mỗi lần đi chợ má hay nhờ ba chở. Thường thì má đi xe đạp. Má nói, để má tự đi cho dễ, muốn đi thì đi, đứng thì đứng, không sợ ai hối thúc, “chờ ba bây trầy trật lâu lắc”. Thỉnh thoảng má chép miệng ước: “Phải như hồi xưa thì có xe ngựa, cứ lên đường cái là có xe chạy qua”. Là má nhắc đến xe ngựa, những chuyến xe ngựa thời thơ ấu của thế hệ chúng tôi.

Quê tôi có hẳn một địa danh mà người dân thường gọi là Bến Xe Ngựa. Nghe người lớn kể lại, hồi xưa ngay ngã ba Đập Đá (Bình Định) đường xuống các xã trong huyện có một nơi xe ngựa tập kết nên người ta đặt tên là Bến Xe Ngựa. 

 

Những năm 1990, xe ngựa ở quê tôi là phương tiện phổ biến. Hằng ngày xe ngựa đi lại nhộn nhịp, cứ chừng 10 - 15 phút lại thấy một chiếc xe, âm thanh lộc cộc hòa vào âm thanh xe cộ ồn ào nhưng rất đỗi quen thuộc. Thời đó, muốn đi chợ, má tôi chỉ cần đi bộ từ nhà lên đường cái, vẫy tay hoặc không cần vẫy thì chiếc xe ngựa cũng tự động dừng và má cùng các bà, các mẹ lục tục lên xe. 

Cấu tạo chiếc xe ngựa ngày xưa đơn giản, không che chắn nhiều ngoài phần trần xe, bốn cột dọc đứng và hai thanh gỗ bắc ngang hai bên cho khách ngồi. Mỗi xe ngựa chỉ cần một ông chủ vừa đóng vai trò là người cầm cương, cũng là người thu tiền và cũng kiêm luôn xách hàng cho khách. Một chủ, một ngựa cũng có thể vận hành được cả một chuyến đi. 

Phần trần của xe ngựa thường được làm bằng sắt chắc chắn có lót miếng nhôm để khách có thể quẳng thúng gánh hay giỏ xách nặng lên trên. Phần trước chú ngựa được nối điều khiển bằng một sợi dây cương dài và người chủ ngồi lên sàn trước, hai chân để một bên tiện nhảy lên nhảy xuống. Phía sau xe ngựa sẽ có một ba-ga để khách bước lên xuống xe cho tiện. Chỗ này ngày xưa cũng có nhiều thanh niên đeo bám đứng theo xe ngựa vì tốc độ ngựa chạy khá chậm.

Một vài xe ngựa được ông chủ treo rèm hai bên hông để che nắng, nhưng đa số là không treo gì. Xe ngựa nhìn từ xa có thể biết đang chở khoảng bao nhiêu người vì tất cả đều lộ thiên.

Vì là phương tiện thô sơ nên giá vé đi xe ngựa rất rẻ. Tôi không còn nhớ chính xác giá tiền đi xe ngựa cho một chuyến đi từ nhà mình đến chợ, nhưng tôi nghĩ nó chỉ tầm 200 đồng đến 500 đồng. Các bà, các mẹ ở quê tôi xem xe ngựa là “đôi chân” của mình. Không cần biết chạy xe máy, không cần chạy xe đạp; các bà, các mẹ vẫn có thể đi đến khắp nơi, vào cả những con đường nhỏ xíu.

Tôi nhớ bọn trẻ lớp tôi ngày đó, cứ hễ dịp 20/11 là lại “chịu chơi” thuê hẳn một xe ngựa chở cả đám học trò đi chúc mừng thầy chủ nhiệm. Hầu như không lần nào bác xe ngựa có thể thu đủ số tiền chở nếu tính theo đầu người, vì thường bọn con trai nghịch ngợm hay nhảy xuống xe trước khi xe đến nhà thầy. Đó cũng là những kỷ niệm vui gắn liền với chiếc xe ngựa mà chúng tôi không đứa nào quên được.

Mỗi khi tết đến, chúng tôi lại đón xe ngựa đi chơi. Hầu như những lứa 7X, 8X ngày đó không ai là không tham gia trò chơi bắn súng nước giữa xe ngựa này với xe ngựa khác hoặc cùng nhau hò hét để xe bên mình vượt mặt một “đối thủ” xe ngựa trên đường. Tôi chắc ai trong chúng tôi đã trải nghiệm trò chơi nghịch ngợm này, nếu vô tình bắt gặp một bức ảnh cũ có hay gặp ở bảo tàng một chiếc xe ngựa sẽ mỉm cười nhớ lại ký ức đẹp đẽ.

Giờ đây, xe ngựa đã đi vào dĩ vãng nhưng trong tiềm thức của chúng tôi vẫn luôn có một hình ảnh chiếc xe ngựa với âm thanh lộc cộc. 

Một ngàn chín trăm hồi đó, sự xuất hiện chiếc xe ngựa là bình thường, má tôi đi chợ bằng xe ngựa cũng là điều bình thường. Bây giờ, xe ngựa chỉ còn ở những điểm du lịch. Có dịp, tôi hay đến đó để nhớ lại cảm giác đi xe ngựa thời đó. 

Theo phunuonline.com.vn