Ấy là những cái hỏa lò - loại bếp than di động làm bằng đất sét với nhiều kích cỡ. Ngày thường, hỏa lò ít khi được sử dụng; bởi xưa, khi gas, điện còn là chuyện trong… cổ tích thì than là loại chất đốt cao cấp, mắc tiền. Vậy nên, cái hỏa lò chủ yếu chỉ dùng phục vụ giỗ, tết.
Cuộc vui tết nhất kéo hàng mươi bữa nửa tháng, các món tết - từ chay tới mặn - hầu như đều cần đáp ứng yêu cầu để lâu nên đa phần phải xử lý ở chế độ “rim” tức nấu nhỏ lửa, kéo dài, để đường, muối, gia vị thấm sâu vào trong thành phẩm. Và nữa, phải rim cho tới tức thành phẩm đạt đến trạng thái khử, loại hoàn toàn dư lượng nước còn tích chứa thì mới ngon và có thể để lâu. Mà muốn rim thì không thể dùng bếp củi, dứt khoát phải dùng hỏa lò.
Trong ký ức của tôi, bếp tết bắt đầu từ ngày 20 (hoặc thậm chí 15) tháng Chạp. Mẹ tôi bắt đầu cuộc sửa soạn tết nhất bằng những chảo rim mứt đầu tiên. Đương nhiên lũ hỏa lò bắt đầu xuất binh. Mỗi chảo ngự 1 hỏa lò. Ra bếp tết lắm, bởi ít dùng nên trông chúng sạch sẽ, đỏ au màu đất mới nung, không đen kịt mồ hóng đáng thương như mấy ông Táo dưới bếp.
Mà cũng nhờ sạch vậy nên chúng mới được phép lông nhông theo mẹ đi khắp - từ nhà dưới lên nhà giữa, ra sân, thậm chí lên cả… nhà trên vẫn không bị cha rầy (cha tôi vốn cực kỳ khó tính). Lý do lũ bếp phải lông nhông theo chân mẹ tôi đi khắp nơi là do công đoạn rim rất tốn thời gian (một chảo rim hoàn tất, đôi khi, mất cả ngày trời).
Lâu nhưng lại không được rời, phải luôn để mắt canh chừng nếu không muốn rim bị cháy khê hoặc biến thành… kẹo dẻo. Mẹ lu bu nhiều chuyện, rảnh đâu ngồi canh mấy cái chảo rim nên cả bếp cả chảo phải theo mẹ lông nhông. Mẹ làm chuyện gì, ở đâu, bếp - chảo được dời theo đến đó.
May, cái hỏa lò được thiết kế để di chuyển nên khá gọn nhẹ, bê đâu cũng được. Ngay cả khi đang đỏ lửa cũng chỉ cần miếng giẻ lót tay chống nóng là xong. Thêm bếp tết, chắc chắn là mẹ mệt. Nhưng thương mẹ thì thương mà… mừng vẫn cứ mừng khi nhìn cảnh lũ bếp tết rồng rắn theo mẹ, than nổ lép bép, tỏa ra đủ thứ mùi hấp dẫn. Tết thật rồi! Cái từ tết, sao tuổi thơ nghe hoài vẫn không biết chán.
Lông nhông đâu lông nhông, đến tối, nếu chưa hoàn tất chuyện rim, thế nào lũ bếp tết cũng được dời vào nhà - nhà trên hẳn hoi, như một sự trân trọng, nâng niu dành cho những cỗ-hỏa-lò-bếp-tết.
Ngoài ra còn một lý do ngầm hiểu: vào đêm tháng Chạp, trong không gian se lạnh, khi bóng tối đã hoàn toàn bao phủ, những cái bếp tết trong nhà bỗng trở nên ấm áp, thân thương. Lửa đỏ lập lòe, hoa than lép bép, lạo rạo mơ hồ tiếng các món rim mứt khẽ cựa mình trong chảo, tỏa mùi đặc trưng tẩm ướp không gian. Mà lạ, không ai cảm thấy khó chịu hay phiền hà vì bị tẩm ướp. Có lẽ bởi những mùi vị ấy hấp dẫn quá, tết nhất quá…
Phải, được tẩm bằng mùi tết - mùi của xuân căng tràn, rạo rực, hạnh phúc, vui tươi thì phiền cái nỗi gì.
Theo phụ nữ TPHCM