leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK 

1. Đầu giường của má lúc nào cũng có sẵn chai dầu gió màu xanh hiệu con Ó. Thói quen này má giữ từ hồi tôi còn nhỏ xíu đến bây giờ. 

Tôi nhớ hồi xưa, mỗi bận tôi đau bụng, nhức đầu, sổ mũi hay trời mới chớm lạnh… má đều lấy dầu gió bôi vào đầu, vào ngực tôi. Tôi nhăn mặt. Má bôi xong, tôi thường lấy tay xoa đi vì không thích mùi tinh dầu khó chịu, cay mắt ấy. Vậy mà lớn lên, xa nhà xa quê, mỗi lần đất trời chuyển lạnh, tôi lại nhớ vô cùng cái mùi bình yên ấy. 

Không chỉ má, tôi nhận ra rằng hầu như người già ai cũng thích bôi dầu gió. Họ thường bỏ một chai dầu vào túi áo người già hay lận trong túi xách mỗi bận đi xa. Trên những chuyến xe khách đi về những vùng miền khác nhau, lẫn trong hàng chục thứ mùi hỗn tạp, mùi người, lần nào tôi cũng ngửi thấy mùi dầu gió thoang thoảng. Mấy bà mấy cô, khi xe rục rịch chuyển bánh đã vội lôi chai dầu ra đưa lên mũi ngửi, bôi lên thái dương cho đỡ say xe. Họ còn bôi cho đứa cháu đang lắc đầu nguầy nguậy ngồi bên cạnh mình.

Nhiều người cười hiền hậu, chìa chai dầu bảo tôi “bôi đi, xe sắp chạy rồi”. Cái mùi thân quen trên những chuyến xe khách xa lạ luôn khiến tôi thấy dễ chịu, khoảng cách người với người gần nhau hơn. Đầu óc tôi giãn ra, miên man nhớ về cái mùi thoang thoảng trên áo má.

Người trẻ chúng tôi hay đùa rằng dầu gió là “thần dược” của mấy ông bà già. Bởi bệnh đau gì cũng lôi dầu ra bôi trước. Bạn tôi cười kể rằng mẹ bạn cũng hệt như thế. Mẹ luôn lận trong người chai dầu Phật Linh sẫm màu. Hồi nhỏ bạn hay chạy chơi té xước trầy chân trầy tay. Về nhà bạn hay giấu mẹ, chứ để mẹ biết thể nào cũng vừa la vừa lôi dầu ra bôi. Cái dầu ấy mà đụng vào vết xước là nóng xót, khó chịu vô cùng. Giọng bạn chùng lại: “Giờ lỡ té, có ai vừa la vừa bôi dầu cho nữa đâu”. Mẹ bạn đã hóa thành mây trắng bay về trời mất rồi…

Người trẻ lo những chuyện xa xôi, còn người già lúc nào cũng để ý những điều vụn vặt. Khi nhìn con cháu hắt hơi, sổ mũi họ đã lo lắng, bất an. Họ thường nhắc này, khuyên nọ. Nhiều khi ta cảm thấy thật phiền, nhưng tình thương của họ lúc nào cũng như sông, như biển. 

2. Những kẻ tha hương như tôi thường nhớ nhung khôn nguôi về ngôi nhà thơ ấu. Mà lạ, không có hình ảnh nào cụ thể, nhưng những hoài niệm lại thường gắn với một mùi hương nào đó. Như mùi cơm sôi trên bếp, mùi của củ khoai lùi xuống tro một ngày mưa gió hay mùi cũ kỹ bốc ra từ ngôi nhà gỗ quanh năm nghe tiếng mối gặm sột soạt…

Một chị đồng nghiệp của tôi nói, thỉnh thoảng lại nhớ quay quắt mùi nhựa cháy khét lẹt. Hồi nhỏ nhà chị nghèo lắm. Quần áo đứa lớn mặc xong thì chuyền cho đứa nhỏ hơn. Dép thì họa hoằn vài năm mới mua một đôi.

Ngày đó, chỉ rặt dép nhựa rẻ tiền nhưng đó cũng là cả ước ao thuở nhỏ của mấy anh chị em. Chị vẫn nhớ những buổi tối, ba chị vá víu lại mấy đôi dép đứt bằng lốp xe đạp hoặc bằng những chiếc dép không thể vá được nữa. Ba cắt một miếng lốp xe, cho con dao vào bếp, và rồi mùi khét lẹt lập tức tràn ngập không gian. Cái mùi ấy vẫn khiến chị chảy nước mắt mỗi khi nhớ lại. 

Người ta càng lớn lại càng muốn quay về nương náu những ngày thơ dại. Thuở mà những mệt nhoài, xô bồ của cuộc đời chưa chạm vào được. Nơi có mâm cơm giản đơn mẹ nấu, có bóng cha vững chãi, có những yêu thương cả đời không thể nào đong đếm hết. Và chỉ cần được hít hà thứ mùi bình yên ấy, ta cảm thấy được xoa dịu, được vỗ về hơn biết bao lời an ủi… 

Theo phunuonline