Bà Xoan đã ngoài 90 tuổi mà vẫn minh mẫn và khỏe mạnh. Trông bà cụ tươi tắn, ai cũng mừng thay. Cũng vì thế mà bà tự nhiên trở thành tấm gương sống tích cực cho hội phụ lão trong xóm. Hỏi ra mới biết, bà có bí quyết cả. Nó bắt đầu từ sự lựa chọn mà đến giờ bà vẫn tự tin cho rằng đó là điều sáng suốt.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Bà Xoan có 4 người con đều thành đạt và viên mãn, nhưng bà không ở cùng bất kỳ đứa con nào. Con trai cả của bà từng đề nghị phụng dưỡng, nhưng bà quyết từ chối. Chồng bà mất sớm, bà cứ sống nhàn tênh một mình, làm bạn với heo gà, vườn tược. Bà không muốn dựa dẫm vào con cái. Bà sợ mình làm khổ con, cản trở hạnh phúc riêng của các con. Con cháu thương bà thì thỉnh thoảng sang chơi, ở lại ăn bữa cơm với bà, bà xem thế là quý hóa rồi. Về tiền bạc, bà có hoa lợi của mảnh vườn, cộng với tiền tiết kiệm nên cũng không cần con cái chu cấp. Những dịp lễ, tết, sinh nhật, con thuyết phục lắm, bà mới nhận tiền mừng tuổi, quà biếu của các con. Mấy cô con dâu của bà càng ở gần càng hiểu và thêm kính trọng người mẹ chồng sâu sắc như bà.

“Bà nội Thóc là người cao thượng vô cùng. Trên đời này, người thương con dâu có rất nhiều, nhưng người hy sinh vì con dâu như bà thì thực sự hiếm có” - con dâu cả của bà Xoan tâm sự với chồng.

Bà Xoan đã làm điều khác với những ông bà già khác trên đời. Cả cuộc đời bà chịu khổ nên bà luôn tìm cách tránh khổ cho các con từ từng chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống.

“Nhìn các con, các cháu yêu thương, sống hòa thuận với nhau là niềm vui của mẹ. Mẹ già rồi, tuổi này sống chỉ để gom nhặt yêu thương. Các con hãy sống thật hạnh phúc, đừng nặng nề chuyện báo hiếu. Các con sống hạnh phúc là đại hiếu với mẹ” - bà luôn nói với các con như thế.

Trong cuộc họp gia đình cách đây 15 năm, bà bày tỏ mong muốn được chuyển đến viện dưỡng lão sống. Các con bà thoạt đầu rất bất ngờ và tìm cách níu chân mẹ về nhà mình, nhưng khi nghe bà cụ trải lòng, họ đều bùi ngùi chấp nhận.

Sống trong viện dưỡng lão vốn không cô đơn và thiếu thốn tình thương như mọi người nghĩ. Bà có thêm nhiều bạn già cùng chia sẻ niềm vui mỗi ngày bên nhau. Do tương đồng tuổi tác, các cụ cũng có suy nghĩ, thói quen, cách sinh hoạt khá giống nhau nên dễ đồng cảm, sống với nhau rất chan hòa.

Ở viện dưỡng lão, bà được chăm sóc chu đáo từ bữa ăn đến giấc ngủ. Điều bà thích nhất là mỗi ngày thức dậy cùng các cụ ông, cụ bà khác tập dưỡng sinh, sau đó lại ngồi quây quần bên nhau trò chuyện thân tình. Khi tinh thần vui tươi, sức khỏe bà Xoan cũng bình ổn. Thế là bà lại có thêm một đại gia đình mới trong những năm tháng cuối đời.

Cứ mỗi tháng, lần lượt các con bà đến thăm và đưa bà về chơi ít hôm với gia đình. Sau mỗi chuyến trở về, bà đều cười mãn nguyện. Bà đi tay không và trở lại cũng thế, dù con cháu có dấm dúi đút tiền vào tay bà cũng không nhận. Bà nhắc đi nhắc lại những lời tận đáy lòng: “Mẹ có tiền, các con không phải lo. Đừng cho người già của cải, hãy cho họ tình thương. Các con đã làm tròn đạo hiếu rồi”.

Bà Xoan tự thấy mình là người giàu có trên đời bởi khi về già, bà có cả 2 tổ ấm, nơi bà được yêu thương chân thành. Tính cách quyết định số phận. Có lẽ cuộc sống của bà Xoan cho đến chặng cuối của cuộc đời vẫn được nhẹ nhàng do chính cách suy nghĩ, đối nhân xử thế bao dung, luôn nghĩ cho người khác mà bà suốt đời tâm niệm.

Theo phụ nữ TPHCM