Khi những vạt nắng đầu hạ bắt đầu đổ vàng oi ả, một vài cơn giông đì đùng sấm vang chớp giật đến rồi đi vội vã, đó là lúc cánh đồng lúa vụ chiêm đang thì con gái trở mình bung cựa đòng đòng. 

Sau mỗi đêm, chẽn đòng như chạy đua cùng nhau thoát khỏi đọt lúa non mà trổ ra đều tăm tắp, cùng nhau tỏa lan thứ hương thơm thanh dã.

Nhìn đòng trổ, người nông dân phần nào đoán biết được năng suất vụ mùa. Đây là lúc tay chân được nhàn rỗi mà lòng dạ vẫn không thôi vướng bận. Vừa chăm nom canh trổ nước bơm vào ruộng sao cho đủ, vừa thấp thỏm theo dõi từng chẽn lúa ngậm sữa mà định lượng hạt tròn hạt lép. Những ngày này, chiều nào mẹ tôi cũng đợi đến khi nắng xế, tranh thủ đi cắt cỏ chăn bò và thăm lúa. Cả đời gắn bó với ruộng đồng, với mẹ quãng thời gian chuyển mùa này là những tháng ngày thơ mộng và thảnh thơi quý giá. Chẳng còn phải tất bật lo cày cấy, sục cỏ, bón phân… chỉ có sự háo hức, mong ngóng lúa trổ đòng, chờ từng cơn mưa giông mát lành và hào phóng. 

Những cơn mưa đổ ào xuống một lúc rồi thôi, có khi mưa mà mặt trời vẫn ló rạng, sấm chớp sáng lóe từng hồi, từng hạt to đáp mạnh, lặn vào lòng đất. Trẻ nít đi chăn trâu gặp cơn mưa trút vội giữa chiều chạy không kịp ướt lép nhép thì khó chịu, nhưng cha mẹ thì lại nhìn nhau cười vui. Đem chiếc lợp tép ra chêm lại, cha hỉ hả nói với mẹ rằng, có cơn mưa như thế thì lúa trổ đòng “tha hồ đẹp, hạt tha hồ đầy mẩy”.

Mẹ góp lời bằng giọng điệu tươi tỉnh: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên. Thấy mưa, ai cũng mừng hết biết”. 

Mưa tạnh, mặt trời lên rực rỡ, bố và em trai tôi cùng nhau chế mồi và đi đặt lợp tép nơi bờ ruộng hoặc đầu các kênh mương. Đặt xong thì thong thả ngồi trên bờ cỏ, tận hưởng vẻ đẹp đồng quê buổi hoàng hôn, nghe mùi thơm chẽn đòng ngọt ngào căng đầy trong từng nhịp thở.

Cuối chiều thu lợp, thành phẩm có thể là mớ tôm để nguyên cả đầu râu chân đuôi đem rang mặn ăn kèm canh rau đay mướp hương thanh mát; có khi là niêu cá nhiều giống loại như lia thia, cá cờ, cá mương, cá chạch… kho lá nghệ thơm nưng nức ăn cùng với dưa chua.

Rồi chỉ độ năm, bảy bữa sau, qua thời kỳ bông lúa ngậm sữa và chuyển sang cúi đầu dưỡng hạt, tôi lại được dịp theo cha đi bắt cá rô đồng, cá quả. Căn bếp mỗi chiều mẹ tất bật, có nồi canh chua cá quả nấu dọc mùng, cơm mẻ, nghệ tươi thơm lừng khó cưỡng. Hay món cá rô rán giòn ăn hết cả xương, nghe mùi là nước miếng tự động tứa ra rề rề. Món quê chẳng chế biến cầu kỳ hay bài trí đẹp mắt, nhưng cái hương cái vị mang hấp lực đặc biệt khó tả, làm người ta thèm nhớ đến điên cuồng khi đi xa.

Những ngày lúa trổ đòng, đám trẻ chúng tôi vô tư chẳng biết về nỗi lo toan người lớn cất giấu, thế nên cứ lùa trâu bò đến chăn chỗ nào là tìm đòng non ăn chỗ đó. Đứa nào cũng mê thích đòng đòng, đặc biệt là những đọt đòng nếp vì chúng thật ngọt, thơm mùi sữa. Các bà các mẹ đi thăm đồng, hễ trông thấy đứa nào tút bông đòng là lên tiếng ngăn. Mọi người căn dặn chúng tôi phải biết chăm chút và giữ gìn, bởi bông lúa bao nhiêu hạt là bấy nhiêu giọt mồ hôi của cha mẹ, của người nông dân đã đổ xuống.

Thế nên về sau, dù vẫn thèm thuồng hương vị của đòng non, song chúng tôi đã tự nhắc nhau đừng tùy tiện ăn chúng nữa. Với tôi và những ai lớn lên ở làng quê, có lẽ cái thức quà của đồng ruộng ấy đã và sẽ mãi thơm thảo, ngọt lành mà suốt cuộc đời không quên được.

Nhiều năm xa quê học hành, lập nghiệp, những lần trở về nơi chốn thân thuộc thuở ấu thơ, lặng bước trên đôi bờ cánh đồng lúa bời bời xanh và thơm lừng hương sữa mùa lúa trổ bông, lúc nào tôi cũng thấy thân tâm nhẹ nhõm và hạnh phúc. Hít căng lồng ngực hương lúa, bỏ lại tất thảy những muộn phiền, toan tính, bon chen nơi phố hội, tôi mặc sức phiêu du về một miền ký ức ngọt ngào, trên dải lúa xanh biếc… 

Theo phunuoonline.com.vn