Khi những cơn mưa cuối mùa vừa ngớt hạt, gió mùa tây nam bắt đầu thổi mạnh cũng là lúc những ngư dân ven biển Tây gọi nhau đi đẩy lộc trời (cách gọi ruốc biển của người dân nơi đây). Cũng nhờ thứ lộc trời này, nhiều gia đình ngư dân đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá, có tiền cho con ăn học.
|
|
Nghề ruốc mang lại nguồn thu nhập cho nhiều phụ nữ vùng ven biển |
Ngồi sát sàn ghe, anh Hoàng Văn Cương đưa tay xuống biển kéo mạnh túi ruốc lên ghe, đồng thời ra hiệu cho bạn ghe giảm tốc độ để chuyển hướng theo bầy ruốc. Anh Cương cho biết, làm nghề này kiếm được tiền triệu mỗi ngày, nhưng đòi hỏi phải có sức khỏe mới làm được. Cũng có khi phơi nắng cả ngày mà không kiếm ra vài sọt ruốc.
“Cũng từ nghề này, gia đình tôi có được cuộc sống ổn định. Lớn lên, tôi đi Bình Dương làm công nhân. Cuộc sống công nhân được ngồi mát, ổn định, nhưng thu nhập thua người làm ruốc. Nếu trúng, mỗi năm kiếm được ngoài trăm triệu đồng như chơi. Nhờ nghề này, nhiều gia đình có tiền nuôi con ăn học, nhiều nhà tường cũng mọc lên. Mấy năm nay, thu nhập từ lương công nhân bấp bênh nên tôi lại quay về làm nghề đẩy ruốc kiếm sống” - anh Cương cho biết.
Con ruốc còn được gọi là tép moi, màu trắng, giống như con tôm bạc nhỏ, dài khoảng 40mm, sống ven biển. Ruốc tươi chế biến được nhiều món ngon như nấu canh, rang, xào, làm gỏi, mắm ruốc, khô ruốc. Sản phẩm được chế biến từ ruốc biển khá phong phú, bao gồm ruốc bột, ruốc khô, ruốc chua, mắm ruốc…
Tranh thủ trời nắng, chị Huỳnh Thị Mỹ (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) trải mành phơi ruốc trên phần đất đã mấy tháng nay bỏ hoang của gia đình. Chỉ trong vài giờ là ruốc khô, bán được. Chị Mỹ cho biết, giá ruốc tươi từ 7.000-10.000 đồng/kg, mỗi ngày thu mua từ 1,5-2 tấn. Ruốc khô chị Mỹ bán ra từ 30.000-45.000 đồng/kg, tùy loại.
Còn chị Lê Kiều Trang (ấp Kinh Mới, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) rất vui khi 2 con nước vừa rồi gia đình chị trúng ruốc. “Chồng tôi mới đi hơn 1 buổi đã đẩy được gần 5 sọt ruốc, giờ đợi chuyến biển thứ hai ông ấy vào để kịp phơi. Hôm nay trừ chi phí chắc lời được hơn triệu đồng” - chị Trang khoe. Dù là người làm ruốc nghiệp dư, nhưng sau mỗi mùa ruốc, gia đình chị Trang cũng tích lũy được gần 100 triệu đồng.
Vào vụ ruốc, khắp xóm làng nhộn nhịp. Đàn ông đi biển, phụ nữ ở nhà chế biến, phơi ruốc. Bà Nguyễn Thị Gọn - 63 tuổi, ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời - nói, mấy ngày gần đây trúng ruốc nên nhiều người thuê bà đi phơi. “Già rồi, làm không lại tụi trẻ, mỗi ngày chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng. Nhiêu đó cũng sống được ở xứ biển này rồi. Làm ruốc cực lắm, ở ngoài nắng tối ngày, có khi mưa tới thì phải chạy nhanh đi gom cho kịp, nếu không là phải bỏ cho gà vịt ăn hết” - bà Gọn kể.
Ông Nguyễn Cảnh Hạnh - Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời - cho hay, con ruốc đã đem lại thu nhập khá cho những người dân sống bằng nghề này. “Không chỉ những người trực tiếp đi biển khai thác mới có thu nhập. Con ruốc đã giúp cho hàng trăm hộ dân sống ven đê biển Tây có đồng ra đồng vào. Ai không có phương tiện, không có sức khỏe, kinh nghiệm đi khai thác thì mua ruốc về tự phơi khô bán lại lấy lời. Nếu không có vốn để mua ruốc về tự phơi thì xin phơi thuê, kiếm từ 150.000-200.000 đồng/ngày” - ông chia sẻ.
Theo phụ nữ TPHCM