“Chương trình Trung thu năm nay vẫn diễn ra, nhưng những phần quà thay vì mang về, các em có thể dành tặng lại trẻ em đang chịu ảnh hưởng bão lũ”. Thông báo vừa dứt, tiếng vỗ tay tán thành vang giòn.

leftcenterrightdel
 Thiếu nhi TPHCM sẻ chia với những hoàn cảnh kém may mắn vùng bão lũ - Ảnh: T.H - Báo Thanh Tra

Hàng năm, đến mùa Trung thu, chung cư tôi ở lại tổ chức vui chơi trung thu cho các em nhỏ. Hoạt động ấy diễn ra trong khuôn viên chung cư, bao gồm nhiều trò chơi cho cá nhân và tập thể. Các em được mang về những phần quà từ sự nỗ lực của mình, nhưng năm nay, các em nhỏ sẵn sàng nhường phần quà của mình cho các bạn kém may mắn trong vùng bão lũ.

Trong buổi họp chuẩn bị cho trung thu hôm ấy có những tiếng sụt sùi từ người lớn. Khi các con áo quần tươm tất ngồi đây, chuẩn bị cho lễ hội trăng rằm với biết bao háo hức thì những nơi chịu ảnh hưởng cơn bão số 3 (bão Yagi) còn chìm trong tang thương, đói khát, bùn lầy…

Biết bao đứa trẻ thành mồ côi sau khi cơn lũ quét qua bản làng. Đến tận hôm nay, có những lời nguyện cầu mà ta cứ mong đó chỉ là cơn ác mộng: mong cho tìm thấy đủ bộ phận thi thể người nhà.

Không thể dùng ngôn từ để diễn tả cho nỗi đau mà cơn bão mang đến cho biết bao phận người.

leftcenterrightdel
 Những đôi dép của các con đã mất trong cơn lũ quét ở Làng Nủ, được cô giáo xếp ngay ngắn lại

Ban điều hành chương trình đã ưu tiên chọn những câu chuyện liên quan đến trẻ em để chia sẻ. Theo tôi đó là cách truyền đạt gần gũi, dễ nhận sự đồng cảm từ những đứa trẻ đang ngồi bên dưới, giúp các em biết quý trọng gì đang có: được đến trường mỗi ngày, ăn những món ngon mẹ nấu, có nhà để ở, có áo quần đẹp, và quan trọng là vẫn sống trong gia đình đủ hơi ấm của cha mẹ…

Chúng tôi đã lặng lòng trước câu chuyện xúc động về cô giáo vùng cao, nơi bị lũ lụt "xóa sổ" cả một bản. Khi cô trở lại lớp, tấm bảng còn ghi sĩ số lớp buổi học trước lũ. Cô giáo không nỡ thay đổi con số, bởi cô tin những học trò thân yêu của cô vẫn hiện diện nơi này…

Rồi mai đây, khi các con trở lại trường, nhìn lớp học trống hoác sẽ ngơ ngác hỏi: “Cô ơi, bạn con đâu sao không thấy?”. Cô giáo sẽ phải trả lời sao với các học trò mình?

Có chuyện về một em nhỏ, sau khi được đoàn cứu trợ đến địa phương trao nhu yếu phẩm, đoàn rời đến các địa điểm khác ở khu vực lân cận, lúc họ ngồi nghỉ mới phát hiện ra dư 1 thành viên. Đó là em bé ở địa điểm đầu tiên mà đoàn ghé cứu trợ. Hỏi ra mới biết em mất cha mẹ, nhà cũng đã trôi đi nên em không biết về đâu…

Những clip được đoàn cứu trợ ghi lại làm nghẹn lòng bất cứ ai, nhất là những ai đã làm cha mẹ. Đứa trẻ đó cũng chỉ bằng độ tuổi con mình, ở độ tuổi mà ngày ngày vẫn cần vỗ về từng bữa ăn, giấc ngủ…

leftcenterrightdel
 Học sinh Hà Nội quyên góp ủng hộ nạn nhân vùng lũ (ảnh minh họa)

Mùa Trung thu năm nay, nhiều nơi vẫn giữ thông lệ tổ chức đêm trăng cho trẻ em. Có ý kiến cho rằng, không nên quá khắc nghiệt trong việc cắt đứt mọi hoạt động của các em. Tuổi thơ có ở lại mãi với các con đâu. Giữ lấy sự hồn nhiên trong ánh mắt con trẻ cũng là việc người lớn nên làm. Hơn nữa, những câu chuyện xã hội to tát đã có người lớn lo. Trẻ em chỉ cần hồn nhiên theo đúng lứa tuổi, ăn ngoan, học giỏi, vâng lời cha mẹ thầy cô là được.

Điều đó không sai, nhưng bằng cách nào đó nói với trẻ về những khó khăn của bạn nhỏ khác, về hậu quả thiên tai, cũng là cách để con có sự cảm thông, thấu hiểu, sẻ chia với biết bao hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, giúp con hành xử đúng trong việc bảo vệ môi trường, có ước mơ dựng xây tương lai...

Đất nước cần nhân tài, cần cả những tâm hồn đẹp, những trái tim ấm áp…

Theo phụ nữ TPHCM