Thầy giáo, Thượng úy Đào Đình Luyện và các học trò vùng biên (Ảnh: Biện Cường)
Khi hoàng hôn buông xuống, những đứa trẻ lại tung tăng trên những con đường biên giới để đến với lớp học tình thương của Đồn BP Tuyên Bình. Dưới ánh đèn niông, lớp học lại vang lên những tiếng “ê… a…” của những đứa trẻ đang đọc theo thầy. Trên bục giảng, Thượng úy Đào Đình Luyện, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn BP Tuyên Bình vẫn cần mẫn dạy bài cho những đứa trẻ Việt kiều.
Trong một lớp học, chiếc bảng được chia thành hai phần, bên phải bảng là dạy cho các em lớp 1, còn bên trái dạy cho các em học lớp 2. Khi giao bài cho các em lớp 2, thầy Luyện lại quay sang các em lớp 1 để kiểm tra, dạy các em đánh vần.
Thượng úy Đào Đình Luyện chia sẻ: “Các em giao tiếp khó khăn nên tôi và đồng đội phải kiên trì tập cho từng em từ cách nhận biết con chữ đến cách đánh vần. Nhiều em không muốn học, chúng tôi đến từng gia đình gặp gỡ, động viên ba mẹ cũng như dỗ dành các em tiếp tục cố gắng. Có những ngày mưa lạnh, nhiều em bụng đói, chân đất đến lớp, chúng tôi đã trích một phần tiền lương để mua cho các em đôi dép mới hay là những bát mỳ tôm ấm lòng. Từ đó, các em có sức chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết vùng biên viễn, thêm gắn bó với lớp học”.
Những đứa trẻ trong lớp học của Thượng úy Đào Đình Luyện đều là những em nhỏ theo cha mẹ lênh đênh trên thuyền đánh cá, chặt lục bình thuê kiếm sống qua ngày. Nhiều đứa trẻ không biết đọc, biết viết. Không giấy tờ tùy thân nên cuộc sống ổn định để mưu sinh là ước mơ của những bà con Việt kiều từ Campuchia trở về.
Thấu hiểu và đồng cảm với những thiệt thòi mà bao nhiêu đứa trẻ vùng biên phải gánh chịu nên anh Luyện cũng như các đồng đội luôn đem hết tình cảm dành cho các em. Đều đặn hàng tháng, những đứa trẻ được những chiến sĩ BP cắt tóc gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ, tặng cho từng chiếc áo mới, tặng xe đạp để các em cố gắng học tập. Thậm chí, tính cách, hoàn cảnh của mỗi đứa trẻ đều được anh Luyện và đồng đội hiểu rõ.
Thầy giáo, Thượng úy Đào Đình Luyện giảng bài cho các học trò (Ảnh: Biện Cường)
Nhìn vào đứa bé có đôi mắt to, sáng long lanh, nhanh nhẹn, hoạt bát, đang chăm chỉ viết bài, anh Luyện cho biết, đó là em Phan Văn Lợi con của một gia đình Việt kiều đông con. Em rất chăm chỉ học, tiếp thu bài nhanh nhưng hiếu động. Trước đây, Lợi giúp ba mẹ đi bán vé số, lăn lộn vào đời sớm nên tính tình có chút ngỗ ngược. Ngày đầu đến lớp, em không muốn học, thường hay quậy phá, bỏ học giữa chừng. Nhưng được chúng tôi động viên, chia sẻ nên em đã ngoan ngoãn nghe lời. Sang năm, chúng tôi làm học bạ cho em Lợi vào trường Tiểu học Tuyên Bình để học lớp 2. Còn cô bé ngồi bàn đầu có chút rụt rè nhưng rất chăm chỉ học là em Nguyễn Thị Út. Bố mẹ cô bé đều là những con người chăm chỉ làm việc, sống gắn bó với địa phương, được nhiều người thương mến.
Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng của anh Luyện cũng như các đồng đội đã giúp các em nhỏ biết đọc, biết viết, biết tôn trọng lễ phép với ông bà, cha mẹ. Cũng chính từ cái tâm của người lính ở Đồn BP Tuyên Bình tạo thành sợi dây vô hình gắn kết bà con Việt kiều với quê hương. Hình ảnh những người lính cụ Hồ nơi đây đã tô đậm thêm tình quân dân keo sơn, bền chặt, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng nơi biên cương Tổ quốc.
Theo Thời Đại