leftcenterrightdel
 Tác giả vẫn còn giữ chiếc máy “của thừa kế” từ người cha

Ba tôi kiểu hoài cổ, dù vật dụng ấy đã cũ đến mức không xài được, ba cứ giữ mãi. Có lần mẹ muốn dọn dẹp hay bán ve chai, ba cản vì biết đây là món đồ khi còn nhỏ tôi rất thích. Đó là chiếc máy cát-sét cũ, tuổi đời hơn cả số tuổi anh em tôi cộng lại.

Những năm đầu thập niên 1990, khi các phương tiện giải trí còn thiếu thốn, chiếc máy cát-sét Sony này đã mang lại nhiều niềm vui và thật nhiều kỷ niệm cho anh em chúng tôi. Máy như một chiếc hộp thần kỳ, chỉ cần chỉnh ăng-ten là bắt được sóng FM của địa phương, sóng AM của đài VOV và cả sóng một số đài địa phương lân cận.

Tiếng loa phát ra từ máy thỉnh thoảng nhiễu sóng, nghe rè rè rất đặc trưng và không thể nhầm lẫn với các phương tiện nghe nhìn hiện đại ngày nay.

Hằng ngày, âm thanh đánh thức mọi người trong nhà đều phát ra từ chiếc máy cát-sét. Đúng 6 giờ, ba bật đài lên để đón nghe thời sự sáng, rồi đến hộp thư quà tặng âm nhạc, thời sự trưa, những ca khúc vượt thời gian và thời sự tối...

Ba thích nghe giọng của bình luận viên Đình Khải trong những trận bóng đá có đội Khánh Hòa; mẹ thích nghe chị Kim Loan với giọng đọc rất ấm; còn chúng tôi chỉ thích nghe giọng truyền cảm của chị Khánh Ngân khi đọc tên bài hát theo yêu cầu.

Chỉ cần vặn to âm lượng, mọi người ở đâu trong nhà cũng nghe được. Khi tập thể dục, khi dọn dẹp nhà cửa và ngay cả khi nấu ăn cũng nghe rất rõ. Dần dà, mấy anh em cũng quen và dần thích những mẩu tin, câu chuyện truyền thanh, phóng sự phát trong các chương trình trên sóng FM.

Khi tôi học cấp II, ba mua được chiếc ti vi màu nên chính thức cho tôi “thừa kế” món gia tài này. Đối với thế hệ 8X, 9X, muốn nghe những ca khúc hay thì chỉ có thể bật đài lên mà nghe. Lắm lúc, những lá thư yêu cầu âm nhạc của mình được phát trên sóng FM khiến tôi vui sướng tột cùng, nhất là lúc được cô phát thanh viên xướng tên và đọc trọn vẹn lá thư mình viết.

Ngay lúc ấy, tôi liền bấm cùng lúc nút “Rec” và “Play” để ghi âm lại. Rồi theo thời gian, tôi cũng tự tạo cho riêng mình một khối “tài sản” là những cuốn băng cát-sét thu lại toàn những bài hát hay thời đó. Thỉnh thoảng, vài đứa bạn cùng lớp hay qua nhà để mượn mấy cuốn băng về nghe, chép lại lời bài hát.

Những “người bạn” cố tri đó vẫn hiện hữu bên cạnh tôi hằng ngày. Chỉ có khác là tôi lấy lý do mình đã trưởng thành, bận bịu với việc học, với công việc mà gạt “bạn cũ” qua một bên để chạy theo những thứ tai nghe bluetooth, các app nghe nhạc trực tuyến thời thượng.

Nếu có cơ hội, tôi sẽ viết thư yêu cầu âm nhạc gửi đến chương trình trên sóng FM; ghi âm lại những ca khúc hay; mở lại hết những băng cát-sét đã thu âm ngày xưa và kể cả ngồi say sưa ghi chép lại những bài hát yêu thích một thời bằng chiếc máy cát-sét cũ của ba.

Nhờ thứ “tài sản” vô giá ấy mà tôi có thể quay lại với những kỷ niệm tuổi thơ tưởng như mình đã lãng quên từ lâu. 

Theo phụ nữ TPHCM