"Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ" - ĐINH CHÍ TRUNG

Giận mẹ, bỏ nhà đi, đòi tự tử

Nguyễn Tiến Dũng, sinh viên năm 4 Trường ĐH Sài Gòn, kể lại: “Lúc đó là mình học lớp 12. Một lần bạn đến chơi nhà, trong lúc mình đang ở trong phòng để tìm sách, bước ra thì thấy mẹ đang kể lể chuyện mình ham chơi, lười học, đòi mua xe máy cho mấy bạn gái nghe, và nói “nhờ các cháu khuyên nó giùm”. Trong nhóm đó lại có một cô bạn mình đang rất thích. Thế là lòng tự ái nổi lên, mình xách ba lô bỏ đi. Tối đó mình mua vé xe đi Cần Thơ, tới nhà một người bạn quen qua Facebook ngủ nhờ. Suốt 3 ngày liền mình khóa Facebook, không nghe điện thoại của ba mẹ, bạn gọi thì nói đang ở xa”.

Sang ngày thứ tư thì Dũng hết sạch tiền, người bạn ở Cần Thơ cũng khuyên Dũng nên trở về nhà. Thất thểu về đến bến xe miền Tây chỉ còn đúng 20.000 đồng bạn cho, Dũng phải năn nỉ mãi chú xe ôm mới chở về nhà. Do dính mưa mấy ngày, lại ăn uống thất thường, Dũng đổ bệnh. “Lúc đó nửa đêm, đang sốt li bì, mở mắt ra thấy mẹ đang ngồi ở đầu giường nhìn mình chăm chú, đôi mắt quầng thâm vì mấy đêm không ngủ. Đột nhiên mình thấy ân hận quá. Chỉ vì mẹ không còn cách nào để khuyên đứa con hư, trót kể với bạn mà mình giận mẹ rồi để mẹ lo lắng tìm kiếm suốt mấy ngày. Đến giờ nghĩ lại mình vẫn thấy ân hận và muốn bật khóc khi nhớ đến hình ảnh mẹ mệt mỏi đêm ấy”,  Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, chỉ vì cho rằng mẹ thương chị hơn mình, Nguyễn Thúy Nga, sinh viên ngành hướng dẫn du lịch Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigon Tourist, lúc đó 13 tuổi, đã nghĩ đến việc… tự tử. “Đã có lần mình định lao ra đường cho xe cán, để mẹ phải ân hận. Đến giờ mình mới hiểu ra, chị mình là người thiệt thòi do sinh ra đã chậm chạp, yếu đuối hơn người, đi đâu cũng bị bắt nạt. Còn nhỏ nên ích kỷ, cứ đòi hỏi mình là em phải được chiều chuộng hơn, nên thấy mẹ như vậy lại cho rằng mẹ không thương mình. Nếu như lúc đó ngu dốt lao ra đường thật, thì không biết mình đã để lại nỗi đau lớn lao như thế nào cho mẹ”, Nga rưng rưng kể lại.

Mẹ vẫn luôn đón con về - ĐINH CHÍ TRUNG

Phải hạnh phúc để mẹ hạnh phúc

Người nâng con ngã là mẹ, người khóc với nỗi đau của con là mẹ, người có thể tha thứ cho mọi lỗi lầm của con, đón con trở về cũng là mẹ. Đó là những lý do khiến bạn trẻ nhận ra để thể hiện tình thương yêu của mình với mẹ khiến mẹ hạnh phúc thì không còn cách nào khác là mình phải thật vui vẻ, hạnh phúc.

 “Mình nhớ, ngày đó mình yêu một người đàn ông đã có vợ. Mẹ đã nêu hết mọi tình huống xấu nếu lấy một người như vậy, rồi nói mình hãy tự quyết định, vì hạnh phúc đó là hạnh phúc của mình. Mình biết mẹ đau lắm nhưng vì thương và tin mình, mẹ vẫn lặng lẽ chấp nhận. Sau khi kết hôn được 8 tháng, mình đã phải xách va ly về ào vào lòng mẹ mà khóc", Hương Ly, nhân viên ngân hàng Đông Á tại TP.HCM cho biết.

Hương Ly nhận ra, mọi thứ mẹ làm, cho dù cách thể hiện hợp lý hay chưa hợp lý, cũng đều chỉ vì thương con, muốn con được hạnh phúc. “Nhưng thông thường những đứa con lại không hiểu ra ngay đâu, phải đến khi vấp ngã hay có một cú sốc gì đó, mới nhìn nhận ra. Đặc biệt, khi bạn có con, bạn càng thương mẹ hơn bao giờ hết. Lúc đó bạn mới thấu hiểu rằng, mẹ muốn mình hạnh phúc, nên mẹ đã làm mọi thứ. Vì thế từ nay, mình sẽ sống thật vui vẻ, thật hạnh phúc”, Ly tâm sự.

Theo tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ở lứa tuổi mới lớn, những đứa con chưa đủ trải nghiệm và trưởng thành để hiểu đúng sai, cách nhìn còn nhiều bồng bột, non nớt nên dễ có những hành độc bộc phát, khiến cha mẹ buồn. “Nhưng khi lớn lên rồi, con mới hiểu tấm lòng cha mẹ, do ra ngoài cuộc sống kia đâu ai tốt với mình vô điều kiện, đâu ai chăm sóc thương yêu mình đến bạc đầu như cha như mẹ. Nhất là tình thương của người mẹ, nó gần gũi và thiêng liêng khiến cho những đứa con dù đến lúc bạc đầu cũng vẫn luôn đau đáu nhớ về”, tiến sĩ Điệp nhìn nhận.

Tình thương của người mẹ, nó gần gũi và thiêng liêng khiến cho những đứa con dù đến lúc bạc đầu cũng vẫn luôn đau đáu nhớ về

                                                                                                                                                         Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM


Bàn tay của mẹ

Đó là một đôi bàn tay thô ráp do lao động nặng nhọc từ nhỏ. Không chỉ bàn tay mà bàn chân mẹ cũng thô, nứt nẻ nhiều và đen thui. Hồi đó mẹ ra đường lúc đi bộ hay nắm tay em lắm. Lúc mới lớn em cảm thấy ngại và không thích nên đi với mẹ là em cố tình đi xa xa để mẹ đừng nắm tay. Nhưng bây giờ lớn rồi, em biết thương mẹ. Đôi bàn tay thô ráp ấy đã làm tất cả cho chồng, cho con, luôn muốn nắm lấy tay con để che chở, để sẻ san niềm vui, nỗi buồn, nên mẹ có nắm tay đi siêu thị hay chỗ đông người em không còn cảm thấy ngại ngần mà vô cùng hạnh phúc.

(Đinh Chí Trung, nhiếp ảnh gia tại Bình Phước)

Đinh Chí Trung bên mẹ (áo hồng) trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học  - C.T 

Theo thanhnien