leftcenterrightdel
 Chiếc lồng đèn tự chế của chúng tôi

Tuần trước, người chị thân quen của tôi ở Sài Gòn gửi lên cho đám trẻ nhà tôi một thùng quà Trung thu với đủ loại bánh kẹo đắt tiền, cùng chiếc lồng đèn điện tử rất đẹp.

Gọi là lồng đèn cho tiện, chứ thật sự, tôi chẳng biết nên gọi nó chính xác là gì. Chiếc đèn cũng có tay cầm như đèn lồng, nhưng phần thân treo lủng lẳng lại không phải là lồng xếp, ông sao, cá hay thỏ… như xưa. Đó là cỗ xe mặt trăng chở nàng Cinderella xinh đẹp, do chú ngựa một sừng “kéo”. Mỗi khi bật công tắc điện, nhạc trong xe vang lên rộn rã, đèn nhấp nháy nhiều màu lung linh. Thả xuống sàn nhà, cỗ xe chạy bon bon đưa nàng Cinderella đi chu du. Hễ đụng chướng ngại vật, xe tự động chuyển hướng.

Món đồ chơi quả là “sang-xịn-mịn” như cách giới trẻ gần đây hay nói, con gái tôi thích mê. Tối đến, mẹ con tôi tắt điện để ngắm đèn. Đứa trẻ trong tôi vẫn luôn bị mê đắm bởi những ánh sáng lung linh, đỏ xanh nhấp nháy - thứ ánh sáng mà cả tuổi thơ chúng tôi khao khát.

Hồi đó, nhà tôi nghèo. Mấy anh chị em chúng tôi chẳng bao giờ được sắm đèn ông sao như lũ bạn cùng xóm. Cứ gần đến Trung thu, khi hàng quán dọc đường đi học bắt đầu bày bán những chiếc đèn đủ màu đủ kiểu là chúng tôi lại rục rịch chuẩn bị chiếc đèn của mình. Ống lon là thứ được chuộng nhất, và “săn lùng” nhiều nhất. Đơn giản, bởi chỉ ống lon mới đựng được than, mới có thể làm cho đèn phát sáng. Cứ sáng đi học, chiều phụ ba mẹ việc nhà, tối đến, chúng tôi túm tụm lại với nhau, đục đục khoét khoét chế đèn, rồi cời than trong bếp cho vào, hí hửng rước từ sân ra ngõ.

Sau này, nhà “có điều kiện” hơn một chút, chúng tôi chơi đèn từ chai nhựa. Mỗi Trung thu, mẹ tôi cho mua 1 cây nến, anh em tôi cắt cây nến ra làm 4 khúc, cho vào bốn chiếc đèn. Đèn chai nhựa làm nhanh hơn ống lon vì khoét lỗ dễ dàng hơn, có thể khoét thêm những hình tròn, mặt trăng hay ngôi sao… tuỳ ý trên thân đèn. Khi thắp nến lên, những chỗ được khoét sẽ tạo ra những chùm sáng lung linh.

Chiếc đèn đong đưa trên tay lũ trẻ nghèo, bóng trăng sao trên thân đèn hắt xuống mặt đất cũng đong đưa ảo diệu. Cảm giác được “đổi đời” từ đèn “chạy” bằng than lên đèn “chạy” bằng nến nó sung sướng, thích thú vô cùng.

Nay, các con tôi đã qua cái thời đói ăn thiếu mặc, nên cũng không phải kì cạch chế ra những chiếc đèn như cha mẹ ngày xưa. Thế nhưng, vợ chồng tôi vẫn muốn các con có thể cảm nhận được một phần những gì mà chúng tôi từng trải, để hiểu hơn và có thể đồng cảm hơn với những khó khăn trong cuộc sống.

Mỗi năm, tôi và chồng đều bày ra trò tự chế lồng đèn để các con cùng làm. Ống lon, chai nhựa, bìa carton… có gì tận dụng nấy. Cả nhà lại túm tụm, hí hoáy đục khoét, cắt dán, rồi hào hứng khoe thành quả của mình cho nhau.

2 con của tôi lại khấp khởi đợi trời tối để được thắp nến, rồi cùng ba mẹ rước đèn quanh sân, quanh ngõ. Tôi chợt nhận thấy, niềm vui của những đứa trẻ được tự tay làm đèn, tự tay thắp nến lớn hơn, và bền bỉ hơn niềm vui khi chúng cầm trên tay chiếc đèn điện tử mà chỉ việc bật công tắc.

 
leftcenterrightdel
 Chúng tôi được một vé về tuổi thơ khi cùng con làm lồng đèn

Những chiếc đèn ống lon, đèn chai nhựa tự chế ngày xưa đã đưa chúng tôi đi qua bao mùa trăng, đi qua tuổi thơ đầy ắp tiếng cười (và cả sự thèm muốn, ước ao). Anh em chúng tôi đã trưởng thành từ những những điều bình dị ấy.

Tôi bây giờ đã là mẹ của 2 con, nhưng mỗi mùa Trung thu đến, lòng tôi vẫn háo hức, rộn ràng như đứa trẻ. Thấy lồng đèn điện tử bày bán khắp nơi, tôi lại nhớ lại thương cái lồng đèn của đám con nhà nghèo những năm một ngàn chín trăm hồi đó…

Theo phụ nữ TPHCM