Từ sợ hãi đến yêu thích bơi lội

Tại lớp học bơi dành cho trẻ khiếm thị ở hồ bơi Thiên Ân, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM, sau 3 buổi học, các em đã làm quen được với động tác khởi động. Chỉ cần nghe hiệu lệnh còi của huấn luyện viên, những bài khởi động xoay cổ tay, khớp gối, chạy tại chỗ… được các em thực hiện nhịp nhàng để làm nóng cơ thể. Lớp học được trang bị mái che, thảm chống trượt, mỗi em còn được tặng trang phục, nón, mắt kính, phao bơi... Khi các em xuống nước, 2 huấn luyện viên túc trực bên dưới hướng dẫn các động tác cơ bản. Phía trên, các anh chị đoàn thanh niên chia nhau giám sát xuyên suốt quá trình học bơi của các em.

leftcenterrightdel
 Anh Đỗ Đức Phi đang tập bơi cho trẻ khiếm thị

Để động viên các em nhỏ, Nguyễn Tường Vy (16 tuổi) mạnh dạn đi trước, bám sát vào thành hồ, đợi huấn luyện viên hướng dẫn ôn lại bài tập cũ, sẵn sàng cho cách bơi lội mới. Tường Vy chia sẻ, đây là ngày học bơi thứ 3 của em. Hiện, Vy đã biết thở nước, bơi được đoạn ngắn.

“Từ bé, mọi người đã không cho em lân la đến khu vực hồ bơi nên ban đầu xuống nước em rất sợ. May nhờ các thầy nhiệt tình hướng dẫn, sau 3 buổi học em đã bơi được một ít, không còn sợ nữa mà còn cảm thấy rất sảng khoái và thú vị. Em mong rằng các bạn bị khiếm thị khác cũng được học bơi và em ước mơ sẽ được đi biển” - Tường Vy nói.

Gần đó, bé Hạo Nam (7 tuổi) cũng đang được chị Phạm Thị Thu Nhàn (30 tuổi, mẹ bé Nam) kiên nhẫn hướng dẫn đạp nước, tập quạt tay… Nhìn con thích thú vừa học vừa chơi đùa với chiếc phao bơi, chị Nhàn mừng lắm. Ngoài khiếm thị, bé Hạo Nam còn bị một số bệnh bẩm sinh nên thể trạng yếu hơn các bạn. Bé chậm phát triển trí tuệ, tay chân yếu, đi lại khó khăn… nhưng rất thích nước. Thấy vậy, chị Nhàn đến xin các thầy cho Hạo Nam được học bơi.

Chị Nhàn xúc động nói: “Tôi thuê nhà ở gần đây, hôm nào Hạo Nam không học bơi thì tôi đi bán vé số để trang trải trong gia đình. May quá, các thầy ở đây dạy cho Hạo Nam không lấy tiền. Bây giờ, con tôi đã biết cách đạp nước, quạt tay, tôi tin vài hôm nữa cháu sẽ bỏ được phao để thỏa sức bơi lội”.

Không khí lớp học náo nhiệt với tiếng quẫy nước, tiếng giảng bài, hướng dẫn của giáo viên và tình nguyện viên. Các kỹ thuật động tác tay, chân, thở được giảng giải bằng lời nói, ngôn ngữ ký hiệu gắn liền với nguyên tắc trực quan, làm mẫu và so sánh giữa động tác đúng sai…

Tích cực phòng, chống đuối nước ở trẻ

Theo bà Phan Thị Mịnh - Phó chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM - việc trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ là điều rất cần thiết trong giảm tỉ lệ đuối nước ở trẻ em. Vì vậy, nhân dịp hè, phường Bình Hưng Hòa B triển khai các chương trình hỗ trợ phổ cập, dạy bơi lội cho các em tại địa bàn. Đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, khiếm thị, khuyết tật…

Trong đợt này, phường đã phối hợp với các nhà hảo tâm, hồ bơi Thiên Ân để tổ chức dạy bơi “trọn gói” miễn phí hoàn toàn phần ăn sáng, trang phục bơi lội, giáo viên… cho khoảng 20 trẻ khiếm thị. Các bạn đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên tại địa phương cũng tham gia hỗ trợ giám sát, hướng dẫn trẻ trong quá trình học bơi tại hồ.

Anh Đỗ Đức Phi - huấn luyện viên tại hồ bơi Thiên Ân - cho biết, lớp học bơi miễn phí cho trẻ em khiếm thị hè 2024 được bắt đầu từ ngày 4 đến ngày 27/6. Tùy theo khả năng tiếp thu của từng bé, các huấn luyện viên sẽ có những bài tập khác nhau, sao cho khi kết thúc khóa học, các bé sẽ biết bơi, định hướng được chiều ngang, chiều dọc của hồ bơi, tự tin hơn khi xuống nước.

Anh cho biết trước đó, các huấn luyện viên cũng liên kết với phường để dạy bơi cho các bé có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, những lớp học đó rất thành công. Hồ bơi Thiên Ân cũng đã tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ tăng động, tự kỷ, vì vậy cũng có một số kinh nghiệm khi dạy cho trẻ khuyết tật.

“Với các bé khiếm thị, việc đi lại tại hồ sẽ rất khó khăn, nhất là di chuyển qua các bậc thang để xuống hồ. Không nhìn thấy nên các bạn rất sợ hãi khi xuống nước, đây là tình huống nguy hiểm. Khi các bé đã thích nghi được thì việc tập đạp chân, lấy hơi, thở nước… tiến bộ rất nhiều. Các bé khiếm thị rất cố gắng, tập trung nghe huấn luyện viên hướng dẫn và làm theo rất tốt. Vì vậy, giờ đây các bé gần như đã nắm bắt hết các kỹ năng bơi lội cơ bản, thậm chí còn tiếp thu nhanh hơn trẻ sáng mắt. Đây là điều rất tuyệt vời” - anh Đỗ Đức Phi chia sẻ.

Hiện việc dạy bơi cho các bé khiếm thị còn có một số khó khăn như số lượng huấn luyện viên tại hồ bơi còn hạn chế, 1 thầy phải kèm 4-5 trẻ. Trong khi ngoài hướng dẫn bằng lời nói, người dạy phải ra hiệu, cho các bé cảm nhận động tác nên thời gian dạy lâu. Anh Đỗ Đức Phi mong muốn sẽ có nhiều huấn luyện viên tình nguyện hơn để cùng nhau dạy cho các bé được tốt hơn, phát triển nhiều kiểu bơi hơn để các bé không cảm thấy thua thiệt, và yêu thích môn bơi lội, từ đó tăng cường sức khỏe , tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Theo phụ nữ TPHCM