Ngày lễ Vu lan năm nay, vợ chồng tôi đã dự định về quê. Nhưng ảnh hưởng của cơn bão số 2 khiến mưa to, đường ngập và chúng tôi đành phải chấp nhận trả lại vé xe. Lời hứa với cha mẹ hai bên: “Đến ngày Rằm tháng Bảy, chúng con về” lại theo gió bay đi.

Gọi điện cho cha mẹ thông báo, ai cũng động viên: “Mưa to gió lớn này ở lại thành phố đi con ạ. Nếu về, xe cộ về cũng nguy hiểm, cha mẹ lo lắm”. Phía sau lời nói ấy tôi biết là rất nhiều mong ngóng và trống vắng.

Tôi đã từng nghĩ, nơi tôi sống cách quê nhà chỉ khoảng 5 tiếng đi xe ô tô. Vợ chồng tôi cùng quê nên việc về thăm đôi bên càng tiện. Nhưng tôi không biết rằng, càng lớn lên và nhiều tuổi hơn, tôi lại càng khó thu xếp để về.

Sau khi lấy chồng, tôi sinh liền tù tì 3 đứa con, cứ 2 năm một đứa. Khi con còn quá nhỏ, tôi rất khó có thể mang con về vì vất vả, sợ con đi đường xa dễ ốm.

Ngày con lớn hơn một chút, tôi lại lao vào công việc để có thể kiếm tiền nuôi con. Những dịp có thể xin nghỉ được thêm một ngày để về quê là rất hiếm vì môi trường làm việc rất khắt khe. Chuyện học hành của con cái, hết đứa lớn rồi đứa bé khiến thời gian trôi qua rất nhanh.

 
leftcenterrightdel
 Và tôi cũng thương lắm khi nghĩ về mỗi chiều chỉ có ông bà lặng lẽ bên nhau, trong căn nhà nhỏ... (Ảnh minh họa: Internet)

Nhiều lần tôi nhớ nhà đến phát khóc, nhưng chẳng biết làm thế nào để về được. Tôi nhớ về những ngày thơ bé ríu rít bên cha mẹ. Tôi nhớ đến những nếp nhăn đã tự lúc nào xuất hiện trên gương mặt mẹ cha. Tôi nhớ họ của những ngày trạc tuổi tôi bây giờ, nghĩ về những nỗi niềm họ đã từng phải trải qua khi nuôi tôi khôn lớn. Và tôi cũng thương lắm khi nghĩ về mỗi chiều chỉ có ông bà lặng lẽ bên nhau, trong căn nhà nhỏ...

Tôi bàn với chồng dành dụm tiền để mua một chiếc ô tô, có gì vợ chồng con cái chủ động về quê cho dễ. Nhưng chồng tôi tính toán thì bảo nếu nhà thêm một chiếc ô tô đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ phải gánh thêm một khoản nợ, “nuôi” xe mỗi tháng ở thành phố cũng như có thêm một đứa con nhỏ trong nhà, rất tốn kém.

Tôi đành cứ phải tặc lưỡi qua mỗi lần hứa hẹn về thăm quê mà không được. Không phải là người cổ súy sống nhanh, sống vội, nhưng tôi nghĩ trong chuyện báo hiếu, những người con phải cực kỳ nhanh chân. Bởi cha mẹ chẳng thể đợi chờ mình hết bận. Cuộc sống với cơn sóng này đến cơn sóng khác cứ cuốn chúng ta đi. Còn thời gian được ở bên cha mẹ có là bao.

Tôi từng đọc được những dòng chia sẻ trên mạng xã hội: “Giả sử một người có thể về nhà với bố mẹ 7 ngày trong tết nguyên đán và dành nhiều nhất 11 giờ mỗi ngày để trò chuyện, gần gũi với họ. Nếu bố mẹ bây giờ 60 tuổi và họ sống đến 80 tuổi, chúng ta thực sự chỉ có thể ở bên họ 1.540 giờ nữa. Con số đó tương đương với 64 ngày mà thôi”.

Mỗi khi nghĩ đến lời nhắc nhở này, tôi lại vô thức nhẩm tính. Nếu cha mẹ tôi đã ngoài sáu mươi, một cái tết tôi chỉ ở bên cạnh cha mẹ được khoảng 3 ngày thì thời gian còn lại chỉ chưa đầy 1 tháng. Sự thật phũ phàng ấy cứ khiến nỗi buồn trong tôi dâng lên đầy tim.

May mắn là đến nay, cha mẹ tôi vẫn mạnh khỏe, nhưng ai biết được chuyện đời thế nào. Tôi đành phải cố gắng để níu kéo được thêm nhiều kỷ niệm và niềm vui bên mẹ cha. Những cuộc gọi video thường kể cho ông bà nghe từng câu chuyện nhỏ, có dịp gì cũng gọi điện để được cùng nhau chia sẻ cảm xúc đang hiện hữu xung quanh. Mỗi lần về quê đều rủ cha mẹ đi chơi, thăm thú chỗ này chỗ khác. Nhắn với mẹ cố gắng thu xếp công việc để ra nhà tôi chơi, đi du lịch cùng con cháu. Nếu có gói quà, gói bánh, chiếc áo hay vật dụng nào cần thiết trong nhà, tôi cũng sẽ không ngần ngại đặt hàng qua mạng để họ giao trực tiếp ở nhà cha mẹ…

Lần nào nhận được những món đồ “0 đồng”, cha mẹ cũng rất vui dù vẫn mắng con “cứ bày vẽ tốn tiền, ông bà có dùng đến đâu”. Tôi biết, có những việc mình làm không phải chỉ để dành cho cha mẹ vui mà còn khiến mình cảm thấy thoải mái, bớt cảm giác tội lỗi trong lòng. Muốn hiếu kính với cha mẹ thì phải nhanh chân lên thôi. Thời gian còn lại không nhiều nhưng luôn có nhiều cách để làm đầy kỷ niệm cùng nhau.

Theo phunuonline.vn