Một ngày khi ghé thăm nhà bạn - anh Nguyễn Anh Tuấn, giáo sư Trương Nguyện Thành (hiện sống tại TPHCM) bất ngờ gặp bà nội của anh Tuấn.
Cụ Hoa năm nay đã 105 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh, đôi mắt tinh anh, thần thái sáng. Bà nhanh nhẹn đi lại, tiếp chuyện con cháu. Ở gần cụ Hoa, giáo sư Trương Nguyện Thành nhớ đến ông nội, cũng là người sống rất thọ và khỏe mạnh.
“Ngoài ông nội tôi thì đây là người Việt thứ hai trong đời tôi gặp đã ngoài 100 tuổi mà còn khỏe và minh mẫn. Khi nói chuyện với gia đình qua bữa ăn trưa thì tôi được biết thêm về cụ, từ đó rút ra được bài học sống khỏe từ ông nội và cụ, vì cả hai đều có vài nét trong tư duy, thói quen giống nhau”, giáo sư Nguyện Thành viết trên trang cá nhân.
|
Cụ Hoa 105 tuổi vẫn đấm bóp cho con trai 77 tuổi (clip được giáo sư Trương Nguyện Thành chia sẻ lại) |
Bên dưới bài chia sẻ bí quyết sống thọ và khỏe, giáo sư Nguyện Thành còn chia sẻ clip cụ Hoa 105 tuổi đấm lưng cho con trai 77 tuổi. Clip dễ thương này khiến nhiều người phải cảm thán: “Phúc nhà lớn lắm mới được vậy!”, bởi vì theo số liệu của Tổng cục dân số Việt Nam, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao (73,6 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ là là 63,2 tuổi ở nam và 70,0 tuổi ở nữ. Với người con trai 77 tuổi, đã bạc tóc mà vẫn có mẹ ở bên đấm lưng cho là chuyện hiếm có.
Giáo sư Trương Nguyện Thành có thời thơ ấu lớn lên bên ông nội - người sống thọ đến 112 tuổi. Liên kết câu chuyện của ông nội và cụ Hoa, giáo sư thấy 2 người có nhiều bí quyết chung trong việc sống khỏe mạnh cho đến hơn 100 tuổi.
|
Giáo sư Trương Nguyện Thành chụp ảnh cùng cụ Hoa |
Từng chứng kiến lối sống của ông nội, giáo sư Nguyện Thành đã đúc rút ra được 4 yếu tố đằng sau việc sống thọ, khỏe mạnh của ông nội và cụ Hoa: “4 yếu tố đó nằm trong quyền kiểm soát của chúng ta, là: ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, tinh thần thoải mái và hoạt động thường xuyên”.
Với việc ăn uống điều độ, ông nội từng nói với giáo sư Nguyện Thành: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn, con nhé!”. Ông nội là người mỗi bữa ăn chỉ một chén cơm lưng, tô canh, đĩa rau, và một món mặn thịt kho hay cá; không bao giờ nội ăn nhiều, dù bữa đó có đám giỗ hay tiệc. Cụ Hoa cũng là người ăn uống rất chừng mực.
Yếu tố ngủ đủ giấc cũng là điểm chung của ông nội giáo sư Nguyện Thành và cụ Hoa. Lúc sống với ông nội, giáo sư Nguyện Thành luôn chứng kiến ông cứ 8-9 giờ là tụng kinh rồi đi ngủ, đều đặn hàng ngày. Buổi sáng thì cứ 5g30 là ông nội sẽ dậy vác cuốc ra vườn. Nói chuyện với cụ Hoa, ông cũng được biết cụ cứ 9g là đi ngủ, dù cho nhà có tụ họp con cháu đông vui đến mấy. Sáng sớm, cụ sẽ thức dậy trong khoảng từ 4g30 - 5g sáng.
|
"Trong nhà có một người già sống thọ, khỏe mạnh giống như một kho báu về kiến thức, lối sống" - giáo sư Nguyện Thành chia sẻ |
Việc giữ cho tinh thần thoải mái để sống khỏe là điều ai cũng biết, nhưng ít người làm được. Nhưng ông nội giáo sư Trương Nguyện Thành và cụ Hoa thì khác. Giáo sư Nguyện Thành nói: “Tôi chưa hề thấy nội giận hay la lối ai. Nhìn cụ Hoa, tôi cũng thấy sự nhẹ nhàng và vui tính này. Nội có sở thích chọc người khác cho vui. Chọc vui chứ không phải chọc giận”.
Cuối cùng, với yếu tố hoạt động thường xuyên, giáo sư Nguyện Thành cũng quan sát thấy rõ điều này ở cụ Hoa: “Cụ hàng ngày vẫn leo lên leo xuống cầu thang vài lần. Cụ tự lo cho mình và ăn uống bình thường, tuy không còn răng”. Ông nội của giáo sư cũng luôn vận động gì đó trong lúc đọc sách, nghe đài. Hay lúc đang ở Bồng Sơn (Bình Định), ông nội của giáo sư Nguyện Thành cũng luôn làm vườn ít nhất vài tiếng mỗi ngày.
Giáo sư Nguyện Thành chia sẻ thêm, ông nội của giáo sư sống khỏe mạnh, minh mẫn cho đến những năm đã hơn 110 tuổi. Sau một lần bị ngã, ông nội phải ngồi một chỗ, ít vận động nên sức khỏe dần yếu đi cho đến khi mất.
“Trong nhà có người già sống thọ và khỏe mạnh chẳng khác gì như có một kho báu vậy. Không phải là kho báu về mặt vật chất mà là kho báu về tinh thần, về kiến thức và lối sống. Như nội tôi, ông đọc sách rất nhiều, biết cả tiếng Nôm, tiếng Pháp, tiếng Quốc ngữ. Ông là người thâm thúy. Nhớ có năm mà tôi đã là giáo sư đại học ở Mỹ mà mỗi lần về, khi tranh luận với nội thì vẫn thiếu lý lẽ. Đến gần khi mất, nội tôi vẫn rất minh mẫn, tôi chưa thắng được cuộc tranh luận nào”, giáo sư Nguyện Thành kể về niềm tự hào của mình và gia đình.
Cũng theo giáo sư Nguyện Thành, nhìn từ ngoài vào thì có thể thấy những yếu tố sống thọ là kỷ luật và khắt khe. Nhưng những người như cụ Hoa và ông nội của ông thì lại duy trì rất nhẹ nhàng, hoàn toàn thoải mái. Họ đã sống và làm mọi thứ như tự nhiên từ khi còn trẻ, không thấy áp lực gì cả.
Ngày sống đơn giản, đêm về nằm ngủ sâu giấc, mọi vấn đề khác đều bỏ sang một bên. Đến tuổi già, đa phần những người khác sẽ lo đủ thứ chuyện từ con đến cháu mà không thực sự sống cho mình. Trong khi đó đúng ra là hãy thảnh thơi tận hưởng vì sự khỏe mạnh, minh mẫn của các cụ lại là phước phần của đại gia đình.
Theo phụ nữ TPHCM